Đường dẫn truy cập

Những khía cạnh khác nhau về vấn đề Tây Tạng


Từ khi xảy ra những vụ rối loạn ở Tây Tạng cách đây khoảng 2 tuần lễ, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc không ngớt nói rằng những vụ bạo động được thực hiện bởi một nhóm nhỏ những tay côn đồ với sự xếp đặt và xúi giục của Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong. Nhiều người dân Trung Quốc tin vào tố cáo của nhà cầm quyền và than phiền về điều mà họ gọi là những tường thuật sai lạc của báo chí Tây Phương. Vấn đề này cùng với những diễn tiến mới về tình hình Tây Tạng sẽ được Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Vụ khủng hoảng Tây Tạng hiện nay bắt đầu với những cuộc biểu tình ôn hòa của các nhà sư Tây Tạng ở thủ đô Lhasa hôm 10 tháng 3 để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959 chống lại ách cai trị của Trung Quốc. 4 ngày sau đó, những cuộc biểu tình biến thành bạo động sau khi bị giới hữu trách Trung Quốc trấn áp. Và cũng giống như tình trạng ở các quốc gia nằm dưới chế độ cai trị độc tài, chi tiết mà các cơ quan truyền thông nhà nước nói về vụ rối loạn này trái ngược với những gì mà các cơ quan truyền thông quốc tế loan tải.

Theo tin của chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Ấn Độ, những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở Lhasa và ở các tỉnh gần Tây Tạng -- như Thanh Hải, Cam Túc và Tứ Xuyên, đã gây tử vong cho khoảng 140 người. Trong khi đó, giới hữu trách Trung Quốc nói rằng có 22 người thiệt mạng, phần lớn là người Hán bị người Tây Tạng giết chết ở Lhasa.

Giới hữu trách Trung Quốc cũng tố cáo các cơ quan truyền thông Tây phương loan tải những tin tức sai lạc về vụ rối loạn này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA cho biết rằng nhiều người Trung Quốc tỏ ý bất bình đối với điều mà họ gọi là thành kiến của Tây phương đối với Trung Quốc'

TTV Ho nói: "Truyền thông Trung Quốc vẫn cứ loan tin rằng vụ này là những hành vi đập phá, cướp của và giết hại người Trung Quốc của một nhóm côn đồ Tây Tạng. Vì thế cho nên công chúng ở Trung Quốc rất bất bình đối với các tường thuật của giới truyền thông Tây Phương. Văn phòng ở Bắc Kinh của đài VOA trong thời gian qua đã nhận được vô số những cú điện thoại của những người than phiền về những tin tức loan tải bên ngoài Trung Quốc. Họ nói rằng họ không hiểu tại sao mọi người lại lầm lẫn như vậy. Vấn đề ở đây là tin tức loan đi từ Lhasa rất ít, cho nên chúng tôi chỉ có được phiên bản chính thức của Trung Quốc về những sự việc đã xảy ra cùng với những lời đồn đại và những hình ảnh được ghi nhận và chuyển đi bằng điện thoại di động. Vì vậy chúng tôi không thể biết rõ sự việc thật sự là như thế nào."

Một phái đoàn nhà báo quốc tế gồm 26 người đã được nhà cầm quyền Trung Quốc hướng dẫn đến Lhasa hồi tuần trước để tìm hiểu tình hình. Hôm thứ năm, phái đoàn này đã nhanh chóng được đưa đi nơi khác sau khi một nhóm khoảng 30 nhà sư Tây Tạng ở tu viện Jokhang gây gián đoạn cho chuyến viếng thăm với những tố cáo nói rằng Tây Tạng không có tự do tôn giáo và chính phủ đã Trung Quốc nói dối về những gì đã diễn ra ở đây trong thời gian qua.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc tố cáo rằng những vụ rối loạn này do Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong, tổ chức và xúi giục. Tuy nhiên, thông tín viên Stephanie Ho, cũng giống như nhiều nhà quan sát khác, nói rằng những vụ phản kháng này bùng ra vì nhiều yếu tố tôn giáo, văn hóa và kinh tế.

TTV Ho nói: "Những người Tây Tạng ở Tây Tạng cảm thấy bất mãn trước tình trạng bị bỏ rơi đàng sau. Chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu những khoản tiền rất lớn để tìm cách kiến thiết Tây Tạng, nhưng hầu hết những lợi ích của kế hoạch này lại rơi vào tay người Hán. Vì vậy, người Tây Tạng rất đỗi bất bình. Họ cảm thấy tôn giáo của họ không được tôn trọng. Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật được sùng kính nhất trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng ông lại là người thường xuyên bị chính phủ Trung Quốc thóa mạ không tiếc lời."

Trái ngược với sự mô tả của Trung Quốc nói rằng: Đức Đạt Lai Lạt Ma là 'con chó sói khoác bộ lông con cừu', vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này được nhiều người trên thế giới xem là một nhân vật ôn hòa, có chủ trương "trung đạo", và lâu nay vẫn mạnh mẽ cổ xướng cho tinh thần tranh đấu bất bạo động.

Nhiều quốc gia Tây phương, kể cả Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu, đã kêu gọi Trung Quốc tự chế và mở lại cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, theo một số các nhà quan sát, trong đó có ông Jehangir Pocha, chủ biên tờ Thế giới Doanh nghiệp ở Ấn Độ, các nước dân chủ có thái độ quá nhu nhược đối với Trung Quốc.

Ông Pocha nói: "Nhiều người ở đây nghĩ rằng chính phủ Ấn Độ và chính phủ Hoa Kỳ cùng với hầu hết các nước khác đã quá nhu nhược đối với Trung Quốc, không chịu chống cự với Trung Quốc đối với một số rất nhiều vấn đề. Đó là cảm nghĩ của nhiều người. Xét về phương diện thuần túy nhân đạo, tình hình hiện nay là một tình hình rất khó khăn. Nếu chúng ta cứng rắn với đảng Cộng Sản thì chúng ta phải gánh chịu một mối rủi ro là gây bất ổn cho quốc gia có khối dân lên tới 1 tỉ 200 triệu người. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng không thể phủi tay trước những mối quan tâm của những người bản xứ ở Tây Tạng."

Ông Bchuchung Tsering, phó Chủ tịch Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, nói rằng đồng bào của ông đã không còn lựa chọn nào khác hơn là xuống đường biểu tình để đòi được chính phủ Trung Quốc đối xử một cách công bằng.

Ông Tsering nói: "Các chính sách của chính phủ Trung Quốc đã không thừa nhận và tôn trọng bản sắc đặc thù của nhân dân Tây Tạng, và không hề cung cấp một không gian để cho di sản đặc thù này được bảo vệ và phát huy. Bên cạnh vấn đề này còn có nhiều yếu tố khác khiến cho người Tây Tạng cảm thấy rằng càng ngày họ càng bị gạt ra bên lề xã hội. Theo nhận xét của tôi thì nguyên do trực tiếp làm bùng ra những vụ rối loạn là chính phủ Trung Quốc tiếp tục đả kích Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà dân chúng Tây Tạng xem là một vị Phật Sống và là lãnh tụ tinh thần của mình."

Ông Jehangir Pocha cho biết: trong nhiều năm nay sau khi chính thức từ bỏ ý định đòi độc lập cho Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông qua những người trung gian để tiến hành các cuộc điều đình với Trung Quốc về vấn đề tự trị. Tuy nhiên cuộc đàm phán đã gặp bế tắc vì đôi bên không đồng ý với nhau về ý nghĩa của hai chữ Tây Tạng.

Ông Pocha nói: "Vấn đề then chốt giữa Bắc Kinh và người Tây Tạng là việc định nghĩa hai chữ Tây Tạng. Phía Trung Quốc cho rằng Tây Tạng chỉ là tỉnh mà họ gọi là Đặc khu Tự trị Tây Tạng, tức TAR. Người Tây Tạng thì cho rằng Tây Tạng là TAR cộng với những khu vực của người Tây Tạng ở các tỉnh khác của Trung Quốc như Thanh Hải, Cam Túc, và Tứ Xuyên. Việc định nghĩa này chính là vấn đề gây bế tắc cho các cuộc thương lượng. Không mấy ai hiểu được vấn đề này một cách tường tận và dường như chưa có ai đưa ra được một giải pháp nào để giải quyết vấn đề này."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG