Đường dẫn truy cập

Chính phủ Việt Nam đang ‘dâng’ nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc?


Xe chở hàng hóa từ Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh ở Việt Nam.
Xe chở hàng hóa từ Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh ở Việt Nam.

Năm 2014 khép lại trong bối cảnh bức tranh kinh tế nước nhà vẫn nham nhở với sự lấn át của những mảng màu u tối: gần 68.000 doanh nghiệp Việt Nam giải thể hoặc ngưng hoạt động, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cả năm 2014 chỉ có gần 75.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm ngoái; cả ngành công nghiệp không có lấy một doanh nghiệp nào làm được con ốc vít cho ra hồn; năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/6 Malaysia và 1/3 Thái Lan & Trung Quốc; v.v.

Đặc biệt, trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước và quan chức chính phủ tỏ ra hoan hỉ trước “thành tích” tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra (5,93% so với 5,8%) và con số nhập siêu 2 tỷ USD thì người ta dường như lại cố tình bỏ qua một sự thật nhức nhối mà lẽ ra phải được báo động ở mức thảm hoạ – đó là tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.

Cách đây đúng một năm, tác giả bài viết này đã có bài phân tích trên VOA với tiêu đề “Nhập siêu từ Trung Quốc: Cấp độ báo động ngày càng lớn và những cái tai ngày càng điếc”.

Một năm sau, điều mà tác giả từng gióng lên hồi chuông báo động trên đây lại càng… đáng báo động: Trong khi tốc độ gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 13% thì tốc độ gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng đến 18%; hệ quả là tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 1,5 % so với năm 2013. (Lưu ý: Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 13% song tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 vẫn chỉ chiếm 9,9% như năm ngoái, và gần như không thay đổi kể từ năm 2000 đến nay.)

Đồ thị: Tỷ trọng XNK giữa Việt Nam – Trung Quốc trong tổng
kim ngạch xuất nhập khẩu (KNXNK) của Việt Nam năm 2000–2014

Sau 10 năm kể từ khi bài toán nhập siêu từ Trung Quốc lần đầu tiên được công luận đặt ra một cách nghiêm túc, tình hình vẫn diễn ra theo chiều hướng ngày càng tồi tệ, năm sau xấu hơn năm trước, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ mức 9,2% năm 2000 đã lên đến mức báo động đỏ 29,5% năm 2014.

Dĩ nhiên, số liệu thống kê ở đây còn chưa tính đến lượng hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc, vốn tràn lan trên thị trường và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của những “đội quân tham nhũng” mang tên “hải quan”, “biên phòng”, “cảnh sát kinh tế” hay “quản lý thị trường”.

Cứ đà này thì chỉ vài năm nữa thôi, nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn tổng kim ngạch nhập khẩu; hàng hoá “made in China”, vốn đa phần độc hại và chất lượng thấp, sẽ bóp chết nền sản xuất trong nước.

Như vậy, cùng với thực tế hàng hoá Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, hoạt động buôn lậu hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam ngày một phổ biến, tình trạng hầu hết các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, hiện tượng các nhà đầu tư Trung Quốc săn lùng bất động sản Việt Nam, vấn nạn người lao động Trung Quốc nhan nhản trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chúng ta đã có thể khẳng định chắc nịch ngay từ bây giờ rằng: Chính phủ Việt Nam đang hai tay “dâng” nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc./.

***Tham khảo:

1) VN: Doanh nghiệp đóng cửa ở mức kỷ lục (BBC | 30.12.2014)

2) Cầm Văn KìnhDoanh nghiệp Việt "nóng mặt" vì không làm nổi ốc vít (Tuổi Trẻ | 2.11.2014)

3) Phương Linh – Những thăng trầm của kinh tế Việt Nam 2014 (VnExpress | 31.12.2014)

4) Lê Anh Hùng – Nhập siêu từ Trung Quốc: Cấp độ báo động ngày càng lớn và những cái tai ngày càng điếc (VOA | 3.1.2014)

5) Nguyên Hà – Việt Nam vẫn xuất nhiều nhất sang Mỹ, nhập nhiều nhất từ Trung Quốc (VnEconomy | 28.12.2014)

6) Cách nào để giảm nhập siêu (Tiền Phong | 8.9.2005)

7) Tú Uyên Hàng lậu Trung Quốc lại lộng hành (Pháp luật | 31.12.2014)

8) Vĩ Thanh – Hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam (Sống Mới | 11.5.2014)

9) Tư Hoàng – Hàng lậu từ Trung Quốc “gây đổ vỡ sản xuất trong nước” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn | 29.12.2014)

10) Thành Trung – Error! Hyperlink reference not valid. (Dân Trí | 24.4.2012)

11) Vũ Lê – Nhà đầu tư Trung Quốc săn bất động sản Việt Nam (VnExpress | 31.8.2014)

12) Nam Nguyên – Lao động Trung Quốc ở Vũng Áng đủ lập 2 sư đoàn (RFA | 27.8.2014)

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Lê Anh Hùng

    Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG