Trong nước dư luận báo chí và công luận xã hội đang xôn xao bàn tán về những chuyện rắc rối, khó hiểu trong cuộc sống. Biết bao câu hỏi vì sao? vì sao? được đặt ra, chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Vì sao bà Ba Sương được họ phong "Anh hùng thời đổi mới", "đảng viên xuất sắc" 10 năm liền, Huân chương Lao động, "Phụ nữ ấn tượng của châu Á - Thái Bình Dương" năm 2002...lại bị truy tố ra trước vành móng ngựa, tự giải trình hàng chục lần là mình vô tội, rồi bị kết án 8 năm tù giam? Báo trong nước kêu lên: "Hiện tại bắn đại bác vào quá khứ ", "Cơ chế mới kết tội cơ chế cũ"...nhưng không giải thích được vì sao.
Vì sao tướng công an Trần Văn Thanh, thanh tra bộ công an, đang oanh liệt một thời, lại bị truy tố, đứng trước vành móng ngựa tòa án Đà Nẵng rồi đưa về trại giam chờ phiên toà phúc thẩm khi đang bị bệnh nặng tim và tiểu đường?
Vì sao vụ án PMU 18 với bị cáo chính Bùi Tiến Dũng kéo dài lê thê hơn 4 năm trời, làm cho những cam kết long trọng "kiên quyết, khẩn trương chống tham nhũng như chống giặc nội xâm" của những người lãnh đạo cao nhất như trò đùa dai, tự mỉa mai mình?
Vì sao Huỳnh Ngọc Sỹ ăn hối lộ hơn 800 ngàn đôla, có bằng chứng pháp lý hơn 3 ngàn trang do bộ tư pháp Nhật Bản cung cấp lại chỉ bị kết án có 3 năm tù, "vì nhân thân tốt", "từng có nhiều cống hiến", để báo thanh niên phải kêu lên là " tội bằng con voi lại phạt bằng con kiến"? Thật ra nền tư pháp độc quyền đã đánh tráo vụ án ăn hối lộ của công ty Nhật Bản thành vụ án cho thuê nhà công để lấy tiền chia nhau! Các blogger trong nước gọi đây là "trò xiếc" của ngành xử án nước nhà.
Hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi "Vì sao? " như thế đang làm nát óc các nhà báo, các công dân quan tâm đến thời cuộc, các nhà trí thức dân tộc của "mạng Bauxite Vietnam.info", của Viện VDS, của hàng triệu dân đen và dày vò hành hạ vô vàn người bị kết án, tù đầy oan ức.
Thì đây những bản báo cáo của Nhóm tư vấn của trường Đại học Harvard Mỹ có mặt tại Hà Nội hơn 3 năm nay để góp ý cho thủ tướng và giới cầm quyền đã cung cấp chiếc chìa khoá để giải đáp các câu hỏi "Vì sao?" trên đây.
Nhóm tư vấn này gồm có các giáo sư Mỹ và vài nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt.
Họ dùng từ "crony economy" để chỉ ra nền kinh tế đang ngự trị ở Việt nam, từ đó nhận diện căn cước của chế độ chính trị hiện hành.
Chữ tiếng Anh "crony" có nghĩa là bạn rất thân, từ điển Anh ghi thêm "close friend", "companion", "partner", thêm các từ cùng nghĩa: "chum", "pal ", "buddy", có thể dịch ra tiếng Việt là “bạn nối khố, bạn tâm giao, cánh hẩu, bạn cật ruột..."
Tiếng Trung Hoa gần đây có dùng từ "thân hữu kinh tế", "mật hữu (bạn cực thân) kinh tế", "gia tộc kinh tế" để chỉ nền kinh tế đặc trưng trên lục địa Trung Hoa hiện nay.
Từ trên đây, có thể nói chế độ kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay không còn gì là bản chất giai cấp vô sản, giai cấp công nhân, hay bản chất dân tộc, như tài liệu chính thức của Học viện chính trị Hồ Chí Minh rao giảng.
Vậy thì chế độ chính trị còn mang chất Cộng sản không? Đây là vấn đề phức tạp, lại rất cần làm rõ. Có ý kiến cho rằng chất cộng sản không còn gì, đảng CS chỉ còn cái vỏ, cái tên gọi; người cộng sản nay đã trở thành tư sản, địa chủ, nhà kinh doanh, có tài sản, nhà cửa, bất động sản, có nhà đất cho thuê, có ngân khoản gửi ngân hàng lấy lãi, có vàng bạc quý kim cất dấu.
Hơn nữa Đảng cộng sản đang trải qua một cuộc khủng hoảng, một cuộc đảo lộn sâu sắc trong nội bộ, một cuộc thoái trào, sa sút về phẩm chất chính trị và đạo đức, cái hình thức đoàn kết, gắn bó, thống nhất ngày xưa đã tan vỡ, rã rời, sự phân hóa giai cấp ở 2 đầu ngay trong đảng đã hiển nhiên.
Phần lớn đảng viên cao cấp cầm quyền đã thành tư sản hay tư sản mại bản, tư sản chứng khoán, tư sản nhà đất, tư sản quan liêu tham nhũng ăn bám, có kẻ thành tư sản kiêm địa chủ, có người thành nhà kinh doanh, chủ công ty, hùn vốn các công ty xuất nhập khẩu; một số đảng viên cầm quyền ở nông thôn trở thành địa chủ, phú nông, một số thành cường hào mới, có cả cường hào gian ác, như bà con nông dân ở Quảng Nam, Nghệ An và Bình Dương tố cáo.
Mặt khác một số đảng viên bình thường không có thế lực chính trị làm chỗ dựa, ở thành thị cũng như ở nông thôn, chỉ là công dân bình thường, công nhân bình thường, viên chức bình thường, thành trung nông; cũng có số ít đảng viên, gia đình liệt sỹ, cựu chiến binh thất thế trở thành vô sản, mất đất mất nhà, do bọn đảng viên cường hào hiếp đáp, có khi thất nghiệp phải ra thành phố kiếm việc vặt hay thành đội quân cửu vạn, bốc vác cho con buôn...Họ bị những đồng chí của mình bóc lột và đàn áp thẳng tay.
Đảng CS đã thay đổi sâu sắc, phân hoá mạnh, nhưng về đường lối chính trị, nhóm lãnh đạo vẫn duy trì nguyên vẹn cái cốt lõi tệ hại nhất, đó là độc quyền chuyên chính, độc quyền cai trị, ngăn chặn bằng bạo lực mọi xu thế dân chủ hoá, đa nguyên đa đảng hoá xã hội. Chính đây là chỗ mạnh mong manh tạm thời và cũng là chỗ yếu cơ bản, là tử địa của nó khi đất nước đã mở cửa và hội nhập quốc tế.
Không ít đảng viên cộng sản lâu năm, là viên chức, trí thức dân tộc, có lương tâm, yêu nước, thương dân, - tiền bạc không mua được, chức tước không ham, cuộc sống tạm đủ ăn, sống trong sạch, tỉnh táo nhận ra tình hình sa sút của đất nước, lo lắng thấy đạo đức suy đồi, ngay thẳng chỉ rõ lối ra là dân chủ hoá cho đất nước, nhưng bị vu cáo, cô lập, cấm phản biện; anh chị em báo động khi Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền quốc gia bị đe doạ, đất biển đảo bị lấn chiếm, từ đó chán đảng, ngừng sinh hoạt đảng, mong muốn có một đảng khác lãnh đạo đất nước, một đảng trong sạch, dân chủ, chí cốt với dân tộc, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn, gắn bó với thế giới dân chủ của thời hiện đại.
Đảng này có thể thi đua, ganh đua với đảng CS, tạo nên sinh khí chính trị, góp phần thúc đẩy đảng CS phải hoàn thiện mình, lấy xã hội làm trọng tài, sẽ có lợi nhiều mặt cho đất nước.
Các nhà lãnh đạo CS đang kêu trời về tình trạng "nhạt đảng","nhạt lý tưởng" của đảng viên, về hiện tượng "tự diễn biến", "tự huỷ diệt" của đảng CS. Họ rất lo khi các ông Trần Độ, Bùi Minh Quốc, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, gần đây là nhà văn- nhà báo Phạm Đình Trọng tuyên bố vĩnh biệt đảng "vì đảng không còn đáng tin nữa".
Chỉ có dân chủ thứ thật, dân chủ từ trên xuống dưới, chứ không phải ngược đời là dân chủ ở cơ sở đã, mới có thể chấm dứt cái cơ chế kỳ lạ hiện nay, chấm dứt một xã hội mà căn cước không rõ ràng, tư bản không ra tư bản, cộng sản không hẳn cộng sản, dân chủ không ra dân chủ, chắp vá hỗn độn, tiếp nhận toàn những điều xấu nhất của phong kiến, tư bản lũng đoạn, xã hội chủ nghĩa thực tiễn theo mô hình Staline và Mao...
Kinh tế thân hữu, kinh tế mật hữu, kinh tế phe nhóm, kinh tế cánh hẩu, kinh tế kiếm chác, kinh tế tầm gửi (dựa dẫm viện trợ và đi vay ODA và ngoại hối từ nước ngoài) nói lên thực chất chế độ chính trị xuống cấp thê thảm hiện nay.
Các đặc điểm trên phơi bày các mối quan hệ chằng chịt trong một xã hội cực kỳ hỗn loạn. 15 nhân vật trong bộ chính trị, mỗi người có phe cánh, bộ hạ, cánh hẩu riêng của mình về chính trị, kinh tế, tài chính, đối ngoại. Ở các tỉnh, huyện cũng có những lãnh tụ riêng, nhóm ảnh hưởng, phe cánh riêng, hùn hạp hay sát phạt nhau. Họ có những đàn anh đỡ đầu ở trung ương, có tay chân bộ hạ tay sai ở cơ sở, có khi còn dùng cả bọn xã hội đen. Đó là những sứ quân cát cứ.
Trong cái xã hội đỏ đen lẫn lộn, giá trị "lộn tùng phèo" này, các hiện tượng phổ biến đầy rẫy như "thư riêng", "phong bì", "hoa hồng", "lại quả", "lót tay","nhấm nháy", "ô dù ", người thân tín của bác Ba, chú Năm, anh Bảy, cô Tám, cụ Mười..., và đủ loại "cò " làm cái việc "muu sỹ", "chỉ trỏ", "mối lái","mở đường ", "gõ cửa", "kết thân", những ma cô mới nhan nhản của "nền kinh tế lợi ích riêng" đầy mưu mô, mánh mung, chụp giựt này.
Với nền kinh tế độc đáo trên, lợi ích dân tộc là phù phiếm, lợi ích nhân dân là trên giấy, tài sản chung bị xẻ thịt chia chác cho các phe nhóm, y như ở Trung Quốc hiện nay, chừng 0,40% dân số chiếm 70% tài sản chung, còn 99,60 nhân dân chia nhau 30% tài sản còn lại. Sự chênh lệch giàu/nghèo là kinh khủng, kẻ tham nhũng bất tài gian manh phất lên như tên lửa, người lao động lương thiện thất thế thì nghèo đói thê thảm. Đó, cái "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là thế! Mong những nhà văn dân tộc tài năng ghi lại cảnh xã hội trớ trêu độc đáo này.
Bà Ba Sương chỉ lo xây dựng nông trường, không có phe cánh ở tỉnh và trung ương, trong khi nhóm đương quyền ở Cần thơ đang mê mẩn với quy hoạch Khu kinh tế công nghiệp mũi nhọn béo bở, bà bị chúng thí theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ là tất nhiên.
Tướng công an Trần Văn Thanh dám cả gan tố cáo bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Bá Thanh, uỷ viên trung ương đảng, được uỷ viên bộ chính trị, trưởng ban Kiểm tra trung ương đảng Nguyễn Văn Chi đích thân đỡ đầu và che chở thì dù là tướng công an cũng chỉ có vào tù.
Huỳnh Ngọc Sỹ tội cực nặng lẽ ra nằm tù 12 đến 15 năm, nhưng chỉ bị kết án 3 năm, để rồi sẽ được giảm án, ân xá do "cải tạo tốt", vì ông ta là tay chân thân tín của nguyên thứ trưởng giao thông Nguyễn Việt Tiến, mà ông này lại là đệ tử cật của ngài tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ông Sỹ còn thông gia với ông Lê Thanh Hải là uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành ủy Sài Gòn...
Một chế độ không có công tâm, không tuân theo luật pháp và hiến pháp, không coi trọng hiền tài, không cho mọi công dân cơ hội thành đạt ngang bằng nhau, chỉ coi trọng phe nhóm mình, chỉ bảo vệ quyền lợi bất chính của phe cánh, không lo che chở những công dân bị oan ức, chỉ lo bao che những kẻ cánh hẩu, bộ hạ thân tín riêng tư...một xã hội như thế chứa đầy tật bệnh hiểm nghèo, không thể yên ổn, hài hoà và phát triển.
Việt Nam thời đổi mới đã và đang đóng góp một danh từ mới cho từ điển quốc tế. "A crony economy", tạm dịch là kinh tế thân hữu, kinh tế phe cánh, kinh tế cánh hẩu, với vô vàn mối quan hệ mờ ám, nhơ bẩn, với vô vàn mưu đồ phá nước hại dân, đang nghiễm nhiên nảy nở, tung hoành khắp nơi, từ trên cao nhất xuống tận cơ sở.
Cám ơn các bạn giáo sư Đại học Harvard - người Mỹ và người Mỹ gốc Việt - đã nhìn thẳng vào sự thật ở Việt nam, khám phá ra một thực tế, cũng là một nguy cơ, một thảm họa của đất nước Việt Nam, cảnh tỉnh bao người vẫn còn nhầm lẫn về sự phát triển "mạnh mẽ", "lành mạnh", "phát triển đi lên", "đúng hướng" của đất nước.
Danh từ mới lạ này là chiếc chìa khóa quý để tìm hiểu sâu sắc, cặn kẽ và chuẩn xác các sự kiện kinh tế, tài chính, chính trị, văn hoá và đối ngoại ở Việt Nam hiện nay.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1