Đường dẫn truy cập

AP: Trại giam lớn nhất TQ ở Tân Cương có thể chứa 10.000 người


Bên ngoài Trung tâm Giam giữ số 3 Urumqi No. 3 ở Dabancheng, Tân Cương, 23/4/2021.
Bên ngoài Trung tâm Giam giữ số 3 Urumqi No. 3 ở Dabancheng, Tân Cương, 23/4/2021.

Trung tâm Giam giữ số 3 Urumqi ở Dabancheng là trại giam lớn nhất Trung Quốc và có thể là cả trên thế giới, với một khu phức hợp rộng hơn 89 hectare - lớn gấp đôi Vatican. Gắn bên ngoài trại giam là tấm biển cho biết nó là một cơ sở giam giữ những người chờ ra tòa xét xử.

Các quan chức Trung Quốc từ chối cho biết có bao nhiêu người bị giam giữ vì con số thường thay đổi. Nhưng căn cứ vào ảnh vệ tinh và dựa vào quan sát các phòng giam khi phóng viên của AP được tham quan trung tâm giam giữ này, hãng tin AP ước tính rằng trung tâm có thể chứa khoảng 10.000 người và có thể nhiều hơn nữa nếu nhồi nhét.

AP là hãng tin phương Tây đầu tiên được phép vào trong. Các nhà báo của hãng được cấp phép đặc biệt tham gia chuyến tham quan do nhà nước tổ chức ở vùng Tân Cương xa xôi, miền tây Trung Quốc.

Có thể thấy ở trại giam này, Trung Quốc vẫn đang giam giữ và có kế hoạch giam giữ một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác chủ yếu là theo Hồi giáo. Ảnh vệ tinh cho thấy đã có thêm các tòa nhà mới trải dài khoảng 1,5 km tại cơ sở giam giữ Dabancheng vào năm 2019.

Trung Quốc mô tả việc tống giam ồ ạt 1 triệu người dân tộc thiểu số trở lên trong vòng 4 năm qua là một "cuộc chiến chống khủng bố", sau một loạt vụ đánh bom và đâm chém do một số ít người Duy Ngô Nhĩ cực đoan gốc Tân Cương gây ra.

Một khía cạnh gây rất nhiều tranh cãi của việc này là các cơ sở được gọi là “trung tâm đào tạo nghề”. Những người từng bị giam giữ mô tả đó là những trại giam tàn bạo có hàng rào thép gai bao quanh và lính canh được trang bị súng đạn.

Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại. Sau đó, bị quốc tế chỉ trích nặng nề, vào năm 2019, Trung Quốc cho hay tất cả những người trong trại đã “tốt nghiệp”.

Nhưng chuyến thăm của AP đến Dabancheng, các ảnh vệ tinh và các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và những người từng bị giam giữ cho thấy rằng tuy nhiều "trung tâm đào tạo" đã thực sự bị đóng cửa, song một số trung tâm như vậy đơn thuần đã được chuyển đổi thành nhà tù hoặc cơ sở giam giữ trước khi xét xử. Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều cơ sở mới cũng đã được xây dựng, bao gồm một trung tâm giam giữ mới rộng hơn 34 hectare ngay gần trại số 3 ở Dabancheng đã mọc lên trong năm 2019.

Những thay đổi này dường như là một nỗ lực để chuyển đổi các “trung tâm đào tạo” tạm bợ và phi pháp thành một hệ thống nhà tù và cơ sở giam giữ trước khi xét xử mang tính dài hạn hơn và được luật pháp công nhận. Tuy rằng có một số người Duy Ngô Nhĩ đã được trả tự do, song những người khác đơn thuần đã bị chuyển đến mạng lưới nhà tù này.

Lối vào trại giam số 3 Urumqi
Lối vào trại giam số 3 Urumqi

Trong chuyến thăm trại số 3 ở Dabancheng vào tháng 4, các quan chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng nó không liên quan đến các "trung tâm đào tạo" mà Bắc Kinh tuyên bố là đã đóng cửa.

“Không có mối liên hệ nào giữa trung tâm giam giữ của chúng tôi và các trung tâm đào tạo”, Giám đốc Sở Công an Urumqi, Zhao Zhongwei, nhấn mạnh.

Họ cũng nói rằng trại số 3 là bằng chứng về cam kết của Trung Quốc dành cho việc cải tạo con người và thực thi pháp quyền, theo đó, các tù nhân được cung cấp bữa ăn nóng, tập thể dục, tiếp cận với cố vấn pháp lý và được học qua đường truyền video để hiểu về tội của họ. Các quan chức nói rằng các quyền được bảo vệ và chỉ những người vi phạm pháp luật mới cần lo lắng về việc bị giam giữ.

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của các quan chức, các bằng chứng cho thấy trại số 3 thực sự là một trại tập trung. Một bức ảnh của Reuters chụp lối vào trại hồi tháng 9/2018 cho thấy cơ sở này từng được gọi là “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề Urumqi”. Các tài liệu công khai do Shawn Zhang, một sinh viên luật ở Canada, thu thập xác nhận rằng một trung tâm cùng tên đã được cấp phép xây dựng tại cùng một địa điểm vào năm 2017.

Một nhà thầu xây dựng trước đây, từng đến thăm cơ sở ở Dabancheng này vào năm 2018, nói với AP rằng nó giống hệt “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề Urumqi” và đã được chuyển đổi thành một cơ sở giam giữ vào năm 2019, với bảng tên được thay. Ông này không muốn nêu tên vì sợ gia đình mình bị trả thù.

“Tất cả các học viên cũ ở trong đó đều trở thành tù nhân”, ông nói.

Trại giam số 3 Urumqi dường như chưa đạt hết công suất; các quan chức cho biết một khu đã bị đóng cửa, và 6 đến 10 tù nhân ngồi trong mỗi phòng giam, chỉ chiếm một nửa số “giường”.

Xu Guixiang, người phát ngôn của Tân Cương, gọi tỷ lệ giam giữ tăng cao là “các biện pháp nghiêm khắc” trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

“Điều hiển nhiên là trong quá trình này, số người bị kết án theo luật định sẽ tăng lên. Đây là một dấu hiệu cụ thể cho thấy hiệu quả công việc của chúng tôi”, Xu nói. "Bằng cách thực hiện các biện pháp này, những kẻ khủng bố có nhiều khả năng bị đưa ra công lý".

Nhà nghiên cứu Gene Bunin phát hiện rằng người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải ký vào bản thú tội về điều mà chính quyền gọi là "hoạt động khủng bố". Một số người sau đó đã được trả tự do, trong đó có một người bị giam giữ tại cơ sở Dabancheng, một người thân của người này nói với AP, nhưng không nêu tên cụ thể để người từng bị giam giữ không bị trả thù.

Những người khác không được như vậy. Báo cáo của cảnh sát Trung Quốc do nhóm có tên Intercept thu thập được chứa thông tin chi tiết về trường hợp 8 người Duy Ngô Nhĩ ở một khu phố Urumqi bị giam giữ trong cơ sở “Dabancheng” vào năm 2017 vì đọc tài liệu tôn giáo, cài đặt ứng dụng chia sẻ file hoặc chỉ đơn thuần là “một kẻ không đáng tin cậy”. Vào cuối năm 2018, các báo cáo cho thấy, các công tố viên đã triệu tập họ đến làm việc và ra phán quyết họ phải “học tập cải tại” từ 2 đến 5 năm.

Một "trung tâm đào tạo nghề" ở Artux, thuộc vùng Tân Cương, TQ, 3/12/2018.
Một "trung tâm đào tạo nghề" ở Artux, thuộc vùng Tân Cương, TQ, 3/12/2018.

Các nhà báo của AP không chứng kiến bất kỳ dấu hiệu tra tấn hoặc đánh đập nào tại cơ sở này, và không thể nói chuyện trực tiếp với bất kỳ người bị giam giữ nào trước đây hoặc hiện nay. Nhưng một người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Tân Cương, Zumret Dawut, cho biết một người bạn từng làm việc tại Dabancheng đã chứng kiến sự đối xử tàn bạo đến mức cô ngất xỉu. Người bạn có tên là Paride Amati và đã qua đời. Khi còn sống, cô cho biết đã nhìn thấy hai thiếu niên buộc phải ký vào bản thú tội là họ đã tham gia khủng bố khi du học ở Ai Cập, họ đã bị đánh chảy máu và bầm tím trên da.

Một giáo viên tại cơ sở Dabancheng cũng mô tả rằng tình trạng “tồi tệ hơn địa ngục”, theo lời kể lại của Qelbinur Sedik, là đồng nghiệp nhưng làm việc tại một trại khác. Người giáo viên nói rằng trong giờ học, cô có thể nghe thấy tiếng của những người bị tra tấn bằng dùi cui điện và ghế sắt, theo lời của Sedik.

Những lời kể về các điều kiện tại các trung tâm giam giữ ở những nơi khác ở Tân Cương rất khác nhau: một số mô tả về tình trạng cấm đoán nhưng không có xâm hại thể chất, trong khi những người khác lại nói rằng họ bị tra tấn. Những lời kể như vậy rất khó được xác minh độc lập và chính quyền Tân Cương phủ nhận mọi cáo buộc về các hành vi xâm hại.

Các quan chức Trung Quốc cũng tiếp tục phủ nhận rằng họ đang giam giữ người Duy Ngô Nhĩ tùy tiện.

Ngay gần trại số 3, có thể nhìn thấy những bức tường cao và tháp canh ở nơi mà ảnh vệ tinh cho thấy là có một cơ sở giam giữ mới. Khi được hỏi chỗ đó là gì, các quan chức nói: “Chúng tôi không biết nó là cái gì”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG