Vụ dầu loang tệ nhất ở Australia kể từ giữa thập niên 1980 giờ đây đã gây ô nhiễm cho vùng biển của Indonesia. Ngư dân ở Tây Timor cho biết dân làng đã ngã bệnh vì ăn phải những loại tôm cá bị ô nhiễm. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.
Vụ dầu loang đã bắt đầu xảy ra hồi hai tháng trước, sau một tai nạn ở giàn khoang West Atlas, nằm cách bờ biển phía tây của Australia khoảng 200 kilo mét.
Từ đó tới nay, hàng triệu lít dầu đã tràn ra biển, gây nguy hại cho những giống rùa biển đang gặp nguy cơ tuyệt chủng và cho nhiều loại cá voi và cá heo.
Ngư dân Indonesia cho biết dầu loang đã giết chết rất nhiều tôm cá và gây bệnh cho những dân làng ăn phải những loại hải sản bị ô nhiễm.
Những cố gắng nhằm bịt lỗ hổng ở giàn khoan do một công ty Thái lan làm chủ đã được thực hiện. Tuy nhiên cả ba lần đều không thành công.
Ông Greg Hunt là phát ngôn viên về vấn đề môi trường của Đảng Bảo thủ, thuộc phe đối lập ở Australia. Ông nói rằng tai nạn này là một thảm họa lớn đối với công nghiệp đánh cá và hệ thống môi sinh hải dương vốn dễ bị tổn thương.
Ông Hunt nói: "Đây là một thảm kịch ở biển cả, tác động tới đời sống sinh vật biển. Rõ ràng là như vậy, không có gì để nghi ngờ nữa cả. Chúng tôi đã nhận được báo cáo từ các cộng đồng ngư nghiệp ở Australia và ở nước ngoài. Họ cho biết là đời sống hải dương đang bị ảnh hưởng thật sự."
Cơ quan An toàn Hàng hải Australia cho biết dòng chảy của dầu tràn ra từ giếng dầu bị rò rỉ dường như đã chậm lại. Trong thời gian qua các chiếc tàu đã rải hóa chất để làm tan dầu và ngăn không cho khối dầu loang lan rộng thêm nữa.
Một nữ phát ngôn viên của cơ quan này nói rằng các loại sinh vật hoang dã không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Tuy nhiên, những người tranh đấu bảo vệ môi trường đã tỏ y lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của vụ này đối với những loại sinh vật biển dễ bị tổn thương, như rùa lưng phẳng, cá heo, và cá voi. Họ cũng nêu nghi vấn về sự an toàn của kế hoạch khuyếch trương công cuộc khai thác dầu lửa và khí đốt trong vùng này.
Hiện chưa rõ là khi nào thì nỗ lực thứ tư để bịt chỗ rò rỉ sẽ được thực hiện. Các kỹ sư đã tìm cách bịt một lỗ hổng 25 centi mét nằm sâu dưới đáy biển. Công ty làm chủ giàn khoang cho biết rằng bịt kín lỗ hổng là một công việc mà họ nói là “vô cùng phức tạp”.
Đọc nhiều nhất
1