Đường dẫn truy cập

Bài phát biểu của chủ tịch TQ được coi như lời phản bác những người định cải cách đảng


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài diễn văn tại buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài diễn văn tại buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh dấu kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng bằng một bài phát biểu nhấn mạnh đến sự thể chủ nghĩa Mác-xít vẫn là cốt lõi cho cá tính của đảng, và các chuyên gia phân tích coi những nhận định này là các dấu hiệu thêm nữa biểu hiện sự bất dung chấp của nhà lãnh đạo này đối với sự khai phóng chính trị.

Ông Barry Sautman, một giáo sư ngành khoa học xã hội của trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong nói:

“Không có gì trong bài phát biểu cho thấy ông Tập Cận Bình cần phải dung hòa với các phần tử ở lục địa đang tìm cách khai phóng hệ thống chính trị.”

Chẳng hạn như, trong bài phát biểu, ông Tập nói, “Không có ai đứng trên Hiến pháp ở Trung Quốc.” Những điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ xúc tiến cải cách để dung chấp một ngành tư pháp độc lập bởi vì các thẩm phán lâu nay vẫn gồm các đảng viên.”

Các lực lượng cấp tiến bên trong

Ông Sautman nói thêm: Do đó, các lực lượng cấp tiến, phần lớn từ trong nội bộ đảng và giới học thuật, có thể đề ra một mối đe dọa cho đảng và sự cai trị của ông Tập mặc dầu ông Tập và các nhà lãnh đạo lớn khác có thể coi những người cấp tiến là những lực lượng không thân thiện, mà họ cần phải thỏa hiệp.

Ông nói: “Mối đe dọa lớn nhất là điều mà trong những thời kỳ trước đây đã được gọi là tư sản hóa. Nghĩa là, cái khái niệm rằng trong số những người lãnh đạo đảng, sẽ có những người đã quyết định, vì quyền lợi riêng của mình, rằng họ muốn thay đổi một cách cơ bản hệ thống chính trị, mà trên thực tế sẽ lật đổ chế độ của Đảng Cộng sản.”

Trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cải cách và cởi mở, ông Tập cũng kêu gọi toàn quốc hoàn thành hai mục tiêu thế kỷ. Đó là xây dựng Trung Quốc thành “một xã hội tương đối thịnh vượng” về mọi mặt trước năm 2021, đặt nền móng vững chắc cho việc đạt mục tiêu thứ nhì là xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu có hơn, vững mạnh hơn và dân chủ hơn.

Theo các số liệu thống kê của chính họ, Trung Quốc ắt sẽ không có khó khăn đạt được mục tiêu đầu tiên – là tăng gấp đôi GDP vào năm 2020 – ít lâu trước khi ông Tập rời chức vào năm 2022, theo ông Trương Lập Phàn, một sử gia và nhà quan sát chính trị độc lập làm việc ở Bắc Kinh.

Nếu đạt được, mục tiêu này cũng đối trọng với mọi nỗ lực về phần các lực lượng cấp tiến muốn lật đổ chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc, theo giáo sư Sautman.

Nhưng ông Trương lập luận rằng, nếu mục tiêu thất bại, nó có thể trở thành một cái cớ thuận tiện để ông Tập kéo dài nhiệm kỳ - đó là nỗi lo sợ lớn nhất trong số những người bên trong đảng không thừa nhận ông Tập là một nhà lãnh đạo có năng lực. Ông Trương nói:

“Ông ấy có thể tìm cách làm ra vẻ có thế lực, nhưng quyền lực của ông ta không phải là vững chắc, trong bối cảnh tập đoàn cán bộ của ông thiếu kinh nghiệm, thiếu ảnh hưởng và đã làm mất lòng nhiều người.”

Quyền lực không vững của ông Tập

Nói chung, sử gia nổi tiếng này nói bài phát biểu của ông Tập phơi bày cảm nhận về khủng hoảng của ông và đảng của ông về tính hợp pháp của việc cai trị.

Ông Trương nói: “Tôi nghĩ, một bài diễn văn quan trọng như thế đã chủ yếu thể hiện sự thiếu tự tin của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tương lai của chính mình. Do đó, ông Tập phải hành sử một cách hách dịch để mọi người đoàn kết quanh ông như một cốt lõi. Ông Trương nói thêm rằng nhà lãnh đạo đứng trước một tình trạng bất mãn lan rộng, đã gây hoài nghi về vị thế cốt lõi của ông trong đảng."

Bất kể những gợi ý, công dân mạng ở Trung Quốc bày tỏ những quan điểm chủ yếu mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với việc đảng ăn mừng mặc dầu không phải có ít người chỉ trích.

Một người sử dụng Weibo than phiền rằng “lòng yêu nước một lần nữa lại bị lẫn lộn với sự trung thành đối với đảng Cộng sản.”

Một người sử dụng mạng khác lập luận rằng với 88 triệu thành viên, đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành một đảng đắt tiền nhất và đã gây tốn kém khổng lồ cho ngân quỹ nhà nước để duy trì.” Người này nói thêm rằng, khác với đảng Cộng sản Trung Quốc và các đối tác ở Bình Nhưỡng và Việt Nam, đa số các đảng cầm quyền trên thế giới gây quỹ để duy trì sự sống còn của riêng mình. Người sử dụng mạng bộc trực này kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc noi gương và đừng lãng phí công quỹ, mà ông cho là phải được sử dụng tốt nhất để thăng tiến các lý tưởng an sinh xã hội quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG