Đường dẫn truy cập

Nỗ lực của Ðài Loan để bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của cộng đồng người Việt


Chính phủ Đài Loan đã dành riêng ngân sách để thành lập Quĩ Hỗ Trợ Pháp Lý nhằm cung cấp thông tin và những sự trợ giúp cần thiết cho những lao động nhập cư bị ngược đãi. Theo lời ông Thái Mạnh Lương, Giám đốc Phòng Lao động Nhập cư của Bộ Lao động Đài Loan, giới hữu trách đã có kế hoạch cung cấp luật sư miễn phí cho những nạn nhân của nạn bóc lột lao động; và trong thời gian khiếu kiện, công nhân di trú sẽ được trợ giúp để ổn định cuộc sống; và thời gian này không bị tính vào thời hạn của hợp đồng lao động.

Song song với nỗ lực vừa kể, giới hữu trách Đài bắc cũng thông qua chương trình Việt ngữ của đài phát thanh RTI để cung cấp thông tin cho cộng đồng người Việt. Về việc này, Điều hợp viên của chương trình Việt ngữ đài RTI, ký giả Hoàn Lam cho biết một số chi tiết như sau:

Ký giả Hoàn Lam: Đài RTI đã có từ năm 1953. Hồi đó chúng tôi chỉ phát thanh về hướng Việt Nam, chủ yếu là giới thiệu về đất nước và con người Đài Loan để thính giả Việt Nam tìm hiểu về Đài Loan. Tới năm 2006, để đáp ứng các nhu cầu của lao động và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, chúng tôi đưa ra chính sách cho phát thanh trong nước. Tại vì đài chúng tôi không có tần số để phát trong lãnh thổ Đài Loan cho nên chúng tôi hợp tác với đài Hán Thanh để họ cung cấp giờ phát và tần số. Các chương trình của chúng tôi chủ yếu là để phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Đài Loan. Thí dụ, khi có thính giả nêu lên những thắc mắc về đời sống, về luật pháp mà chúng tôi không trả lời được thì chúng tôi sẽ nhờ Quĩ Hỗ Trợ Pháp Lý để họ trả lời giúp rồi chúng tôi phát trong chương trình để trả lời thính giả. Ngoài ra cũng có nhiều bạn lao động Việt Nam gọi điện thoại hoặc gởi thư tới đài chúng tôi khi họ có thắc mắc về tiền lương hoặc thuế thu nhập. Chúng tôi cũng tiếp xúc với cơ quan chủ quản về lao động để nhờ họ giải đáp cho.

Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan còn thực hiện một số chương trình nhằm giúp đỡ những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, trong đó có việc giúp cho họ hiểu được quyền lợi của mình và biết cách tìm kiếm sự trợ giúp khi bị ngược đãi. Chúng tôi đã tiếp xúc với Trung tâm Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình của huyện Đào Viên và được phó giám đốc Lư Dục Gia cho biết thêm như sau:

Bà Lư Dục Gia: Trong vài năm qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức những lớp học dành cho những gia đình có cô dâu người Việt. Chúng tôi luôn luôn tìm cách để gia đình người chồng cũng tham gia những lớp học để họ biết rằng chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ cho cuộc sống gia đình họ được tốt đẹp hơn, chứ không phải là chỉ đường cho các cô dâu chống lại nhà chồng. Chúng tôi cũng hy vọng là qua quá trình này họ sẽ nhận thức được là họ cần phải chấp nhận sự dị biệt về văn hóa và xem người hôn phối hay con dâu của mình như người trong gia đình, vì rốt cuộc thì người vợ nước ngoài, nàng dâu nước ngoài này cũng chính là mẹ của con mình, mẹ của cháu mình.

Bà Lư Dục Gia cũng cho biết rằng trong thời gian gần đây nhân viên công lực đã được chỉ thị là phải phân biệt giữa nạn nhân và người phạm pháp mỗi khi gặp những vụ án liên quan tới người nước ngoài hành nghề mại dâm. Bà Lư nói tiếp như sau:

Bà Lư Dục Gia: Trước đây, chúng tôi xem những người mại dâm là người phạm pháp. Nhưng trong vài năm qua chúng tôi nhận ra rằng trong số những người mại dâm có rất nhiều người là nạn nhân -- đa số là những người bị lường gạt, bị khống chế. Cho nên trong thời gian gần đây chúng tôi đã ra sức giáo dục cho nhân viên cảnh sát biết rằng: mỗi khi gặp phải những vụ án như vậy thì điều đầu tiên phải làm là xét xem người đó có phải là nạn nhân của nạn buôn người hay không, và cảnh sát cần phải bảo vệ cho họ trước rồi sau đó mới điều tra xem họ có phải là người vi phạm pháp luật hay không.

Về việc này, giáo sư Liêu Nguyên Hào của Đại học Chính trị Đài Loan cho biết ý kiến như sau:

Giáo sư Liêu Nguyên Hào: Có lẽ là vì bản báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ mà chính phủ Đài Loan đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết bằng cách cho nhân viên cảnh sát xem qua một vài văn kiện là đủ mà cần phải huấn luyện cho họ biết cách ứng phó, biết cách giải quyết. Thêm vào đó, cả những luật lệ về lao động nhập cư và tâm thái đàng sau luật di trú đều cần phải thay đổi. Hiện nay, giới hữu trách Đài Loan trên cơ bản là không hoan nghênh người nước ngoài cho nên hễ gặp vấn đề là họ tìm đủ mọi cách để có thể nhanh chóng đưa công nhân và cô dâu nước ngoài về nước. Điều này đi ngược với những đòi hỏi mà bản báo cáo của chính phủ Mỹ đưa ra là cần có một biện pháp thay thế cho biện pháp trục xuất đối với những nạn nhân của nạn buôn người.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, tán đồng ý kiến của giáo sư Liêu Nguyên Hào và cho biết thêm như sau:

Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Trong thập niên 90 chúng tôi đã đấu tranh theo kiểu công bằng và chính nghĩa để bảo vệ những người bị hại, nhưng không có một kết quả gì. Cho đến khi chúng tôi đặt lại vấn đề: đây là tệ trạng buôn người chứ chẳng phải là bất công không thôi. Ngay lúc đó có báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính phủ Đài Loan mới có phản ứng. Điều này có nghĩa là chính phủ Đài Loan rất nhạy cảm với những áp lực của quốc tế. Vì vậy, qua sự xếp loại của chính phủ Hoa Kỳ, Đài Loan đã nghiêm chỉnh hơn trong việc đặt lại vấn đề trong thời gian vừa qua. Tôi mong là chúng ta, đặc biệt là người Việt ở các cộng đồng nước ngoài, cố gắng làm sao để làm việc chung với nhau nhằm tiếp tục áp lực chính phủ Đài Loan để họ nghiêm chỉnh hơn trong việc giải quyết tệ trạng mua bán con người, riêng đối với người Việt Nam qua hình thức cưới vợ gả chồng và qua hình thức lao động ở Đài Loan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG