Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Hagel đề nghị cắt giảm lớn ngân sách quốc phòng Mỹ


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói chuyện trong cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng, 24/2/14
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói chuyện trong cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng, 24/2/14
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã công bố những cắt giảm lớn nhất trong quân đội Mỹ kể từ trước Thế Chiến Thứ Hai.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã nói, trong nhiều năm nay, về nhu cầu có một lực lượng nhỏ hơn và linh hoạt hơn. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã công bố kế hoạch ngân sách cho nhu cầu đó.

Ông nói rằng đây là thời điểm cho thực tế tại Bộ Quốc Phòng, giờ đây đòi hỏi cắt giảm ngân sách tự gần 700 tỉ đôla vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan xuống 496 tỉ đôla. Ông nói:

“Đây sẽ là ngân sách đầu tiên phản ánh đầy đủ giai đoạn chuyển tiếp mà Bộ Quốc phòng thực hiện sau 13 năm chiến tranh, cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử quốc gia chúng ta.”

Nhưng những cắt giảm này vượt quá những gì Ngũ Giác Đài đã chi tiêu trước hai cuộc chiến tranh vừa kể.

Trong đó bao gồm việc cắt giảm toàn bộ phi đoàn thời Chiến tranh Lạnh ((A-10)) các phản lực cơ tấn công nguyên thủy nhằm đối phó với đoàn xe tăng của Xô Viết – và giảm bớt các binh sĩ bộ chiến từ thời kỳ sau cuộc tấn công hôm 11 tháng 9 ở cao điểm là 570 ngàn xuống khoảng giữa 440 000 tới 450 000 – mức thấp nhất từ năm 1940.

Ngoài việc cắt giảm lục quân, các lực lượng khác kể cả Thủy Quân Lục Chiến cũng được cắt giảm.

Đồng thời, ông Hagel cũng nói với các thông tín viên rằng Ngũ Giác Đài muốn tiếp tục chuyển trọng tâm chú ý tới vùng Châu Á Thái Bình Dương, tăng cường các lực lượng tác chiến đặc biệt và phòng thủ không gian mạng. Bộ trưởng Hagel nói:

“Chúng ta chọn việc giảm bớt số lượng binh sĩ và cơ cấu lực lượng trong tất cả mọi quân chủng - chính quy cũng như trừ bị - để duy trì tính cách sẵn sàng của chúng ta, tính ưu việt công nghệ cũng như để bảo vệ các khả năng quan trọng.”

Những khuyến cáo của ông Hagel được đưa ra mặc dầu một số tướng lãnh phản đối, với lập luận rằng Hoa Kỳ vẫn cần hạ tầng cơ sở để có thể chiến đấu hai cuộc chiến tranh cùng một lúc. Các tổ chức cựu chiến binh cũng phản đối việc cắt giảm phúc lợi của binh sĩ.

Những đề nghị cắt giảm này cũng còn cần được chấp thuận bởi Hạ Viện, nơi ông Hagel chắc sẽ gặp phải những chống đối mạnh mẽ bởi những người lý luận rằng những cắt giảm lớn như vậy sẽ đưa tới kết quả quân đội sẽ yếu hơn không thể đối phó với những mối đe dọa đang gia tăng nơi các đối thủ như Trung Quốc, cũng như cuộc chiến tranh đang tiếp diễn nhắm vào các phần tử tranh đấu bạo động ở Trung Đông, Châu Phi, và Nam Á.

VOA Express

XS
SM
MD
LG