Trước thực tế sinh viên Việt Nam đổ sang du học Mỹ ngày càng đông trong khi số sinh viên Mỹ đến Việt Nam du học chỉ là một con số rất nhỏ, một số trường đại học Việt Nam gần đây đang tìm cách thu hút sinh viên Mỹ sang du học trong một nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của các cơ sở đào tạo đại học trong nước. Tuy nhiên, một số nhà giáo dục dày dạn kinh nghiệm nói với VOA rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức, nếu không muốn nói là khó khả thi giữa bối cảnh nền giáo dục Việt Nam còn quá nhiều điều bất cập.
Tại một cuộc hội thảo do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gần đây với sự tham dự của hơn 30 tổ chức giáo dục đại học của Việt Nam, một số cử tọa thảo luận về xu hướng của các chương trình giáo dục nước ngoài tại các cơ sở đào tạo đại học Mỹ, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm thu hút sinh viên Mỹ đến các nước đang phát triển như Việt Nam để du học.
“Các đối tác trong ngành giáo dục ở Việt Nam chia sẻ với chúng tôi về nhu cầu mở rộng các chương trình tiếng Anh và quốc tế hóa cơ sở đào tạo. Chúng tôi ghi nhận và đó là lý do chúng tôi tổ chức chương trình này, Thanh Niên dẫn lời quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, ông Graham Harlow, cho biết.
Theo báo cáo thường niên Open Doors năm 2022 về trao đổi giáo dục quốc tế của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ, trước dịch COVID-19, số sinh viên Mỹ theo học các chương trình tại nước ngoài là hơn 347.000 sinh viên. Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng này giảm còn hơn 14.500 sinh viên trong năm học 2020-2021.
Trong số này, tỷ lệ sinh viên Mỹ sang học tập tại Việt Nam là 922 sinh viên trong năm 2014-2015 và tăng lên 1.235 sinh viên vào năm 2018-2019.
Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng học sinh sang Mỹ du học. Cụ thể, có 21,631 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học năm 2020-2021 và 20,713 học sinh trong năm 2021-2022.
Những con số biết nói cho thấy khoảng cách khổng lồ trong lĩnh vực trao đổi, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.
“Theo chỗ tôi biết, một số học sinh viên của Mỹ sang Việt Nam học thì cũng chưa có chủ đề nào rất hấp dẫn, không có gì đáng nói. Có lẽ họ sang họ học về văn hoá Việt, tiếng Việt, cùng lắm là lịch sử Việt”, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà giáo dục nổi tiếng từ Bỉ đã trở về đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam suốt 20 năm qua, nói với VOA.
Giáo sư Charles Cường Nguyễn, Trưởng Khoa Kỹ thuật trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ, người đã thiết lập các chương trình đào tạo 2+2 cho phép sinh viên Việt Nam sau khi hoàn thành 2 năm đầu tại một trường đại học uy tín trong nước sẽ được sang học tiếp 2 năm cuối tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ và nhận bằng kỹ sư của trường này, cũng thừa nhận nhu cầu của sinh viên Mỹ về Việt Nam học không cao.
“Tôi đi dạy 42 năm ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ thì chúng tôi cũng có khuyến khích, cũng mở những chương trình chuyển giao giữa hai bên Mỹ và Hong Kong. Nhưng đến khi khuyến khích các sinh viên Mỹ đi những nước mà không nổi tiếng lắm, như Việt Nam, không ai biết nhiều, thì họ rất là lo lắng về vấn đề như an ninh hay chỗ ăn, chỗ ở...”, GS. Cường nói với VOA.
“Cuộc sống ở Việt Nam tuy là giá sinh hoạt rẻ nhưng mà không đảm bảo an toàn lắm, thí dụ như an toàn thực phẩm, an toàn đi lại, an toàn về pháp luật... Đó là những lý do mà những người nước ngoài không có đông đảo người đi về sống tại Việt Nam hay tìm cách học hỏi tại Việt Nam. Tôi nghĩ môi tường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn cho sinh viên quốc tế”, GS. Nguyễn Đăng Hưng nhận xét.
Theo ông, có nhiều yếu tố khiến cho môi trường học tại Việt Nam “chưa đủ hấp dẫn” đối với sinh viên quốc tế, nhưng yếu tố quan trọng nhất là chất lượng giáo dục. Nhận xét về “đẳng cấp” của giáo dục Việt Nam so với mặt bằng trong khu vực và quốc tế, GS. Nguyễn Đăng Hưng nói ngay “Khá bi đát!” mặc dù Việt Nam hiện nay không thiếu các “trường quốc tế” với nhiều hình thức khác nhau.
“Có nghĩa là giáo dục của Việt Nam vẫn giữ nguyên xi cái phương hướng mà tôi cho là sai lạc. Nó làm cho tinh thần hội nhập quốc tế khó mà có thể phát triển được. Bởi vì giáo dục Việt Nam nó là giáo dục một chiều. Giáo dục trên tinh thần lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục”, GS. Nguyễn Đăng Hưng giải thích thêm.
GS. Charles Cường Nguyễn cũng cho biết các sinh viên của Mỹ, mặc dù chỉ sang Việt Nam để lấy các lớp học ngắn hạn, cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng của các chương trình giảng dạy tại các trường ở Việt Nam không có liên kết hay phối hợp với các đại học ở Hoa Kỳ.
“Nếu về Việt Nam lấy một cái bằng ở Việt Nam, tôi thấy là sinh viên Mỹ họ không có thích. Tại vì cái bằng ở Việt Nam, nếu trên thế giới thì hiện tại không có bằng cái bằng ở Mỹ. Thường khi đi du học, tôi nghĩ (sinh viên Mỹ) chỉ du học ngắn hạn và lấy vài lớp để biết về văn hóa và có cơ hội để đi du lịch ở Việt Nam. Chứ còn nếu nghĩ rằng sinh viên Mỹ về Việt Nam để lấy bằng ở Việt Nam thì chuyện đó sẽ hơi khó khăn”, GS. Cường cho biết thêm.
Để thu hút sinh viên Mỹ về học một số lớp tại Việt Nam, GS. Charles Cường Nguyễn khuyến nghị các trường đại học tại Việt Nam nên tìm kiếm sự hợp tác với các trường nổi tiếng ở Mỹ để các trường này khuyến khích sinh viên của họ về lấy một số lớp học tại Việt Nam vì “điều này rất có lợi cho sinh viên tại Việt Nam”.
Theo báo cáo của IIE, những quốc gia hàng đầu mà sinh viên Mỹ chọn sang du học là Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hàn Quốc, với các ngành học phổ biến như kinh doanh và quản trị, khoa học nhân văn, khoa học đời sống, kỹ thuật, ngoại ngữ và nghiên cứu quốc tế, mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, y tế, truyền thông báo chí.
Bà Mandy Brookins, Giám đốc các Chương trình và Đào tạo của Diễn đàn về Giáo dục Nước ngoài (Forum on Education Abroad), nói với tờ Zing của Việt Nam rằng mặc dù thực tế sinh viên Mỹ vẫn ưu tiên du học tại các nước châu Âu, nhưng châu Á cũng đang được coi là điểm đến tiềm năng và trên đà phát triển, với các cơ hội về tăng trưởng kinh tế.
Bà đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam nên thiết kế các khóa thực tập hay khóa học phù hợp với kế hoạch học tập của sinh viên Mỹ, và giới hữu trách Việt Nam nên đơn giản hóa quy trình nhập cư và hỗ trợ thông tin cụ thể cho sinh viên về thủ tục xin thị thực.
Trong mục tiêu giáo dục giai đoạn 2022-2030, Việt Nam đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Trong đó, các lưu học sinh nước ngoài được xem là các “đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị” giữa Việt Nam và quốc tế, theo lời Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc.
Diễn đàn