Giới hoạt động trên mạng ở Trung Quốc đang dành sự ủng hộ cho những người biểu tình đối lập ở Iran. Tuy nhiên, đây là một vấn đề tế nhị bởi lẽ những người ủng hộ giới phản kháng ở Iran lo ngại rằng họ có thể vi phạm các luật lệ của nhà cầm quyền Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cách xa thủ đô Tehran của Iran tới 5,600 kilomet.
Nhưng một cuộc biểu tình bạo động hồi cuối tháng chạp năm ngoái ở Tehran có sự can dự của những người biểu tình Iran đã khiến những người hoạt động ở Trung Quốc đăng ký tên miền trên mạng CN4Iran-dot-org (CN4Iran.org), có nghĩa là Trung Quốc ủng hộ Iran.
Khẩu hiệu của trang web này là “Chúng tôi đang theo dõi hoạt động các bạn, chúng tôi ủng hộ các bạn. Hãy thẳng tiến, các bạn Iran vĩ đại.” Một bức hình trên trang web cho thấy một quả đấm nổi bật trên một nền mầu đỏ và xanh lá cây.
CN4Iran.org là cái được gọi là trang web gương tự động nhận và đăng phần lớn các 'tweet' mới nhất có liên quan đến Iran. “Tweet” là những tin nhắn ngắn gọn gửi qua mạng xã hội Twitter, và có thể xuất phát từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Twitter đã bị chận ở Trung Quốc, nhưng cư dân trên mạng Trung Quốc vẫn có thể truy cập Twitter qua những proxy trên Internet.
Một trong những người tổ chức trang web vừa kể đã từ chối một yêu cầu phỏng vấn qua điện thoại, nhưng đã liên lạc với đài VOA qua email.
Nhân vật hoạt động trên mạng này nói rằng Trung Quốc và Iran có những điểm giống nhau, nhất là về mặt kiểm duyệt web. Ông này nói ông cảm thấy có những người ở Trung Quốc rất quan tâm đến Iran và những nước khác mà họ cảm thấy không có tự do.
Nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị là một trong những người Trung Quốc đã theo dõi sát các diễn biến ở Iran. Ông nói rằng ông đặc biệt bận rộn trên mạng vào những giờ sáng sớm ngày 28 tháng chạp vừa qua, vào lúc các vụ đụng độ xảy ra ở Tehran.
Ông Ngải nói ông đã đánh máy liên tục đêm đó và gửi đi vô số “tweet”. Ông nói ông nghĩ rằng chắc hẳn những người Iran sẽ lấy làm lạ không hiểu Ai Weiwei là ai.
Hồi đầu tuần này, khi được họi liệu chính phủ có biết về sự ủng hộ của những nhà hoạt động trên mạng dành cho người biểu tình ở Iran hay không, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đáp:
Bà Khương Du nói rằng Trung Quốc hy vọng nhìn thấy xã hội Iran tiếp tục thống nhất và ổn định, nhưng bà không đề cập cụ thể đến trang web của Trung Quốc.
Người tổ chức trang web CN4Iran.org nói nguyên văn “bất cứ ai cũng sợ bị rắc rối” với chính quyền Trung Quốc. Nhưng ông nói ông nghĩ rằng điều mà những người hoạt động như ông đang làm không có tính cách “nhậy cảm cao độ” hay “bất hợp pháp.” Ông nêu ra điểm là nhà chức trách có ngôn từ và những cách thức riêng để thông tin liên lạc, trong khi những người dân thường có cách của riêng họ.
Trung Quốc tìm cách hạn chế truy cập nhiều trang web trên mạng Internet, trong đó có nhiều cơ quan thông tin như VOA chẳng hạn. Ngoài ra, chính phủ theo dõi các hoạt động trên mạng và có biện pháp ngăn chận các trang web mà họ coi là nuôi dưỡng bất ổn hay phản động.
Hôm nay, trang web CN4Iran.org vẫn còn truy cập được mà không cần đến proxy tại thủ đô Trung Quốc.
<!-- IMAGE -->