Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink mới cho biết rằng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao là “một yếu tố hết sức quan trọng” của mối quan hệ.
Trao đổi với các phóng viên sau chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông Kritenbrink nói rằng ngoài vấn đề kinh tế và thương mại mà ông coi là “hết sức quan trọng” đối với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên đã thảo luận về sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe.
Ông cũng cho biết thêm rằng phía Mỹ và Việt Nam “cũng trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề an ninh và chiến lược từ Biển Đông đến tình hình ở Myanmar cho đến Bán đảo Triều Tiên”.
Khi được hỏi về các diễn biến liên quan tới các cuộc thảo luận trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) mà Mỹ khởi xướng năm 2022 cũng như về việc hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn với Việt Nam, ông Kritenbrink nói hôm 7/3 rằng phía Mỹ “thực sự rất biết ơn về vai trò lãnh đạo mà Việt Nam đã thể hiện trong IPEF cho đến nay”.
Quan chức ngoại giao này nói thêm rằng sự hợp tác kinh tế trong IPEF và trong lĩnh vực công nghệ cao “vẫn là một yếu tố hết sức quan trọng” của mối quan hệ song phương.
“Tôi nghĩ bạn đã thấy từ các thông báo tại thời điểm chúng tôi nâng cấp quan hệ đối tác lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm ngoái trong chuyến thăm của Tổng thống Biden rằng sự hợp tác của chúng tôi trong lĩnh vực công nghệ thực sự là một yếu tố quan trọng, mới mẻ và thú vị của mối quan hệ”, ông Kritenbrink nói.
“Điều đó sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Chắc chắn đó là yếu tố then chốt trong các cuộc trò chuyện của tôi, nhưng tôi không tới Hà Nội để đưa ra bất kỳ thông báo mới nào về lĩnh vực đó, nhưng tôi tin rằng nó sẽ vẫn là một trong những yếu tố quan trọng và thú vị nhất trong mối quan hệ của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đầu năm nay cho hay Việt Nam đang chuẩn bị cho việc đón nhận “làn sóng đầu tư mới trong ngành bán dẫn”, theo cách gọi của ông, trong đó có việc ký kết với một đại học của Mỹ về đào tạo nhân lực.
Ông Dũng nói rằng bộ do ông quản lý “đã ký kết hợp tác với Đại học Arizona, nơi đào tạo lớn nhất của Hoa Kỳ về ngành bán dẫn” nhờ sự “giới thiệu” của chính phủ Mỹ. Thêm nữa, ông cũng cho biết rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được chính phủ giao xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Bộ trưởng Dũng được VGP News trích lời nói rằng Việt Nam đã “ký hợp tác” với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ, trong đó có Synopsys, để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được thành lập.
Năm ngoái, Việt Nam và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, trong đó nói rằng hai bên “ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn”.
Theo văn bản này, ông Biden và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu”.
Tuyên bố chung nói rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai”.
Diễn đàn