Cuộc sống của người Việt ở Nga hiện ‘chưa bị tác động gì nhiều’ trước các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây nhưng những ai làm việc để quy đổi ra đô la Mỹ gửi về nhà thì cuộc sống khó khăn hơn trước rất nhiều do đồng rúp mất giá, theo tìm hiểu của VOA.
Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã áp đặt hàng loạt các biện pháp cấm vận nặng nề đối với Moscow sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ xâm lăng Ukraine.
Nga đã bị loại ra khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, bị các nước phương Tây đóng cửa không phận, bị trừng phạt các ngân hàng, các tổ chức và cá nhân. Hàng loạt các công ty, các thương hiệu, các hãng xưởng của phương Tây cũng đã đóng cửa chi nhánh và sa thải nhân công ở Nga. Hoạt động làm ăn, mua bán, xuất nhập khẩu của Nga với các nước phương Tây gần như tê liệt.
Tỷ giá đồng rúp của Nga ngày 8/3 dao động ở mức 128 rúp đổi được một đô la Mỹ, so với mức 70 rúp trước khi chiến tranh bùng nổ. Hôm 28/2, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất từ 9,5% lên hơn gấp đôi là 20% nhằm ngăn chặn đồng rúp trượt giá .
Thu nhập giảm một nửa
Trao đổi với VOA, ông Hoàng Xuân Cường, chủ một đại lý bán vé máy bay và làm thị thực ở thủ đô Moscow, cho biết giá vé máy bay ở Nga giờ đã tăng gấp đôi theo đà mất giá của đồng rúp. Chẳng hạn, giá vé máy bay về Việt Nam lúc trước chỉ có 35.000 bây giờ là 70.000 rúp mặc dù tính theo giá đô la Mỹ vẫn chỉ là 500 đô.
“Những người như kiểu công nhân lao động làm bằng rúp gửi về quê thì chắc chắn cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn,” ông Cường cho biết.
Ông nói nhiều người Việt qua Nga lao động để kiếm tiền gửi về nhà. Họ nhận lương bằng rúp, nhưng khi gửi tiền về nước lại đổi qua đô la Mỹ. Nếu như tỷ giá cũ là 70 rúp đổi một đô la thì họ chỉ cần làm 70.000 rúp thì có được 1.000 đô, tức khoảng 23 triệu đồng gửi về Việt Nam. Bây giờ họ phải kiếm được từ 120 đến 130 ngàn rúp thì mới gửi được 23 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là lương họ bị giảm gần một nửa hay họ cần phải làm việc gấp đôi.
Do đó, ông cho biết người Việt ở Nga ‘đợt này ồ ạt về rất nhiều’. Số vé máy bay về Việt Nam ông bán ra ‘tăng gấp đôi’ so với trước khi khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ.
“Bên này hầu như công nhân Việt Nam làm trong xưởng may rất nhiều. Thứ nhất họ không có việc làm vì đơn hàng sụt giảm, thứ hai thu nhập hiện tại rất ít nên đang số lựa chọn về nước hơn là ở lại,” ông Cường cho biết.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt của phương Tây cũng làm cho nhiều mặt hàng nhập khẩu trở nên khan hiếm và tăng giá, cũng theo lời người chủ đại lý vé máy bay này. Ngay cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam hiện cũng khan hiếm.
“Một là lưu thông hàng hóa hạn chế, hai là đồng đô la tăng giá, ba là dân buôn Việt mình ghim hàng lại đợi lúc nào giá cả tăng họ mới bán,” ông giải thích.
Ông cho biết từ khi có các lệnh trừng phạt, khách hàng của ông chỉ có thể dùng tiền mặt để thanh toán chứ không dùng thẻ tín dụng nữa. Bản thân ông cũng đã ngưng dùng các loại thẻ.
Riêng về cuộc sống của ông và gia đình, ông Cường, vốn đã định cư ở Nga được sáu năm, cho biết ‘cũng không thay đổi gì’ vì ông ‘không có nhu cầu gửi tiền về Việt Nam’. Tuy nhiên, nếu lệnh trừng phạt của phương Tây kéo dài, ông nói ‘cuộc sống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng’.
Khi được hỏi về thái độ đối với cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine, ông Cường nói ông ‘không có ý kiến’ nhưng ‘nhiều người Việt sống ở Nga lâu năm đều ủng hộ’.
‘Cuộc sống bình thường’
Cũng giống như ông Cường, bà Trần Thương Huyền, nha sỹ có phòng khám tư ở quận Lyublino, thủ đô Moscow, nói do công việc của bà khá ổn định nên đến giờ cuộc sống của bà ‘vẫn bình thường’.
“Chỉ có vật giá tăng lên một chút do tỷ giá đô lên, nhất là đồ ngoại nhập, còn hàng hóa của Nga thì giá cả vẫn bình thường và vẫn có đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình,” bà cho biết.
Riêng một số mặt hàng của phương Tây, chẳng hạn như các thương hiệu thời trang H&M hay Zara thì bây giờ ở Nga không mua được nữa, cũng theo lời người nha sỹ này.
“Hiện tại tôi có gia đình nhỏ và không có chi tiêu gì lớn thì cơ bản vẫn ổn định,” bà nói thêm. “Chỉ có một số khách hàng của tôi đến phòng khám có kêu là khó buôn bán hơn thôi. Không hề có sự hoảng loạn gì cả.”
Bà cho biết mấy ngày đầu sau khi có lệnh cấm vận, ở Nga có ‘hiệu ứng đám đông’ đi rút tiền ồ ạt khiến các ngân hàng bơm tiền không kịp dẫn đến hạn mức rút tiền.
“Sau mấy hôm thì lại bơm đầy tiền thôi, người ta lại đi rút thoải mái,” bà nói. “Chỉ có thiếu đô la còn đồng rúp thì nước Nga có đầy cớ gì không cho rút?”
Do ảnh hưởng của việc nhiều nước đóng cửa không phận với Nga, bà thừa nhận bây giờ nếu cần đi đâu ra nước ngoài ‘thì khó khăn thật’ nhưng ‘tình hình bây giờ thì cũng chả ai muốn đi du lịch cả’.
“Người Việt vẫn bay về Việt Nam bình thường hay muốn đi những nước khác (không đóng cửa không phận) thì vẫn bay được,” bà nói.
Tuy nhiên, bà nói người dân Nga ‘chấp nhận thực tế hiện nay’ vì trong quá khứ đồng rúp Nga đã từng giảm giá đến 100%, từ 30 lên 60 rúp mới đổi được một đô la Mỹ, sau đó tiếp tục giảm đến 70 rúp.
Về việc Facebook hạn chế hoạt động ở Nga, bà nói: “Cộng đồng Việt ở Nga sử dụng Facebook để liên lạc cộng đồng với nhau hay để quảng cáo buôn bán. Bây giờ ở Nga bị hạn chế thì cũng ảnh hưởng đến một số quan hệ giao tiếp với nhau.”
Nhưng đóng cái này thì người dân sẽ xoay sở tìm công cụ khác như Zalo, Viber hay WhatsApp…, nên bà Huyền nói ‘cũng không ảnh hưởng gì nhiều’.
Bà không có ý kiến về cuộc chiến của ông Putin và nói rằng ‘mỗi tổng thống đều có mục đích riêng’ nhưng bày tỏ hy vọng ‘mọi thứ trở về quỹ đạo bình yên như trước’.