Đường dẫn truy cập

Ông Putin tuyên truyền lịch sử để chuẩn bị xâm lược Ukraine?


Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai miền đông Ukraine ở Moscow hôm 21/2 năm 2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai miền đông Ukraine ở Moscow hôm 21/2 năm 2022

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ‘Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga’ được xem là dấu hiệu cho thấy ông chuẩn bị cho hành động xâm lược toàn diện vào Ukraine nhưng lập luận này hoàn toàn sai về mặt lịch sử, các nhà phân tích nhận định.

Trong một bài diễn văn đầy giận dữ trên truyền hình hôm 21/2 trước người dân Nga, ông Putin tuyên bố ông có quyết định ‘đáng lẽ nên làm từ lâu’ là công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine và cho biết Nga sẽ gửi ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ đến hai khu vực này.

Quyết định này ngay lập tức đã bị Washington và các nước phương Tây lên án nặng nề. Mỹ và đồng minh đã kích hoạt một số biện pháp trừng phạt Moscow sau tuyên bố của ông Putin.

‘Gắn chặt với Nga’

Trong bài phát biểu từ Điện Kremlin, ông Putin nói rõ rằng ông coi Ukraine là không thể tách rời với Nga chứ không phải là một thực thể độc lập. Ông gọi Ukraine là ‘một phần không thể tách rời trong lịch sử, văn hóa, không gian tâm linh của chúng ta’ và gọi người dân Ukraine là ‘đồng chí, người thân và là những người ‘gắn kết máu thịt với chúng ta’. “Nước Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra,” ông khẳng định.

Theo hãng tin Mỹ AP, ông Putin đã diễn giải lịch sử Ukraine theo ý riêng của ông. “Điều đó là hoang đường vì Ukraine có lịch sử riêng hàng ngàn năm,” hãng tin này nhận định.

AP cho rằng trong nỗ lực để đưa Ukraine độc lập, thân phương Tây trở lại quỹ đạo của Nga, Putin đang đi theo con đường của nhiều nhà cai trị nước Nga trước ông – từ Peter Đại đế cho đến nhà độc tài Josef Stalin.

Lãnh thổ Ukraine hiện giờ là một khu vực tranh chấp với biên giới thay đổi trong nhiều thế kỷ mà không hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của Moscow cho đến cuối thế kỷ 18 dưới triều đại của Catherine Đại đế, và thậm chí sau đó Đế quốc Nga không bao giờ có thể nuốt nó dễ dàng hay hoàn toàn.

Trong bài phát biểu, ông Putin lập luận rằng việc Ukraine ra đời như một quốc gia có chủ quyền là thảm họa và là ‘tai nạn’ của các lãnh đạo cộng sản trong thế kỷ 20.

Người Ukraine và người Nga là những dân tộc Sla-vơ ở phía đông châu Âu. Vận mệnh của hai dân tộc này vừa gắn chặt vừa tách biệt xuyên suốt lịch sử. Tuy nhiên, ông Putin chỉ tập trung vào giai đoạn Nga thống trị tối đa Ukraine mà quên rằng đó là một đất nước riêng biệt được các hiệp ước quốc tế công nhận và được Nga công khai thừa nhận trong 30 năm qua.

Thay vào đó, ông khắc họa Ukraine ngày nay như một con rối tham nhũng, hủ bại của Hoa Kỳ và đang đe dọa an ninh Nga và, theo cách nhìn của ông, không có lý do gì để tồn tại ngoại trừ phải liên minh với Nga.

Tìm cảm chống Nga

Thay vì gắn kết với Moscow của Nga, toàn bộ lãnh thổ hiện giờ là Ukraine trong nhiều thế kỷ nằm trong Đại Công quốc Litva từ những năm 1300, và sau đó thuộc Liên minh Ba Lan và Litva, một nhà nước đa sắc tộc, đa ngôn ngữ rộng lớn có lãnh thổ bao gồm gần như tất cả nước hiện giờ là Ba Lan, Litva, Belarus và Ukraine.

Các cuộc nổi dậy của đội quân người Cozak ở Ukraine chống lại các lãnh chúa và địa chủ Ba Lan vào giữa những năm 1600 đã dẫn đến liên minh giữa người Cozak với Moscow và miền đông Ukraine đã tách khỏi Liên minh Ba Lan-Litva để thề trung thành với Sa hoàng Nga vào năm 1654. Tuy nhiên, tây Ukraine vẫn nằm trong Liên minh Ba Lan-Litva thêm 150 năm nữa, cho đến khi Ba Lan bị chia cắt lần cuối cùng vào năm 1795.

Ba Lan đã trỗi dậy trở lại sau Đệ nhất Thế chiến và chiến tranh giành lãnh thổ với Liên xô từ năm 1919 đến năm 1922 và giành lại phần lớn Ukraine. Nhưng những vùng đất đó quay trở lại sự kiểm soát của Liên Xô trong suốt và sau Đệ nhị Thế chiến, nhưng sau Thế chiến, các đảng phái dân tộc chủ nghĩa Ukraine đã kháng chiến du kích chống lại Liên Xô trong nhiều năm.

‘Nạn đói lớn’ do Stalin gây ra cho Ukraine vào đầu những năm 1930 đã khiến hàng triệu người chết và gieo mầm cho sự căm hận dai dẳng của người Ukraine đối với sự cai trị của Liên Xô.

Việc những người Bolshevik công nhận Ukraine là một nước cộng hòa riêng biệt khi Liên Xô ra đời không phải ngẫu nhiên. Nó thừa nhận thực tế là Ukraine có lịch sử và bản sắc riêng biệt, nằm đâu đó ở giữa Moscow và phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử nhưng không bao giờ có cơ hội tự quyết cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Trái với Putin, hầu hết người dân Ukraine không kêu gọi trở thành một phần của Nga ngày nay, và tình cảm chống Nga ở hầu hết đất nước chỉ tăng lên kể từ khi Nga chiếm Crimea năm 2014 và chiếm khu vực Donbass ở miền đông nhờ vào phe ly khai được Moscow hậu thuẫn, theo AP.

Tín hiệu xâm lược

Tyên truyền của ông Putin về lịch sử không phải là tuyên bố xâm lược hay nỗ lực để thống nhất Ukraine về với ‘đất mẹ Nga’, đài CNN nhận định. Nhưng nó có thể dễ dàng được cảm nhận như là nỗ lực để chuẩn bị người dân Nga cho chiến tranh. Nó cũng chắc chắn nhằm tăng cường nỗ lực chi phối và gây bất ổn cho một đất nước mà đông đảo người dân mong muốn gia nhập NATO và Liên minh châu Âu.

Chỉ bằng một chữ ký hôm 21/2, ông Putin đã cắt thêm hai mảnh của một quốc gia độc lập, có chủ quyền sau khi đã chiếm giữ bán đảo Crimea hồi năm 2014. Moscow cho biết họ sẽ gửi cái mà họ gọi là ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ đến các khu vực này. Tuy nhiên, phía Mỹ lo ngại rằng lực lượng này có thể là đội quân tiên phong trước khi huy động lực lượng cho cuộc xâm lược hoàn toàn mà họ đã dự đoán trong nhiều ngày.

Nếu Putin dừng lại ở đây, có khả năng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ được kiềm chế, và thậm chí cho Tổng thống Nga khoảng trống để xuống thang và tránh mở cuộc xâm lược toàn diện sau khi đã chộp được lãnh thổ mới trong nỗ lực ngăn chặn Ukraine tiến gần đến phương Tây. Một bước lùi như vậy – có lẽ nhằm chia rẽ Mỹ với các đồng minh ôn hòa hơn – có thể tránh được một cuộc khủng hoảng toàn cầu rộng lớn hơn. Tại Mỹ, kịch bản tạm thời này cũng có thể giúp người Mỹ khỏi bị tăng giá xăng và lạm phát tai hại và giúp ông Biden tránh khỏi bị mất uy tín trong năm bầu cử giữa kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, CNN cho rằng thật không may, những lời lẽ giận dữ của chính Putin hôm 21/2, sự hiện diện của gần 190.000 binh sĩ Nga ở biên giới Ukraine và hầu hết các đánh giá của gjới lãnh đạo và giới tình báo Mỹ cho thấy hy vọng về một cuộc xung đột hạn chế là điều hão huyền.

Lời lẽ đáng sợ nhất của ông Putin trong bài diễn văn là khi ông coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng Nga sắp tiến vào miền đông Ukraine là cái cớ cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà Mỹ cho rằng có thể giết chết hàng ngàn thường dân và dẫn đến dòng người tị nạn.

“Đối với những kẻ chiếm quyền và nắm giữ quyền lực ở Kiev, chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay lập tức sự thù địch,” ông Putin nói. “Nếu không, tất cả trách nhiệm về khả năng tiếp tục có đổ máu hoàn toàn thuộc về lương tâm của chế độ cai trị trên lãnh thổ Ukraine”.

Nhiều quan chức Mỹ nói với CNN họ diễn giải động thái của Putin đối với hai khu vực miền đông Ukraine, vốn tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (DPR và LPR), nằm trong hành động tuần tự hướng đến một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Mỹ nên phản ứng thế nào?

Cho dù Putin có xâm lược toàn diện vào Ukraine hay chỉ hạn chế ở mức gửi quân đến hai khu vực thân Nga ở miền đông mà ông đã công nhận là độc lập hôm 21/2 sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nói sẽ là tàn khốc nhất mà họ từng áp đặt lên Moscow.

Bài phát biểu của ông Putin hôm 21/2 vốn đả kích NATO không tôn trọng và đe dọa Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ có thể sẽ đẩy Washington và Moscow trở lại cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh mới sau 30 năm tương đối yên tĩnh ở châu Âu. Và diễn tiến trong những ngày tới sẽ có ý nghĩa lớn đối với người Mỹ. Một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ khiến giá xăng vốn đã cao lại càng tăng vọt và lạm phát vốn đã bào mòn ví tiền người dân ở Mỹ càng gay gắt hơn. Nó cũng sẽ giáng thêm một đòn mạnh nữa vào uy tín của Tổng thống Joe Biden trong lúc Đảng Dân chủ của ông có nguy cơ thua lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Ngay sau bài diễn văn của ông Putin, ông Biden đã tham khảo các nhà lãnh đạo Pháp và Đức và nhanh chóng công bố một gói trừng phạt thương mại và tài chính nhằm vào hai khu vực thân Nga. Nhưng ông không ngay lập tức kích hoạtnhững biện pháp trừng phạt tàn khốc vào kinh tế Nga mà ông đã hứa nếu Nga xâm lược Ukraine toàn diện. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer nói trên CNN hôm 22/2 rằng ‘các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được đưa ra sau đó trong ngày nằm trong ‘phản ứng nhanh chóng và nghiêm khắc’ đối với các hành động của Moscow.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ dường như đã tách bạch giữa miền đông Ukraine và phần còn lại của đất nước. “Lực lượng Nga đã hiện diện ở những khu vực này kể từ năm 2014,” một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên.

“Do đó, chúng tôi sẽ xem xét rất kỹ những gì họ làm trong những giờ và những ngày tới và phản ứng của chúng tôi được cân nhắc, một lần nữa, tương xứng đối với hành động của họ,” vị quan chức này được CNN dẫn lời nói.

Nước Mỹ đã thận trọng trong việc trừng phạt Nga cho những gì họ làm hơn là những gì ông Putin nói. Nhưng định nghĩa về thế nào là một cuộc xâm lược có thể làm giảm hành động Tổng thống Nga thực hiện hôm 21/2. Ai cũng biết rằng lực lượng mà Nga gọi là phiến quân thân Moscow ở miền đông Ukraine được Nga huấn luyện và nhận lệnh Nga. Trên thực tế, Putin đã lấy đi một phần lãnh thổ của một quốc gia khác, mà không cho quốc giai đó có tiếng nói.

Chính quyền Biden, vốn chủ yếu đã xây dựng được một mặt trận NATO thống nhất tưrớc Putin trong những tuần gần đây, đã đối diện với áp lực từ Quốc hội là cần có phản ứng nhanh hơn, khắc nghiệt hơn đối với hành động của ông Putin – ngay cả từ một số thành viên Dân chủ.

Dân biểu Dân chủ Gerry Connolly của Virginia nói với CNN rằng Hoa Kỳ cần phải xác định chính xác việc Nga sắp triển khai ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ đến miền đông Ukraine có nghĩa là gì.

“Dù có nghĩa theo cách nào đi nữa thì đó cũng là một cuộc xâm lược,” ông nói và cho rằng các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay cần phải được đưa ra ngay lập tức.

“Như chúng tôi đã nói trong nhiều tháng, việc đặt ra cột mốc để kích hoạt các biện pháp trừng phạt thực chất là khi xe tăng Nga lăn qua biên giới Ukraine là sai lầm nguy hiểm,” Dân biểu Michael McCaul của Texas, nhân vật Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Dân biểu Mike Rogers của Alabama, nhân vật Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, chỉ trích.

“Chúng ta phải ngay lập tức áp đặt cái giá thực sự cho hành động xâm lược trắng trợn và ngang nhiên vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thật không may, các biện pháp trừng phạt được Nhà Trắng xem xét cho đến nay là bất lực,” hai dân biểu Cộng hòa nhận định trong một bài viết chung.

Chiến tranh Lạnh mới?

Thế giới sẽ phải nhanh chóng phân tích xem liệu bài diễn văn thịnh nộ đầy cay đắng của ông Putin có phải là khởi đầu của một cuộc xung đột rộng lớn hơn vốn trên thực tế sẽ chấm dứt kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và mở ra một thời kỳ căng thẳng mới ở châu Âu hay không.

Tình hình đó sẽ đòi hỏi xem xét lại rất nhiều về an ninh xuyên Đại Tây Dương – bao gồm khả năng đưa hàng ngàn lính Mỹ trở lại các căn cứ mà họ đã rời đi vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Việc điều binh như vậy cũng sẽ làm phức tạp mong muốn của Washington nhằm xoay trục sang châu Á cho một cuộc xung đột mới kiểu Chiến tranh Lạnh đang hình thành trước siêu cường đang lên là Trung Quốc.

Giằng co địa chính trị kéo dài với Nga cũng sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu phải xem xét ông Putin có thể nỗ lực vẽ lại biên giới châu Âu đến mức nào.

“Điều khiến tôi lo lắng là những gì xảy ra hậu Ukraine,” cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói với CNN.

Chẳng hạn, lập luận của ông Putin rằng người Ukraine là anh em ruột thịt của người Nga đặc biệt đáng lo ngại bởi vì nó có thể được áp dụng cho các nước khác cũng có đông đảo dân gốc Nga - bao gồm các nước vùng Baltic như Latvia, Lítva và Estonia vốn từng nằm dưới sự cai trị của Liên Xô. Bất kỳ nỗ lực nào của Putin để mở rộng nguyên tắc ‘anh em với người Nga’ đều có thể hết sức nguy hiểm vì tất cả những nước này đang ở trong NATO và được liên minh bảo vệ với nguyên tắc phòng vệ tập thể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG