Đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh nói rằng ông cảm thấy thất vọng trước việc Trung Quốc không đạt được những mục tiêu giảm năng lượng. Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết giảm hiệu ứng khí thải nhà kính, nhưng Liên Hiệp Châu Âu cho rằng Trung Quốc – một quốc gia sản xuất khí thải đứng vào hàng thứ hai trên thế giới – phải tuân thủ theo lời yêu cầu này, nếu không thì những nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu sẽ trở thành vô nghĩa.
Hôm nay thứ sáu, Đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu ông Serge Abou đã khen ngợi thiện chí của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề khí thải do hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên ông Abou cũng nói thêm với các ký giả rằng ông đã thất vọng trước việc Trung Quốc không đạt được mục tiêu giảm năng lượng đã tự đặt ra từ năm ngoái.
Trung Quốc đã cam kết giảm việc sử dụng năng lượng theo đơn vị tổng sản phẩm nội địa khoảng 4% trong khoảng từ năm 2006 đến 2010. Nhưng trong nửa đầu năm ngoái việc tiêu thụ năng lượng đã tăng lên khoảng gần 1%.
Ông Abou nói rằng những số liệu của năm ngoái khiến cho việc Liên Hiệp Châu Âu giúp Trung Quốc giảm bớt việc tiêu thụ năng lượng trở nên quan trọng hơn.
Năm đầu tiên như thế là không đạt được chỉ tiêu, nhưng đó không phải là lý do để ngồi một chỗ mà khóc. Đó là lý do để hành động thêm nữa, tôi nhắc lại: đó là một lý do để chúng ta trợ giúp Trung quốc càng nhiều càng tốt.
Việc tiêu thụ năng lượng không còn là một vấn đề nội bộ, địa phương nữa. Những nhận định của ông Abou trùng hợp với việc Liên Hiệp Quốc đưa ra một báo cáo tại Paris hôm nay. Báo cáo này nói rằng khí hậu toàn cầu chắc chắn sẽ thay đổi do việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và hậu quả của nó là hiệu ứng nhà kính.
Hồi tháng giêng một giới chức của Liên Hiệp Châu Âu đã đi thăm Bắc Kinh và nói rằng nếu không sớm cắt bớt việc tiêu thụ năng lượng, thì việc gia tăng hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc có thể dễ dàng bù vào những giảm thiểu của Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc dựa vào than đá, một nhiên liệu gây ô nhiễm nặng, cho phần lớn các nhu cầu sử dụng năng lượng tăng trưởng nhanh, Trung Quốc đã là quốc gia đứng hàng thứ hai trong việc thải ra chất carbon dioxin và những khí thải nhà kính khác, và người ta nghĩ rằng đến trước năm 2010 Trung Quốc sẽ vượt lên Hoa Kỳ trở thành nước dẫn đầu trong việc tạo ra khí thải.
Trung bình cứ 10 ngày thì có một nhà máy điện mới sử dụng than đá đi vào hoạt động tại Trung Quốc. Vấn đề ô nhiễm từ nước này đã lan sang các nước khác ở Châu Á, và đến tận những nước xa xôi như Canada.
Liên Hiệp Châu Âu đã đề xướng một nỗ lực nhằm thuyết phục các quốc gia công nghiệp cam kết giảm hiệu ứng nhà kính xuống khoảng 30% từ mức của những năm 90. Liên Hiệp Châu Âu cho hay nếu các nước thất bại trong việc thực hiện cam kết, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ vẫn giảm khí thải khoảng ít nhất là 20%.
Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đang phối hợp nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ như là việc thu và giữ khí carbon nhằm mục đích giảm khí thải từ hàng ngàn nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá của Trung Quốc.
Đại sứ Serge Abou nói rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đề nghị thành lập một Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ tiết kiệm năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc.