Đường dẫn truy cập

Đối lập và đối lập trung thành


Chữ “đối lập trung thành” (loyal opposition), từ mấy chục năm nay, được khá nhiều người sử dụng, nhất là trong giới nghiên cứu Tây phương, khi bàn đến tiến trình vận động dân chủ dưới các chế độ độc tài độc đảng, trong đó có Việt Nam. Nhiều người cho thuật ngữ này có cái gì như oái oăm: Đã đối lập mà lại còn trung thành? Nếu đã trung thành thì đối lập làm gì?

Thật ra, thuật ngữ đối lập trung thành đã xuất hiện ít nhất từ năm 1826 trong sinh hoạt Nghị viện tại Anh, ở đó, những người thuộc phe thiểu số trong Quốc Hội được xem là thành phần đối lập của chính phủ (do phe đa số nắm). Là đối lập, họ chống lại một số chính sách và hoạt động của chính phủ nhưng họ vẫn trung thành với đất nước và vẫn chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp. Danh xưng đối lập trung thành ở đây, như vậy, không khác với cách gọi đối lập thông thường. Nó được đặt ra chủ yếu để ngăn chận những âm mưu bôi xấu phe đối lập: Không thể xem họ là những kẻ phản bội. Dù phê phán chính phủ gay gắt đến mấy, họ cũng vẫn là công dân với tất cả những quyền giống mọi công dân khác. Hơn nữa, phải xem sự phê phán của họ cũng là một thứ quyền.

Khi áp dụng vào các chế độ độc tài, như Việt Nam hiện nay, khái niệm đối lập trung thành mang một ý nghĩa khác. Nó trở thành một hình thức đối lập khác.

Nhưng khác như thế nào?

Dưới chế độ độc tài, đối lập và đối lập trung thành khác nhau ít nhất ở bốn điểm chính:

Thứ nhất, về tư thế, trong khi các thành phần đối lập đều nằm ngoài hệ thống quyền lực đang nắm vai trò thống trị, những người được gọi là đối lập trung thành đều là đảng viên và cán bộ, có khi là cán bộ cao cấp hoặc khá cao cấp, trong hệ thống chính quyền. Ví dụ, ở Việt Nam, Nguyễn Đan Quế hay Hà Sĩ Phu là đối lập, trong khi Phan Đình Diệu hay Trần Độ trước đây, vốn là Trung tướng và là ủy viên Trung ương đảng, lại là đối lập trung thành.

Thứ hai, về mức độ, trong khi những người đối lập đả kích chính phủ hầu như trên mọi phương diện, những người đối lập trung thành thường giới hạn việc phê phán trên hai phạm vi: một là các chính sách và hai là cách thức tổ chức bộ máy đảng và chính quyền, đặc biệt trong việc thực thi các chính sách ấy. Ví dụ, họ phê phán phong trào cải cách ruộng đất vốn gây tang thương cho hàng chục ngàn gia đình và phá nát không phải chỉ nền kinh tế èo uột ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh cũng như ngay sau chiến tranh (chống Pháp) mà còn phá nát cả hệ thống đạo lý truyền thống trong gia đình cũng như làng xã Việt Nam với những cảnh con tố cha, vợ tố chồng, làng xóm vu vạ, hành hạ và giết chóc lẫn nhau, nhưng họ lại tránh né việc kết tội đảng và lãnh tụ đảng, những thủ phạm chính của các tội ác ấy.

Thứ ba, về biện pháp, trong khi những người đối lập muốn thay đổi từ bên ngoài, một cách nhanh chóng và quyết liệt, kể cả bằng bạo lực, những người đối lập trung thành tin là cuộc vận động để thay đổi đất nước chỉ có thể thực hiện được từ bên trong, một cách tiệm tiến, và bằng cách thuyết phục trước hết, đối với giới lãnh đạo, và sau đó, với quần chúng.

Thứ tư, quan trọng nhất, về mục tiêu, trong khi thành phần đối lập muốn thay đổi chế độ, những người đối lập trung thành chỉ muốn hoàn chỉnh chế độ bằng cách giảm thiểu các sai lầm, để nó cai trị một cách hiệu quả, dân chủ và nhân đạo hơn.

Sau khi phân biệt như trên, cần chú ý thêm một số điểm:

Thứ nhất, trên thực tế, rất khó phân biệt ranh giới thực sự giữa đối lập và đối lập trung thành. Trung thành có thể là một sự thực nhưng cũng có thể là một toan tính về chiến lược: một số người, tự thâm tâm, biết rõ là cần phải thay đổi chế độ và xem việc thay đổi chế độ là mục tiêu tối hậu của họ, nhưng họ cũng biết việc công khai hóa mục tiêu ấy là một nguy hiểm, không phải chỉ nguy hiểm cho chính họ mà còn nguy hiểm cho cả phong trào, bởi vậy, họ chấp nhận biện pháp có vẻ như thỏa hiệp là thay đổi từ từ, từng bước, từng bước, bắt đầu từ chính sách và cơ chế, sau đó, cuối cùng, mới đến vấn đề thể chế.

Thứ hai, không nên quên, trong tư tưởng chính trị cũng có những sự tiến hóa: nhiều người, thoạt đầu, chỉ muốn làm một người đối lập trung thành nhưng sau, dần dần, hoặc bị đẩy vào thế cùng, hoặc có sự thay đổi trong nhận thức, trở thành kẻ đối lập thực sự một cách quyết liệt và triệt để. Có thể thấy rõ sự chuyển hướng này qua hiện tượng một số người công khai bỏ đảng: Tất cả đều xuất phát từ sự tuyệt vọng đối với nỗ lực thay đổi từng phần và từ bên trong. Từ bỏ đảng để được đứng ngoài, vừa giữ được sĩ khí vừa có thể đi đến cùng sự phê phán và yêu sách.

Thứ ba, nhắm đến những mục tiêu khác nhau, nhưng đối lập và đối lập trung thành, trong một giai đoạn nào đó, lại bổ sung cho nhau hơn là loại trừ nhau. Đối lập có chức năng thay thế; đối lập trung thành củng cố cho nhu cầu thay thế ấy bằng cách đưa ra những bằng chứng khó có thể chối cãi được về những sai lầm và ung thối của chế độ. Nên lưu ý: đứng về phương diện phê phán, những tiếng nói từ bên trong thường có sức nặng và sức mạnh hơn những tiếng nói từ bên ngoài. Một phần, xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp, những tiếng nói ấy thường cụ thể hơn, do đó, dễ thuyết phục hơn; mặt khác, nó còn có tác dụng làm phân hóa thế lực cầm quyền, trước, phân hóa về tư tưởng, sau, phân hóa về lực lượng. Hơn nữa, những người đối lập trung thành, ngay cả những người trung thành một cách thành thực nhất, tuy tự đặt cho mình những giới hạn nhất định, nhưng làn sóng dân chủ, khi đã nổi dậy, thường lại bất chấp các giới hạn ấy. Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, khi đưa ra chính sách glasnost và perestroika vào giữa thập niên 1980, chỉ muốn hoàn thiện chế độ, những tưởng, với chúng, chế độ sẽ mạnh mẽ hơn, nhưng điều ông không ngờ lại xảy ra: cả chế độ bị sụp đổ. Mà không phải chỉ ở Nga. Nó sụp đổ trên toàn bộ Đông Âu.

Cuối cùng, thứ tư, cũng là điều quan trọng nhất: ngay cả khi có sự khác biệt sâu sắc giữa đối lập và đối lập trung thành, về phương diện chiến lược và từ góc độ của những người tranh đấu cho dân chủ, tuyệt đối tránh thái độ phân hóa giữa hai thành phần này. Sự phân hóa này chỉ tạo ra lợi thế cho nhà cầm quyền và là một điều xa xỉ mà những lực lượng tranh đấu cho dân chủ, vốn còn non yếu, không thể chấp nhận được.

Bởi chấp nhận là một sự dại dột.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG