Một công ty của Hoa Kỳ vừa mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để phục vụ các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đáp ứng các điều kiện của cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Phó Giám Đốc của công ty này đã dành cho ban Việt Ngữ một buổi trao đổi.
Ông David Lennarz, Phó Giám Đốc công ty FDA Registrar nói rằng mặc dù thị trường Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn, có tiềm năng, với 300 triệu người tiêu dùng; nhưng các món ăn và thức uống đưa vào Mỹ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn an toàn vệ sinh gắt gao. Đặc biệt sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, Hoa Kỳ đặt ra thêm các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, nhằm ngăn ngừa các chất liệu độc hại có thể được bọn khủng bố lén đưa vào nước Mỹ để sử dụng dưới dạng vũ khí sinh học và hóa học. Công tác kiểm tra hàng vạn container cặp vào các bến cảng của Hoa Kỳ mỗi ngày quả là công việc bận rộn và phức tạp của giới hữu trách.
Trong khi đó, các công ty Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để đối phó với các quy định phiền phức của cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm Và Dược Phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt FDA. Vì thế đã có nhiều trường hợp thực phẩm của Việt Nam xuất sang Mỹ bị gửi trả về.
Ông Lennarz, Phó Giám Đốc của công ty FDA Registrar nói rằng mục đích của công ty ông là cung ứng các dịch vụ để các công ty Việt Nam đáp ứng được các điều kiện mà FDA đòi hỏi. Ông vừa mới ở Việt Nam trở về sau khi khai trương văn phòng đại diện và tổ chức một cuộc hội thảo ở đó.
Mục tiêu của cuộc hội thảo này cũng giống như nhiều cuộc hội thảo khác mà chúng tôi đã tổ chức tại các văn phòng đại diện của chúng tôi trên khắp thế giới. Đó là giúp các công ty Việt Nam nắm vững các quy định cụ thể mà họ cần phải biết và cần giải quyết, trước khi các chuyến hàng của họ rời bến để đến Hoa Kỳ, tránh cho các chuyến hàng của họ đã cặp vào bến rồi, nhưng không được FDA cho bốc dỡ.
Những công việc hằng ngày của văn phòng đại diện tại Việt Nam gồm có:
Văn phòng đó có 2 nhân viên nói tiếng Việt, giờ giấc thuận tiện, giúp các công ty Việt Nam nắm vững một số đòi hỏi cơ bản của FDA, ví dụ như bất kỳ công ty nào muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hoa Kỳ cũng phải có một mã số đăng ký, gồm 11 con số, do FDA chỉ định. FDA cũng buộc các công ty đó phải có đại diện ở Mỹ để FDA thuận tiện tiếp xúc mỗi khi có vấn đề gì cần giải quyết. Vì thế chúng tôi vừa đóng vai trò giúp đăng ký, vừa đóng vai trò trung gian giữa công ty muốn xuất khẩu sang Mỹ, và FDA.
Các công ty muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ không nhất thiết phải sử dụng các dịch vụ của công ty ông Lennarz, nhưng họ bắt buộc phải có mã số đăng ký và bắt buộc phải có đại diện ở bên Mỹ. Những điều bắt buộc này thì ông Lennarz nói rằng công ty ông có nhiều kinh nghiệm, nhờ đã từng phục vụ cho hàng vạn công ty của hơn 80 quốc gia, thông qua 18 văn phòng đại diện đặt tại nhiều nước.
Một trong những vấn đề mà các công ty xuất khẩu sang Mỹ hay gặp, là vấn đề dán nhãn:
Không chỉ riêng các công ty Việt Nam mà công ty của nhiều nước khác cũng gặp vấn đề dán nhãn. Hoa Kỳ có những hướng dẫn nghiêm ngặt về nhãn của từng món hàng mà người tiêu dùng sẽ thấy. Do đó, gói hàng mà người tiêu dùng Hoa Kỳ định mua phải được dán nhãn đúng quy định. Về mặt này, chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm. Bằng chứng là ngay sau buổi hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh, một công ty sản xuất nước trái cây tại đó đã đồng ý làm khách hàng của chúng tôi, và họ đã đưa cho chúng tôi xem các nhãn mà họ định dán lên các sản phẩm của họ. Chúng tôi đã duyệt lại các nhãn này, và đưa cho họ một báo cáo, chỉ có họ thấy những điểm nào không đúng với quy định của FDA, và giúp họ sửa đổi các nhãn đó.
Hiện nay , các vấn đề mà các công ty Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thường gặp, là chưa đăng ký và dán nhãn sai. Vấn đề thứ 3 mà ông Lennarz nói rằng công ty ông rất tiếc không thể giúp được:
Đó là vấn đề chất lượng. Không riêng gì Việt Nam mà công ty các nước khác cũng gặp. Có nhiều chuyến hàng bị FDA giữ lại vì vấn đề mà họ gọi là “dơ bẩn”, ví dụ như món ăn đã hư thối, hoặc có sâu bọ, hoặc có những loại vi trùng như E-colli và samonella v.v…
Muốn làm khách hàng, các công ty muốn xuất khẩu sang Mỹ phải trả phí cố định cho cho công ty của ông Lennarz 595 đôla cho năm đầu tiên, qua năm thứ hai, sẽ hạ xuống còn 495 đôla. Về phí duyệt lại nhãn hiệu là 695 đôla cho mỗi nhãn, và có giảm giá nếu có nhiều nhãn hoặc nhiều sản phẩm có các đặc tính tương tự.
595 đôla có thể là cao so với một công ty Việt Nam, nhưng nói một cách tổng quát, phí này khá phải chăng, nếu so với cái giá mà công ty phải trả nếu chẳng may hàng của họ bị gửi trả về Việt Nam. Ta cứ thử nhìn xem : chỉ riêng phí phải trả để mang hàng về lại Việt Nam, vì dán nhãn sai chẳng hạn, cũng đã mất hết 4 ngàn đôla; chưa kể thiệt hại vì mất thu nhập, mất khách hàng.
Tính đến cuối tháng 9 năm 2006, Việt Nam đã có gần 5 ngàn công ty đăng ký với FDA. Dĩ nhiên, đó không phải là một con số cao, nếu so với các công ty của Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nhưng công ty của ông Lennarz cũng nhìn thấy Việt Nam là một cơ hội làm ăn, nhất là kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thu về hàng tỉ đôla mỗi năm, và Việt Nam vừa gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Ông Lennarz còn cho biết, thực phẩm châu Á ngày càng có chỗ đứng trên thị trường Hoa Kỳ; lý do là vì thứ nhất, người Mỹ không phải gốc châu Á hay tò mò, muốn thưởng thức món ăn của các nền văn hóa khác; thứ hai, người Mỹ gốc châu Á thuộc thành phần có mức thu nhập tương đối cao, sẵn sàng chi tiền cho những món ăn có gốc quê hương; vì thế, trong tương lai, thực phẩm gốc châu Á có nhiều tiềm năng trên thị trường Hoa Kỳ.
Cuối cùng, ông Lennarz cũng cho biết là ngoài thức ăn và thức uống, công ty ông cũng phụ trách các dịch vụ liên quan đến thuốc men, dụng cụ y khoa, các mặt hàng làm đẹp như phấn son, nước hoa v.v.
Trang web của công ty cũng có phần tiếng Việt, đó là www.fdaregistrar.com