Khi chính quyền của Tổng thống Biden công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ hồi tháng 10/2022 nhằm ngăn chặn Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về hàng bán dẫn tiên tiến, họ đã thiếu một thành phần quan trọng: đó là sự đồng tình từ các đồng minh của Hoa Kỳ trong việc áp đặt các hạn chế tương ứng của chính các đồng minh đó.
Nỗ lực của Hoa Kỳ nhắm đến hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ sản xuất chip của Hoa Kỳ và ngăn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thuyết phục Nhật Bản tham gia nỗ lực này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong danh sách những việc cần làm của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ở Washington vào thứ Sáu 13/1.
Tuy nhiên, trong khi về tổng thể Nhật Bản đi chung đường với mục tiêu mở rộng kiểm soát xuất khẩu hàng Mỹ của chính quyền Biden, song chính phủ của ông Kishida lại không cam kết cụ thể về mức độ mà nước này sẽ tham gia.
Việc Nhật Bản do dự là điều dễ hiểu - quốc gia này là nhà sản xuất hàng đầu các máy công cụ chuyên dụng cần thiết để chế tạo chip tiên tiến và các công ty của họ nắm giữ 27% thị phần toàn cầu, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn. Tokyo Electron, hãng chế tạo thiết bị sản xuất chip hàng đầu của Nhật Bản, phụ thuộc vào Trung Quốc với khoảng 1/4 doanh thu ở đó.
Hai nước chế tạo thiết bị sản xuất chip hàng đầu khác là Hoa Kỳ và Hà Lan, nơi có ASML là một trong những hãng chế tạo máy công cụ sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên về châu Á, nói rằng vẫn còn khoảng cách giữa lập trường của Mỹ và Nhật Bản.
“Ông Kishida muốn Hoa Kỳ thực hiện cách tiếp cận ‘chừng mực’, một mặt phải đủ độ cứng rắn để ngăn chặn sự lấn át của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng đủ thận trọng để cho phép các lợi ích kinh doanh của Nhật Bản phát triển mạnh”, ông Russel nói.
Đằng sau nỗ lực kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Hoa Kỳ là tín hiệu báo động đang ngày càng lớn hơn về việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự và nỗ lực vượt qua Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.
Lo rằng điều này sẽ mang lại lợi thế quân sự cho một nước Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn, các quan chức Hoa Kỳ hy vọng rằng việc ngăn chặn những con chip tinh vi nhất - và các máy móc cần thiết để chế tạo chúng - không rơi vào tay Trung Quốc sẽ làm chậm tiến độ của nước này về các công nghệ tiên tiến.
Nhưng nếu Nhật Bản và Hà Lan không áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chính họ, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện được các cách thức khác để có được những thiết bị mà họ cần, ngay cả khi các công ty Mỹ chấp nhận có nguy cơ mất thị phần.
Một thỏa thuận của Hoa Kỳ với Hà Lan cũng có thể nằm trong tầm tay. Một giám đốc điều hành ngành chế tạo máy công cụ nắm về lĩnh vực này của Hà Lan nói rằng nếu chính phủ của quốc gia này áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự đối với ngành chip của chính họ, ASML có thể vẫn sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do có mạng lưới khách hàng rộng lớn bên ngoài Trung Quốc.
Chris Miller, tác giả cuốn sách "Chip War" (Chiến tranh về bộ vi xử lý) và là phó giáo sư tại Đại học Tufts, lập luận rằng nếu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thành công, các chính sách của họ có thể có tác động như mong muốn.
Ông Miller cho rằng với sự tham gia của Nhật Bản, đặc biệt là về các công cụ sản xuất chip, Hoa Kỳ có thể đặt ra "một số lượng lớn rào cản đối với khả năng thúc đẩy sản xuất chip trong nước của Trung Quốc".
Điều đó sẽ có tác động dây chuyền đối với các tham vọng công nghệ khác của Bắc Kinh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo.
Các công ty Nhật Bản có thể bù đắp cho việc bị mất đi các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc bằng cách mở rộng sang những nơi khác, chẳng hạn như Đông Nam Á, một nguồn tin trong ngành chip nắm thông tin về các cuộc thảo luận nội bộ về hạn chế xuất khẩu cho biết.
"Dù là tốt lên hay xấu đi, chiến lược bán dẫn của Nhật Bản đang đi theo hướng những gì mà Hoa Kỳ muốn", nguồn tin này nói.
(Reuters)
Diễn đàn