Đường dẫn truy cập

Bộ Quốc phòng Việt Nam lên tiếng vụ quân nhân đi nghĩa vụ chết vì ‘tự tử’


Quân nhân Trần Đức Độ, 19 tuổi, bị cho là đã treo cổ tự tử chết khi đang đi nghĩa vụ quân sự.
Quân nhân Trần Đức Độ, 19 tuổi, bị cho là đã treo cổ tự tử chết khi đang đi nghĩa vụ quân sự.

Trả lời về trường hợp một quân nhân 19 tuổi bị cho là treo cổ tự tử chết trong lúc đi nghĩa vụ đang gây bức xúc trong công luận Việt Nam, Cục Tuyên huấn của Bộ Quốc phòng Việt Nam chiều 30/6 khẳng định “phát hiện quân nhân Trần Đức Đô đang trong trạng thái treo cổ” và cho biết “đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc”, đồng thời cảnh báo thêm rằng “các thế lực thù địch” đang lợi dụng vụ này để tạo dựng các trang tin giả.

Bị đánh chết?

Trước đó, trên các mạng xã hội Facebook và YouTube, cộng đồng mạng Việt Nam bày tỏ phẫn nộ và bức xúc sau khi nhiều video được đăng trên các trang mạng này quay lại cảnh gia đình nhận xác quân nhân Trần Đức Đô và cáo buộc trên thi thể người thân của họ có nhiều dấu hiệu nghi vấn bị đánh chết.

Trả lời báo chí trong nước vào chiều 30/6, Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Quân sự Quân khu 1 vào ngày 28/6 trong lúc đơn vị tổ chức cho bộ đội hành quân vào thao trường huấn luyện theo kế hoạch.

“Trong khoảng từ 13 giờ 45 phút đến 14 giờ ngày 28/6, đơn vị đang làm công tác chuẩn bị huấn luyện, quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy đơn vị ra ngoài đi vệ sinh (lý do đau bụng). Khoảng 14 giờ 20 phút, không thấy quân nhân Trần Đức Đô quay lại, chỉ huy đơn vị Đại đội 14 đã cử 3 chiến sĩ đi tìm. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày phát hiện quân nhân Trần Đức Đô đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện của đơn vị khoảng 50 m”, báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Cục Tuyên huấn nói.

Trong khi đó, một video đăng trên mạng xã hội về lễ tang của quân nhân Đô, người dì của anh Đô kể:

“Cháu tôi có gọi điện cho tôi, chỉ 30 giây thôi. Cháu nói rất nhanh và rất sợ. Cháu bảo là chỉ huy là hay đánh cháu đấy. Tôi có bảo là ‘Thế có sao không?’. Cháu chỉ bảo là ‘Thôi cháu không sao đâu. Đừng nói với bố mẹ cháu’. Cách mấy ngày sau, là ngày 25 (tháng 6), tôi nhận được tin nhắn như thế của cháu, báo là cháu đi Đà Lạt một tháng trời và bảo với bố mẹ cháu là một tháng sau cháu không liên lạc nữa đâu. Và 28 này lại bảo cháu tôi tự tử là thế nào?”

Các video khác được gia đình quay lại sau khi nhận xác Trần Đức Đô cho thấy thi thể của quân nhân này có nhiều vết thương trên đầu, sau gáy, trên ngực, miệng… mà theo người nhà tố cáo là “toàn chỗ hiểm” và giống như “bị tra tấn dã man”.

“Nó đánh cháu tôi… mà nó kêu là cháu tôi thắt cổ. Chết rồi, nó còn thắt cổ để báo cho người nhà là cháu tôi tự tử. Mà hôm qua cháu tôi gọi điện thoại còn cười tươi... Xin mọi người chia sẻ để cháu tôi được minh oan. Nó đánh chết cháu tôi giờ nó tạo hiện trường giả đây này...”, thân nhân của quân nhân Trần Đức Đô cáo buộc trong một video đăng trên YouTube.

Người nhà của anh Đô nói thêm rằng họ nhận được tin báo về cái chết của anh Đô sau khi anh đã chết nhiều giờ, thi thể đã cứng, và khi người nhà đến “nó còn bắt chạy lòng vòng mấy tiếng mới cho nhìn xác”.

“Yêu cầu các nhà lãnh đạo cao cấp bên Bộ Chính trị và Bộ Nội vụ phải giải quyết vụ này”, một người đàn ông tự nhận là họ hàng bên ngoại của anh Đô bức xúc nói trong lễ tang và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người dự lễ tang sau khi ông đề nghị khoan chôn hay hoả thiêu quân nhân này vì làm như vậy sẽ mất hết chứng cứ.

“Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc; đồng thời, phối hợp với gia đình lo hậu sự cho quân nhân Trần Đức Đô. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, đơn vị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc”, Cục Tuyên huấn thông báo cho báo chí hôm 30/6.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Trần Đức Hội, bố của quân nhân Trần Đức Đô cho biết gia đình vẫn đang chờ đợi kết quả khám nghiệm tử thi và thông tin chính thức từ đơn vị để biết chính xác về nguyên nhân tử vong của con trai.

Ông Hội cho biết con trai ông viết đơn xin nhập ngũ vào đầu năm 2021. Sau 3 tháng huấn luyện tại Bắc Giang, anh Đô được chuyển đến Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu 1 (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) để tiếp tục huấn luyện.

Nhưng đến chiều 28/6, ông nhận được điện thoại báo con trai đang được cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Nhưng khi gia đình đi đến bệnh viện, ông lại nhận được điện thoại hỏi con trai có mâu thuẫn gì không mà thắt cổ tự tử. Sau đó, gia đình ông được bệnh viện thông báo là Trần Đức Đô đã chết bên ngoài bệnh viện nên bệnh viện không cấp cứu, xác nhận.

"Không có chuyện bị đánh"

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng tuyên huấn Quân khu 1 khẳng định với báo chí rằng không có việc anh Đô bị đánh vì đơn vị đang huấn luyện ngoài thao trường. Quan chức quân đội này cho rằng các vết bầm trên cơ thể quân nhân này “có thể do trong quá trình treo cổ tự tử, Đô đã giãy giụa, vùng vẫy nên bị sợi dây thừng siết chặt, tạo vết hằn sâu ở cổ”, và “các vết xước trên cơ thể Đô không có tác động của ngoại lực”, báo Dân Trí đưa tin.

Bình luận về khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ này, Luật sư Nguyễn Duy Bình từ Sài Gòn nói với VOA: “Nếu cho rằng cháu Đô thắt cổ tự tử là chưa thuyết phục cả về nguyên nhân tự tử và cơ chế hình thành các vết thương vì nếu tự treo cổ thì việc giãy dụa không thể tạo nên các vết thương đó, trừ trường hợp nạn nhân tự dùng vật khác đánh mình bị thương trước lúc treo cổ”.

Theo nhận định của LS. Bình, cái chết của quân nhân Trần Đức Đô “có phần giống” với một số vụ tử vong trước đó ở các đồn công an hay trại giam vì “kết luận chưa phù hợp với cơ chế hình thành vết thương”.

Theo ông, mặc dù thực hư vụ này chưa rõ nhưng việc điều tra, kết luận vụ này “khá đơn giản”. Ông cho rằng cần phải có một cơ quan điều tra, giám định độc lập để các vụ việc tương tự được kết luận chính xác và thuyết phục hơn nhằm tạo và duy trì lòng tin nơi công chúng.

Hiện những thông tin từ Bộ Quốc phòng đưa ra đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam. Nhiều người bày tỏ bức xúc và cho rằng việc quân nhân chết “ngay tại đơn vị giữa thời bình” là không thể chấp nhận được.

Ngoài những thông tin và video clip đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, một trang fanpage trên mạng Facebook có tên “Cộng Đồng Vì Đồng Chí Trần Đức Đô” vừa mới lập đã có đến hơn 32.000 người tham gia tính đến tối 30/6.

“Không đi nghĩa vụ quân sự thì bảo là không yêu nước!! Đi xong bị đánh như thế này thì thử hỏi rằng là ai dám cho con em nữa đi bây giờ ạ?”, một tài khoản Facebook tên “Cần Một Bờ Vai” bày tỏ, đồng thời tuyên bố rằng “dù tôi có bị đánh sập đi bao cái ních thì tôi lại lập nick khác và đưa video này lên” để chia sẻ với cộng đồng mạng sau khi những video liên quan đến cái chết của quân nhân Đô được chủ tài khoản đăng lên đều bị xoá.

Đại tá Nguyễn Xuân Thìn hôm 30/6 nói với báo chí rằng “rất nhiều thế lực lập trang giả trên không gian mạng để quy chụp vụ việc”, đồng thời cảnh báo “những ai tung tin lên sẽ chịu trách nhiệm theo Luật An ninh mạng mà Việt Nam mới đưa ra và áp dụng gần đây.

VOA Express

XS
SM
MD
LG