Đa số các nền kinh tế Nam Á đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và tại nhiều nước, tăng trưởng đã khởi sự lấy đà. Tiến trình phục hồi đặc biệt nhanh chóng tại Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha gửi thêm các chi tiết sau đây.
Giữa lúc năm 2009 sắp sửa kết thúc, tâm trạng chung tại Ấn Độ là lạc quan. Các doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho các dự án đầu tư mới, giới tiêu thụ mua xe và nhà mới, và chỉ số các thị trường chứng khoán tăng đến những mức cao nhất trong vòng một năm rưỡi qua.
Các nhà làm chính sách dự kiến nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng từ 7,5% lên 8% trong tài khóa này, cao hơn nhiều so với mức dự đoán của các nhà dự báo kinh tế hồi đầu năm, khi tình trạng suy thoái toàn cầu kéo chậm đáng kể đà tăng trưởng kinh tế.
Các kinh tế gia nói rằng tiến trình hồi phục kinh tế của Ấn Độ diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Họ nói nền kinh tế tăng nhanh thứ nhì thế giới đã xoay sở hiệu quả hơn so với đa số những nền kinh tế khác bởi vì lĩnh vực ngân hàng của Ấn Độ không hề bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng.
Vẫn theo các chuyên gia kinh tế thì nền kinh tế Ấn Độ lệ thuộc vào tiêu thụ nội địa nhiều hơn thay vì vào xuất khẩu, đã không bị tác động đáng kể vì tình trạng suy thoái kinh tế ở phương Tây.
Một vụ hạn hán rộng khắp cũng không gây tác động lớn vì phần lớn đà tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuất phát từ các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo sản xuất.
Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee nói ông lấy làm khích lệ về đà tăng trưởng đều đặn trong mấy tháng gần đây, và ông tin tưởng nền kinh tế Ấn Độ sẽ còn đạt được nhiều thành tích tốt đẹp hơn nữa trong tương lai gần.
Ông nói: "Chỉ tiêu tăng trưởng từ 9 đến 10%, là điều mà chúng tôi đã mơ tưởng trong một thời gian dài, hiện đang nằm trong tầm tay, chúng tôi sẽ đạt được chỉ tiêu ấy."
Tin tức từ nước láng giềng Sri Lanka cũng lạc quan. Hồi đầu năm, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc giao tranh kéo dài với phe nổi dậy Hổ Tamil đã làm cho nền kinh tế trì chậm. Kho ngoại tệ Sri Lanka cạn kiệt, nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt hồi tháng 5, hòa bình được vãn hồi đã giúp hồi sinh các hoạt động kinh tế Sri Lanka.
Thương mại nội địa đã được mở rộng vì quân đội đã mở một xa lộ huyết mạch đến khu vực miền bắc bị chiến tranh tàn phá trước đây. Những khách sạn mới đang được xây và những khách sạn cũ đang được tân trang để phục vụ cho du khách đang lũ lượt kéo nhau trở lại những bãi biển của đảo quốc này. Thi trường chứng khoán, nhờ vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt, đã lên gấp đôi trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương của Sri Lanka dự kiến mức tăng trưởng kinh tế sẽ lên đến 6% trong năm 2010, so với 3,5% trong năm nay.
Các giới chức tại Bangladesh cho hay nền kinh tế nước này hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái toàn cầu. Họ hy vọng đạt được mức tăng trưởng 6% trong tài khóa năm nay. Các giới chức nước này vẫn giữ thái độ lạc quan mặc dù mức xuất khẩu quần áo may sẵn, ngành công nghiệp chính của quốc gia, có chậm lại. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì kinh tế Bangladesh tiếp tục tăng trưởng đều đặn, nhưng sự lệ thuộc của nước này vào xuất khẩu có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của họ sẽ phải tùy thuộc vào đà phục hồi kinh tế của các quốc gia phương Tây.
Nam Á là một trong những khu vực đông dân cư nhất thế giới. Đây cũng là quê hương của hàng triệu người nghèo khó, và theo ý kiến của các kinh tế gia thì chỉ có mức tăng trưởng mạnh mới giúp đưa giới nghèo tại đây thoát ra khỏi cảnh bần cùng.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1