Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng công an nói gì về hàng nghìn tỷ đồng tiền phạt được giữ lại?


Cảnh sát giao thông ở Việt Nam được trang bị ngày càng tốt hơn trong những năm qua (Ảnh chụp từ VNExpress)
Cảnh sát giao thông ở Việt Nam được trang bị ngày càng tốt hơn trong những năm qua (Ảnh chụp từ VNExpress)

Một thông tư được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2007 cho phép lực lượng công an giữ gìn an toàn giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt những người vi phạm.

Trong những ngày gần đây, khi một nghị định mới của chính phủ bắt đầu có hiệu lực, với mức phạt tăng vọt đối với vi phạm luật giao thông, có nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về việc công an được giữ lại tiền phạt lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Báo Tiền Phong hôm 6/1 ước tính rằng tổng số tiền phạt công an được giữ lại trong 2 năm 2018 và 2019 lên đến gần 3.800 tỷ đồng.

Tờ báo dẫn số liệu từ Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an, và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho thấy trong năm 2019, lực lượng CSGT Việt Nam phạt hơn 4,1 triệu trường hợp vi phạm, thu về gần 2.800 tỷ đồng. Con số của năm 2018 cũng là hơn 4,1 triệu trường hợp, nhưng số tiền phạt thấp hơn một chút, là hơn 2.600 tỷ đồng.

Công chức đi làm hàng ngày họ đã được ăn lương, thì sao họ lại còn được lấy tiền ra từ ngân sách, 70% số tiền phạt hàng ngày ra để chia? Cái đó hoàn toàn là không có một cơ sở nào cả.
Nhà hoạt động Lê Dũng Vova


Từ các con số trên, Tiền Phong tính toán rằng, theo thông tư số 89 năm 2007 của Bộ Tài chính, lực lượng CSGT có thể đã được giữ lại khoảng 1.934 tỷ trong năm 2019 và 1.829 tỷ trong năm 2018.

Theo tìm hiểu của VOA, quy trình chính thức được nêu trong thông tư là người vi phạm phải nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước, đồng thời, 2 lần mỗi tháng - vào đầu tháng và giữa tháng – các sở tài chính căn cứ vào số tiền phạt thực tế mà Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành thu được để từ đó “tạm trích” và cấp cho các “đối tượng thụ hưởng”, mà cụ thể là “trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông”.

Lâu nay, nhiều người dân tỏ ý phân vân về quy định nêu trên. Nhà hoạt động xã hội Lê Văn Dũng, thường được biết đến với biệt danh “Lê Dũng Vova” trên Facebook, nói với VOA:

“Công chức đi làm hàng ngày họ đã được ăn lương, thì sao họ lại còn được lấy tiền ra từ ngân sách, 70% số tiền phạt hàng ngày ra để chia? Cái đó hoàn toàn là không có một cơ sở nào cả”.

Ông Dũng cho rằng một cơ quan về tư pháp của Việt Nam cần phải rà soát lại thông tư của Bộ Tài chính để đảm bảo tính hợp lý của nó. Ông nói thêm rằng việc ngành công an được hưởng một tỷ lệ đáng kể từ tiền phạt có thể kích thích các ngành khác đòi “quyền lợi” tương tự. Ông nói:

“Sẽ xảy ra tình trạng các bộ ngành có thẩm quyền đi xử phạt ông nào cũng [đòi] ban hành thông tư để được hưởng phần 50, 70% [tiền phạt] đó thì nó trở thành tình trạng gần như là vô chính phủ”.

Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm tại Quốc hội hồi tháng 11/2019
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm tại Quốc hội hồi tháng 11/2019

Trong bài báo của Tiền Phong hôm 6/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay tất cả tiền phạt công an thu được “đều nộp về Ngân sách Nhà nước”, rồi sau đó sẽ được phân bổ lại một phần cho trung ương, một phần cho địa phương “theo quy định của luật pháp”.

Phần tiền dành cho Bộ Công an được sử dụng để mua sắm thiết bị hay cho các mục đích khác “đều căn cứ vào danh mục cụ thể” của bộ, ông Tô Lâm cho biết, nhưng không đi vào chi tiết “các mục đích khác” là gì.

Các đây ít ngày, Nghị định số 100 năm 2020 của chính phủ Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định các mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn nhiều so với trước đây. Riêng mức phạt đối với tài xế sử dụng rượu, bia có thể lên tới 40 triệu đồng.

Đang có những ước tính cho rằng với nghị định này, số tiền phạt người vi phạm luật giao thông sẽ tăng vọt trong năm 2020, cũng đồng nghĩa là phần 70% công an được giữ lại sẽ tăng lên tương ứng.

Với thông tư cho chia 70% cho ngành công an thì chắc chắn là CSGT đứng ngoài đường sẽ phạt bừa đi chẳng hạn, làm nhiều thì được nhiều. Tôi e ngại là vì họ được chia nhiều tiền thì họ sẽ lạm quyền.
Ông Lê Dũng Vova


Trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại rằng với đặc quyền được hưởng phần lớn tiền phạt, ngành công an có thể sẽ “phạt vô tội vạ”. Facebooker có nhiều ảnh hưởng Lê Dũng Vova chia sẻ với mối lo này. Ông nói với VOA:

“Hiện giờ chưa có cơ quan nào làm việc giám sát việc xử phạt của cảnh sát giao thông xem họ phạt đúng hay sai, tại vì đa số người dân nắm pháp luật yếu lắm. Với thông tư cho chia 70% cho ngành công an thì chắc chắn là CSGT đứng ngoài đường sẽ phạt bừa đi chẳng hạn, làm nhiều thì được nhiều. Tôi e ngại là vì họ được chia nhiều tiền thì họ sẽ lạm quyền”.

Mối lo ngại của ông Dũng và nhiều người dân được Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong xác nhận trong một bài phỏng vấn đăng trên Tiền Phong cùng ngày 6/1.

Ông nói nếu không có giám sát, nghị định mới “có thể sẽ trở thành ‘miếng mồi ngon’ để người ta lạm dụng và lợi dụng”, hàm ý nhắc đến lực lượng thực thi pháp luật.

“Đây cũng là điều đang được dư luận xã hội rất quan tâm và bản thân chúng tôi cũng thấy điều đó”, ông Phong nói.

CẬP NHẬT:Ngày 7/1, Bộ Tài chính Việt Nam nói một số tờ báo, trang tin viết rằng công an được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 89/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính là “chưa chính xác”.

Bộ cho biết đến ngày 6/12/2013, thông tư nêu trên “đã hết hiệu lực” và được thay thế bằng một thông tư khác, số 153, vào tháng 10/2013.

Vẫn theo thông tin của Bộ Tài chính, được nhiều báo Việt Nam đưa tin hôm 7/1, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153 năm 2013, tiền thu từ xử phạt các lỗi giao thông “phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước” và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG