Đường dẫn truy cập

Chuyện vụ kiện cái quần 54 triệu đô


Nước Mỹ là một quốc gia pháp trị. Luật lệ được áp dụng chặt chẽ và những ai vi phạm luật pháp sẽ gặp rắc rối trong các thủ tục đáo tụng đình. Tuy nhiên cũng vì hệ thống luật pháp chằng chịt như vậy mà những vụ kiện tụng xảy ra rất thường và làm giàu cho giới luật sư thiếu lương tâm. Người ta lấy luật để xử với nhau hơn là cư xử theo cung cách dĩ hòa vi quí. Đó cũng là lý do khiến nhiều vụ kiện với những lý cớ quái dị đã xảy ra tại Hoa Kỳ. Mới đây đã có một vụ kiện đòi bồi thường hàng chục triệu đô la chỉ vì chủ một tiệm giặt ủi làm thất lạc một cái quần của khách. Dư luận xôn xao bàn tán còn chủ cửa hàng giặt ủi và sửa quần áo này phải mất ăn mất ngủ trong suốt thời gian tố tụng kéo dài cùng với chi phí cho luật sư bào chữa lên tới cả trăm ngàn đô la. Chúng tôi cho phát thanh lại câu chuyện vụ kiện cái quần 54 triệu đô la sau đây do Lan Phương tường thuật

Chuyện bắt đầu vào ngày 3 tháng 5 năm 2005 tại thủ đô Washington khi ông Roy Pearson, một luật sư, đem một cái quần đến một cửa hàng giặt ủi và sửa quần áo có tên Custom Cleaners yêu cầu chủ nhân sửa rộng lưng quần vì ông đã mập hơn. Ông Roy Pearson, lúc đó vừa được bổ nhiệm làm thẩm phán hành chính (chuyên về các vụ kiện tụng giữa các cơ quan chính phủ hoặc giữa các công ty với giới tiêu thụ) dự tính diện bộ cánh mà ông ưng ý nhất, trị giá khoảng 1,000 đô la vào ngày đầu tiên nhận chức vu mới, tức là ngày 6 tháng 5 năm 2005. Vào ngày 5 tháng 5 ông trở lại lấy quần thì chủ cửa hàng nói là chưa xong. Đến ngày hôm sau, ông được trả lời là họ tìm không thấy.

Đến ngày 7 tháng 5 năm 2005 cửa tiệm vẫn tìm không ra và chủ nhân hứa sẽ tiếp tục tìm. một tuần sau ông Pearson trở lại, bà Soo Chung, chủ nhân cửa hàng, trao cho ông một cái quần mà bà nói đó là cái quần bị thất lạc bây giờ mới tìm ra. Nhưng ông Pearson nói rằng đây không phải cái quần mà ông đưa cho cửa tiệm sửa lại.

Sau đó, ông Pearson viết thư cho hai ông bà chủ tiệm Jin và Soo Chung đòi bồi thường 1,150 đô la để mua một bộ cánh mới. Khi hai ông bà Chung không trả lời, ông Peason bèn đâm đơn kiện và vụ kiện này sau đó đã trở thành một đề tài để cho toàn khu xóm cũng như cả nước xôn xao bàn tán. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, và ngay cả những báo đài của người nam Triều Tiên tại Mỹ cũng như từ trong nước cũng kéo sang đây để theo dõi và tường trình vụ kiện. Đã vậy các chương trình hài hước trên truyền hình Mỹ vào tối khuya đã đem vụ kiện ra diễu cợt.

Ông Pearson không kiện để đòi bồi thường trị giá của cái quần. Ông đòi đến 67 triệu đô la nhưng trước khi vụ kiện được đem ra xét xử ông rút xuống chỉ còn 54 triệu. Trong suốt 2 năm, ông liên tiếp bác bỏ lời yêu cầu của bên bị xin bồi thường cho ông, lúc đầu là 3,000 đô la, rồi tăng lên đến 4,600 đô la, và đề nghị cuối cùng là 12,000 đô la cho cái quần mà ông nói là bị cửa hàng giặt ủi làm mất.

Lý lẽ mà ông đưa ra để kiện là cái bảng quảng cáo ở cửa tiệm nói rằng 'cam đoan làm hài lòng khách hàng'. Ông không hài lòng vì cho rằngcửa hàng đã làm mất quần của ông, tức là cửa hàng đã nói dối và ông bị lường gạt, và do đó ông đòi bồi thường thiệt hại. Theo luật thủ đô Washington, người tiêu thụ bị thiệt hại có thể đòi bồi thường hàng chục ngàn đô la mỗi ngày tính trong suốt khoảng thời gian gần 4 năm mà cửa tiệm treo cái bảng quảng cáo đó.

Vụ kiện kéo dài 2 năm, qua 2 quan tòa ngồi xử, và cuối cùng, vị thẩm phán thứ nhì đã ra phán quyết ông Pearson không được bồi thường một đồng xu nào cả, mà tòa còn phán là ông phải trả tiền án phí lên tới khoảng 5,000 đô. Phán quyết nói rằng 'Một người tiêu thụ hợp lý không diễn giải lời quảng cáo' cam đoan làm hài lòng khách hàng 'là buộc phải làm hài lòng những đòi hỏi không hợp lý của một khách hàng' hoặc phải làm theo những đòi hỏi của khách hàng mà chủ nhân có cơ sở hữu lý để tranh cãi.

Bà thẩm phán chưa quyết định xem sẽ có buộc bên nguyên đơn phải trả luôn chi phí luật sư cho bên bị lên tới khoảng 100,000 đô la hay không.

Khi ra trước ba tòa quan lớn, cả nguyên đơn lẫn bị cáo đều khóc ròng.

Câu chuyện bi hài này làm cho mọi người thoạt nghe đều phải cười vì sự vô lý của đòi hỏi của bên nguyên và làm cho người ta ngán ngẫm vì sự lạm dụng hệ thống pháp lý để thưa kiện gây tai hại cho nhiều người chẳng may trở thành nạn nhân của các vụ đáo tụng đình.

Chủ nhân cửa tiệm giặt ủi và sửa quần áo này là hai vợ chồng người Nam Triều Tiên di dân sang Mỹ làm ăn. Họ chỉ biết cần cù kiếm sống để tạo điều kiện cho con cái họ có cơ hội tiến thân khá hơn là cuộc sống nơi quê nhà ; và hăng hái nhìn về tương lai, họ không chú ý mấy đến những lời cảnh báo của bà con họ hàng khi ra đi

Ông Chung nói: "Khi sắp rời Nam Triều Tiên để đi Mỹ, rất nhiều bà con thân thuộc của tôi đều nói rằng đời sống của chúng tôi sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi không đặt nặng những lời cảnh báo đó. Giờ đây thì tôi biết rằng là một di dân quí vị phải làm việc cật lực và trải qua nhiều khó khăn mới mong sống sót."

Nói lên cảm tưởng sau phán quyết của tòa án không bắt họ bồi thường cho ông khách hàng khó tính, chủ nhân cửa hàng, ông Jin Chung, bày tỏ sự tri ân của ông

Ông Chung nói: "Qua cuộc thử lửa này, tôi mới hiểu rằng có biết bao di dân Triều Tiên đang phải trải qua những khó khăn từ ngày này sang ngày khác. Rồi tôi chợt nhận ra rằng mình thật may mắn đã thắng vượt được vụ thử lửa này, một phần nhờ sự chú ý của báo chí đến vụ kiện."

Sau vụ án, chúng tôi tiếp xúc với ông Hạ, chủ nhân một tiệm phở ở bắc tiểu bang Virginia, để hỏi xem trong tư cách là một nhà tiểu thương di dân đến Mỹ, ông nghĩ gì về vụ kiện và có lo về những tai bay vạ gió kiểu như vụ kiện tụng cái quần 54 triệu đô hay không, ông trả lời

Ông Hạ nói: "Nói rằng bảo đảm làm hài lòng khách hàng thì chủ nhân của bất cứ cái thương mại nào cũng luôn luôn muốn hài lòng khách hàng chứ không ai muốn phật lòng khách hàng cả. Nhưng một đôi khi gọi là bất khả kháng, nó là một cái tai nạn ngoài ý muốn thì chuyện đó phải chịu vậy thôi chứ làm sao mà có thể thỏa mãn được. Là chủ nhân một cái thương mại nhỏ thì chuyên lo đó có chứ không phải không. Lo là bởi vì trong sự phục vụ khách hàng, trong sự làm việc của tiểu thương mà mình làm chủ, có một đôi khi chính mình lỗi. Mà mình lỗi thì bắt buộc là mình phải chịu rồi. Đấy sợ là sợ cái đó. Chứ nếu mình không lỗi mà đối phương tìm cách gài lỗi cho mình một cách phi lý như thế thì tôi nghĩ là chả có gì phải đáng sợ cả bởi vì cái gì nó cũng phải có lý lẽ công bình và minh chính của nó."

Vụ kiện này khiến người ta phải nêu câu hỏi ông Pearson, chuyên gia về luật pháp, rồi được bổ làm thẩm phán, mà lại có một trí phán đoán không bình thường khi đòi bồi thường đến 54 triệu đô la cho cái quần của ông thì thử hỏi trí phán đoán của ông có đáng tin cậy khi ông ngồi ghế quan tòa hay không ? Ngoài ra, cái tệ nạn “ambulance chasers “ tại Hoa Kỳ, tức là những luật sư, những người nắm luật trong tay, nhưng vô lương tâm, chuyên cò mồi khách hàng đi kiện đòi bồi thường những số tiền vô lý khủng khiếp, đã gây thiệt hại to lớn về công của cho không biết bao nhiêu cá nhân,công ty, cơ sở, đoàn thể và cho toàn xã hội Mỹ. Họ còn gây tiếng xấu cho giới luật sư, mặc dù trên thực tế vẫn có những luật sư hành nghề với đầy đủ lương tâm chức nghiệp. Đó chính là cái khía cạnh đáng buồn của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG