Đường dẫn truy cập

Đất đai và tương lai, có thế nào thì vẫn... chưa sao!


Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. Hình minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)
Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. Hình minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)

Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi... “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản”...

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (KTSG) vừa có hai bài cùng đề cập đến hai khía cạnh liên quan đến đất đai tại Việt Nam: Thứ nhất là chính sách và năng lực, cung cách quản lý. Thứ hai là thị trường đất đai. Xưa nay, cả hai khía cạnh này đều là những vấn đề gây nhức nhối.

Trong “Sốt đất: Tội đồ và giải pháp” (1), qua KTSG, ông Phan Minh Ngọc nêu ra một số dẫn chứng để chứng minh, Nguyên nhân sâu xa của các cơn sốt đất trước đây, hiện nay và sắp đến, cũng được ngay cơ quan quản lý thừa nhận, chính là nguồn tiền quá dư thừa trong nền kinh tế mà chính phủ đã không thể kiểm soát được và để chúng chảy mạnh vào bất động sản. Thêm vào đó là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm (và có thể cả lợi ích nhóm) từ chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tình hình khi sốt đất đã nổ ra.

Còn trong Đấu giá đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư? (2), qua KTSG, một luật sư tên là Nguyễn Tiến Lập tiếp tục nêu những dẫn chứng khác để đề nghị: Những người cai quản đất nước, rất cần thôi cách nghĩ, cách nhìn đơn giản, thực dụng cho rằng đất đai trong tay mình là tài sản, từ đó luôn luôn tìm cách bán đất để được giá cao nhất. Thay vào đó, cần hiểu đất đai là không gian sống và không gian phát triển của tất cả mọi người, thậm chí của nhiều thế hệ và lịch sử.

***

Không chỉ có những người như ông Ngọc, ông Lập,... nêu ra những nhận xét, cảnh báo, khuyến nghị trên các cơ quan truyền thông chính thức như KTSG, từ vô số thông tin, diễn biến trên mạng xã hội, một doanh nhân – ông Mai Quốc Bình cũng mới lên tiếng...

Ông Bình điểm lại những câu chuyện cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn trên mạng xã hội và cảm thán về những... “trò mèo”: Ca sĩ này khoe bán đất, diễn viên kia khoe kiếm được cả tỉ đồng nhờ đất, doanh nhân khác khoe mới bỏ ngàn tỉ mua đất....

Ông Bình thắc mắc: Hay ho gì từ chuyện đất ở thành phố được ví là kim cương, đất đồi, đất ruộng lên giá vùn vụt... Ngồi quán cafe chỉ nghe doanh nhân bàn về đất. Những giới khác, từ người làm văn phòng, ông chạy xe ôm, bà bán trà đá cũng râm ran bàn về đất, về cách làm giàu nhanh từ đất, về các chiêu trò giúp kiếm được mấy trăm triệu, mấy tỉ từ đất. Ông Bình nêu cảm nhận: Sự phi lý của thị trường bất động sản làm cho cộng đồng doanh nhân nản chí, muốn bỏ hết công việc để đâm đầu vào đất.

Dẫn những thành ngữ của tiền nhân liên quan đến đất. Ví dụ “cạp đất mà ăn” để chỉ trích những người lười học, nhác làm. “Đồ đầu đất” để chỉ những người chậm chạp, ngu ngơ... và so sánh với hiện tại đã khác hẳn ngày xưa: Giờ, “cạp đất mà ăn” hay “đồ đầu đất” là trào lưu thời thượng mà ai cũng muốn “đu trend”, ông Bình thú thật, chính ông cũng được hưởng lợi phần nào từ sự phi lý nói trên của thị trường bất động sản nhưng lại vừa buồn, vừa lo...

Buồn vì đất nước chúng ta đang có một nền kinh tế vận hành bằng hoạt động đầu cơ què quặt, người trước ăn của người sau. Lo vì người người, nhà nhà đổ tiền vào đầu cơ thay vì đổ tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Biết làm sao được, mấy năm nay, bản thân tôi và rất nhiều doanh nhân thường lỗ, cuối năm toàn phải bán đất để lo tết cho đội ngũ. Ai cũng muốn có miếng đất dự phòng để lỡ có chuyện gì...

Ông Bình đưa ra nhiều dẫn chứng: Một người bạn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng cả chục năm, một thời từng nổi đình, nổi đám trong Forbes30 VN nhưng mấy năm nay trên facebook của người bạn này chỉ thấy... “đất Saigon rồi Phú Quốc, hết Phú Quốc lại Bình Thuận, xong đất là tiền kỹ thuật số. Một người bạn cùng quê từng kinh doanh dịch vụ du lịch và vé máy bay doanh thu hàng trăm tỉ mỗi năm nhưng ở Sài Gòn mười năm chỉ có căn chung cư nho nhỏ để chui ra chui vào, “cuối cùng về quê mua đất, bán cát, môi giới trong gần một năm có được cả chục tỉ. Một người bạn khác kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, marketing vừa tuyên bố sẽ mở công ty môi giới bất động sản vì... “làm đất sáu tháng gấp mười lần làm truyền thông, marketing sáu năm”. Ông Bình còn có những người bạn là chuyên gia đào tạo nổi tiếng, kiếm không ít tiền nhưng cũng mới loan báo quyết định tự cho ông ta... “mất dạy” để chuyển qua làm “thằng đầu đất” vì... “một năm làm đất bằng 3 năm đi dạy”.

Ông Bình kể thêm, không chỉ doanh nhân mà các giới khác cũng thế. Anh trai ông vốn là giáo viên dạy trường chuyên của tỉnh – ngôi trường mà bất kỳ học sinh nào cũng muốn vào, năm nào cũng có học sinh đoạt giải quốc tế nhưng vẫn phải “ăn cá gỗ”. Cực quá, bí quá nên hai năm nay, anh ông đi dạy nửa ngày, nửa ngày còn lại đi làm... “cò đất” và “nhờ vậy mà giờ cơm có thịt”. Em họ ông Bình cũng ở tỉnh đó và phục vụ quân đội, trên vai có cũng có vài gạch, vài sao nhưng giờ... “cuộc sống của nó lại là đất ngày 3 bữa”...

Theo ông Bình, quanh ông, những người tay ngang gia nhập thị trường bất động sản đếm không xuể. Nếu những người đó chuyên tâm vào công việc của họ thì sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, mỗi năm đào tạo ra hàng chục ngàn người đủ chất lượng trí tuệ làm giàu cho quốc gia. Chỉ tiếc rằng áp lực của cuộc sống buộc họ phải lựa chọn thứ... KIẾM ĐƯỢC TIỀN bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tự cứu lấy mình trước, tự giúp mình trước khi muốn giúp thiên hạ. Khó trách họ được!

Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi... “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản” và: “Nếu không có biện pháp hợp lý cho bất động sản thì có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn sẽ sống bằng nghề đầu cơ”. Ông dự đoán: Lúc đó, có lẽ 70% giá thành một cuộn giấy vệ sinh là phí thuê đất, 30% còn lại là nguyên phụ liệu và nhân công. 60% chi phí cho một trái sầu riêng sẽ là tiền thuê đất, 40% còn lại là phân bón và nhân công...

Bứt rứt vì... “Trò mèo, diễn hoài”, vì... “nản thật sự” khi nhìn thấy “cộng đồng doanh nhân quanh mình bỏ bê đi buôn đất hết”, cho dù biết rằng... “Nếu siết, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ bị ho sặc sụa” nhưng ông Bình mong muốn phải khác vì... “đổi lại, nếu Việt Nam chúng ta có những doanh nghiệp vươn mình khắp nơi như Samsung, LG, Huyndai… của Hàn Quốc; CP, Saim cement, Thai Corp, BJC… của Thái Lan thì cũng cảm thấy sung sướng và có thêm động lực mà chiến đấu vươn mình thành công ty tỉ đô(3).

***

Đem những diễn biến kinh tế - xã hội liên quan đến đất trước kia và hiện nay so với tương lai, ngẫm các tâm sự, nhận xét, gợi ý như vừa giới thiệu, ắt không ít người sẽ tự hỏi: Liệu có thể sớm thay đổi không? Câu trả lời gần như là... không? Làm sao có thể khác khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dường như chỉ biết mỗi một cách để chứng minh năng lực trí tuệ, năng lực quản trị - điều hành là đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng rồi dùng đất để hoàn thành những chỉ tiêu ấy!

Chú thích

(1) https://thesaigontimes.vn/sot-dat-toi-do-va-giai-phap/

(2) https://thesaigontimes.vn/dau-gia-dat-hay-dau-thau-chon-nha-dau-tu/

(3) https://www.facebook.com/mquocbinh/posts/2160806850740464

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG