Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói rằng việc trồng cây thuốc phiện ở Miến Điện đã gia tăng ba năm liên tiếp trong khi các nhóm sắc tộc nổi dậy bán ma túy để mua vũ khí. Như thông tín viên đài VOA Ron Corben tường thuật từ Bangkok, việc gia tăng này đã đảo lộn những thành công trong quá khứ để cắt giảm bớt diện tích trồng cây thẩu ở Đông Nam Á.
Văn phòng Liên Hiệp Quốc bài trừ Ma túy và Tội Ác (UNODC) hôm thứ Hai cho biết rằng diện tích trồng cây thẩu ở Miến Điện tăng hơn 10% năm 2009 – tức là gia tăng năm thứ ba liên tiếp.
Phúc trình mới nhất của cơ quan này về Thái Lan, Lào và Miến Điện nói rằng cây thẩu ở khu vực này được canh tác trên khoảng 31.700 hectare. Sự gia tăng này tiếp sau đợt suy giảm mạnh từ mức 130 nghìn hectare trong khoảng thời gian từ năm 1998 tới năm 2005 xuống mức chỉ còn hơn 20.300 hectare năm 2006.
Các giới chức UNODC cho rằng một phần nguyên do của sự gia tăng này là tình hình bất ổn chính trị ở Miến Điện. Một số nhóm phần tử chủ chiến thiểu số như Wa và Kachin bán ma túy để mua vũ khí nhằm chống lại chính phủ.
Quân đội Miến Điện đã đặt ra thời hạn hạ vũ khí và giải tán lực lượng đối với các nhóm thiểu số, trong số đó có những nhóm đã chiến đấu nhiều thập kỷ qua nhằm đòi quyền tự trị nhiều hơn. Các tin tức cho hay, một số nhóm không muốn giải giới và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Gary Lewis là đại diện khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNODC. Ông nói: 'Những năm trước, chúng tôi chứng kiến một sự suy giảm mạnh diện tích trồng cây thuốc phiện. Tại Myanmar, chúng tôi thấy sự gia tăng tới 50% trong ba bốn năm qua so với mức của năm 2006. Đối với chúng tôi, xét về muc tiêu bài trừ ma túy, mức tăng đó đã cho thấy tiến trình kiểm soát và xóa bỏ ma túy như thế nào'.
Tại Miến Điện, hơn một triệu người được coi là tham gia vào việc sản xuất thuốc phiện, vốn được dùng để sản xuất heroin.
Nhưng việc trồng thuốc phiện ở Đông Nam Á – vốn từng được biết tới là khu vực Tam Giác Vàng vì việc sản xuất thuốc phiện trên khu vực biên giới Miến Điện, Lào và Thái Lan – đã bị Afghanistan vượt xa trong thập kỷ qua.
Leik Boonwaat, trưởng đại diện văn phòng UNODC ở Lào, nói rằng Afghanistan giờ chiếm tới 95% sản lượng thuốc phiện trái phép toàn cầu. Ông nói: 'Tổng giá trị thuốc phiện sản xuất ở Miến Điện ước tính khoảng 104 triệu đôla. Ở Lào là 15 triệu đôla, trong khi đó ở Afghanistan, tôi nghĩ tổng giá trị năm nay vào khoảng 438 triệu đôla'.
UNODC nói rằng toàn bộ tiềm năng sản xuất thuốc phiện ở Đông Nam Á đã giảm từ mức 1.435 tấn năm 1998 xuống chỉ còn 345 tấn năm 2009, tức là giảm hơn 75%.
UNODC cho rằng để cắt giảm tỷ lệ sản xuất này thêm nữa, cộng đồng quốc tế phải giúp đỡ các cộng đồng nông dân tìm ra phương cách canh tác thay thế và kế sinh nhai khác.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1