Hai trong số 8 người bị truy nã trong vụ án liên quan đến vụ án AIC vừa gửi đơn giải thích với toà án rằng họ không bỏ trốn mà chưa thể có mặt trong phiên xử vì lý do sức khỏe và phải chăm sóc con ở Mỹ.
Vụ án liên quan đến bê bối gói thầu trang thiết bị y tế của Công ty AIC trong Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có tổng cộng 36 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 8 người bị xét xử vắng mặt vì đã bỏ trốn và đang có lệnh truy nã, bao gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội), Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiến) và 4 người khác.
Trong phiên xét xử thứ ba vào ngày 23/12, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đăng Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Tú, đưa ra bức thư của thân chủ ông gửi cho Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội từ trước khi diễn phiên xét xử và nói rằng thân chủ ông “không có ý định bỏ trốn”, mà ông Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021, khi vụ án chưa khởi tố. Kể từ đó, ông Thuyết đã ở Mỹ để giám hộ cho hai con nhỏ đang du học.
“Ông Thuyết đã ly hôn nên việc ở Mỹ là bất khả kháng, bởi chỉ ông mới có quyền giám hộ”, Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Tú giải thích.
Ông Thuyết nói ông chỉ biết mình bị xét xử thông qua luật sư và báo chí, và vì tiến độ điều tra vụ án quá nhanh, chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử, nên ông không thể về Việt Nam dù “rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày” nên uỷ quyền cho luật sư, vẫn theo bức thư được công bố gửi cho HĐXX.
Ngoài ông Thuyết, một người bị truy nã khác là ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y tế Nha khoa Việt Tiên cũng thông qua luật sư cho biết tại phiên xử ngày 23/12 rằng thân chủ của ông đang “điều trị bệnh và chăm sóc con bị tự kỷ tại Mỹ”. Luật sư của ông Vinh nói “bị cáo sẵn sàng hợp tác với toà”.
Trong thời gian qua, vụ án AIC đã thu hút sự chú ý của công luận không chỉ do mức độ quy mô của vụ án mà còn vì thân thế của người đứng đầu Công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được cho là “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua.
Bà Nhàn bị cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã vào tháng 5/2022 với cáo buộc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, sau khi bà đã bỏ trốn kể từ ngày 19/6/2021. Nơi ở của bà Nhàn cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Hồ sơ của vụ án cho biết bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ quen biết với cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành nên đã nhiều lần gặp ông Thành và các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để đề nghị tạo điều kiện cho Công ty AIC của bà tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Năm 2013, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào, điều chỉnh báo cáo tài chính của công ty để đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, bà Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định. Nhờ đó, AIC được chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng, hồ sơ vụ án nêu.
Để “bôi trơn” cho gói thầu, Chủ tịch AIC đã chi 43,8 tỉ đồng hối lộ cho các lãnh đạo, bao gồm 14,5 tỉ đồng cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, 14,5 tỉ đồng cho cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, và 14,8 tỉ đồng cho cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.
Trong thư gửi cho HĐXX, nói về kết luận Công ty Thành An làm “quân xanh”, “quân đỏ” để giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, ông Nguyễn Đăng Thuyết nói “do sự việc xảy ra đã lâu nên không còn nhớ”.
Ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên cũng bị cáo buộc là “quân xanh” giúp AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Ông Vinh được cho biết đã khai nhận hành vi của mình trong khi bị điều tra nhưng đã bỏ trốn sau đó.
Diễn đàn