Đường dẫn truy cập

Anh rời EU châm ngòi tinh thần bài EU tại Hungary


Người dân cầm những tấm áp phích trong cuộc biểu tình 'March for Europe' chống lại quyết định rời khỏi EU của Anh ở trung tâm London, ngày 2 tháng 7 năm 2016.
Người dân cầm những tấm áp phích trong cuộc biểu tình 'March for Europe' chống lại quyết định rời khỏi EU của Anh ở trung tâm London, ngày 2 tháng 7 năm 2016.

Dư chấn từ cuộc trưng cầu dân ý cho Anh tách khỏi EU đã lan sang Đông Âu. Tại đây, các phong trào theo chủ nghĩa yêu nước cho biết quyết định của Anh đang tiếp thêm sức mạnh cho các chiến dịch của họ chống lại những chính sách của Châu Âu. Tại Hungary, EU đang đối mặt trước một bài toán khó nữa: một cuộc trưng cầu dân ý về việc nên hay không nên bác kế hoạch của Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc Hungary và các nước thành viên khác trong EU phải nhận người tị nạn theo hạn ngạch đề ra.

Quang cảnh một trại tị nạn cách Budapest 40km đang gây ra tranh cãi về một cuộc trưng cầu dân ý ở Hungary. Người tìm kiếm quy chế tị nạn dồn dập đổ về đây mỗi ngày.

Một người tị nạn tên là Mano bức xúc:

“Tại sao chúng tôi không được chấp nhận tại Châu Âu, chúng tôi cũng là người như các bạn, chúng tôi không có ước vọng , không có quyền như con cháu của các bạn hay sao?”

Nhưng trong mắt những người sinh sống cạnh trại tị nạn này, làn sóng người tị nạn mới tới là một mối đe dọa. Nhiều người sinh sống xung quanh trại tị nạn này ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý.

Ông Attila Szigeti, một cư dân Hungary, cho biết:

“Có cảm giác như họ không muốn đồng hóa và hành xử giống như chúng tôi. Họ né tránh văn hóa của chúng tôi và tôi hoàn toàn hiểu rõ vì sao người Anh quyết định ra khỏi EU.”

Ông Szigeti nói ông không phải là một người kỳ thị chủng tộc. Ông cho biết đã cạo đầu sau khi nhìn thấy di dân xung quanh nơi ông ở:

“Với ngoại diện này, tôi không cần phải dòm trước ngó sau. Tôi không phải lo sợ vì như thế này tôi trông mạnh mẽ.”

Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đang chi hàng triệu đô la cho các chương trình quảng bá. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ xem cư tri có chấp nhận chỉ thị của EU về việc bắt buộc phải tái định cư cho những người nước ngoài mà không cần sự tán thành của Quốc hội hay không.

Với những lo sợ dồn nén, giới phân tích dự đoán phe chống lại chính sách di dân sẽ dễ dàng thắng thế.

Ông Nick Sitter thuộc Đại học Trung ương Châu Âu:

“Thủ tướng Hungary đã mô tả hình ảnh Brussels như kẻ thù đối nghịch với Hungary. Ông nói từ năm 1848-1849 chúng ta đứng lên chống lại Vienna, năm 1956 chống lại Moscow, và giờ đây chúng ta phải đứng lên chống lại Brussels.”

Phe đối lập cực hữu được Nga hậu thuẫn, đảng JOBBIK, xem việc Anh tách ra khỏi EU là một sự thúc đẩy cho tinh thần chống lại EU tại Hungary.

Ông Marton Gyongyosi thuộc đảng JOBBIK:

“Khi người dân đi tới các phòng phiếu thì rõ ràng đây là một cuộc biểu quyết hoặc là ủng hộ hoặc là chống lại Brussels và chính sách của EU liên quan đến vấn đề di dân.”

Trên khắp Budapest nhan nhản những thông điệp nhắc nhớ dân chúng về các cuộc đấu tranh của Hungary với các cường quốc nước ngoài trong thế kỷ qua, mở đầu là chống lại Đức quốc xã, sau đó là Liên Xô.

Hơn 2 thập niên sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và Liên Xô tan rã, bóng ma của sự thống trị nước ngoài vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người dân Hungary. Ở Budapest rất thường nghe Brussels được ví như một tân Moscow.

Cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Hungary chỉ thách thức chính sách di dân của EU. Những người thuộc phe cánh hữu cho rằng tiếp sau đó sẽ có thể là một cuộc biểu quyết rời bỏ EU.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG