Đường dẫn truy cập

Bàn thêm về ‘mô hình Đảng trị’ hiện nay


Gần đây lãnh đạo hai nước đang “chia sẻ tương lai chung” không còn nhắc đến việc Làm chủ tập thể, xây dựng CNXH hoặc Chủ nghĩa Cộng sản mà bắt đầu nhắc nhiều đến “pháp trị”, “đức trị” và hàng loạt lời nhân nghĩa kiểu phong kiến khác.
Gần đây lãnh đạo hai nước đang “chia sẻ tương lai chung” không còn nhắc đến việc Làm chủ tập thể, xây dựng CNXH hoặc Chủ nghĩa Cộng sản mà bắt đầu nhắc nhiều đến “pháp trị”, “đức trị” và hàng loạt lời nhân nghĩa kiểu phong kiến khác.

Sau khi Liên xô sụp đổ nhiều người tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ cáo chung trên toàn thế giới. Nhưng không phải vậy, loại giống mới “cộng sản” đã tìm được một mảnh đất phù hợp để phát triển, đó là Trung Quốc...

Hôm trước tôi có viết một bài về “Nguyễn Phú Trọng và sự nguy hiểm của trường phái Đức trị” đã thu hút sự quan tâm của một số người. Nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng cho nên tôi viết bài này để làm rõ hơn sự nguy hiểm của lõi đảng trị được “tráng men” bên ngoài bằng cả Đức Trị và Pháp trị.

Giống mới trên nền đất cũ

Sau khi Liên xô sụp đổ nhiều người tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ cáo chung trên toàn thế giới. Nhưng không phải vậy, loại giống mới “cộng sản” đã tìm được một mảnh đất phù hợp để phát triển, đó là Trung Quốc với hệ thống tư tưởng đức trị và pháp Trị chuyên chế đã ăn sâu hàng ngàn năm, tiếp tục bắt rễ và sinh sôi để xây dựng một xã hội “đặc sắc Trung Quốc”.

Đức trị ở đây là gắn liền với Nho giáo mà đứng đầu là Khổng Tử và Pháp trị là nói đến thuật cai trị theo trường phái Pháp gia trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc mà đứng đầu là Hàn Phi.

Các học thuyết này đã được áp dụng, đã trở thành một phần trong cơ cấu xã hội và lối sống của người dân Trung Quốc và Việt Nam trong suốt nhiều ngàn năm qua, cho nên hiện nay xã hội vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc của nó.

Hy sinh xương máu vô bờ của nhân dân để “đả thực, phản phong” những người cộng sản đã dẹp bỏ mô hình tổ chức nhà nước phong kiến để tiến lên CNXH nhưng giờ đây nó đang lòng vòng quay trở lại.

Gần đây lãnh đạo hai nước đang “chia sẻ tương lai chung” không còn nhắc đến việc Làm chủ tập thể, xây dựng CNXH hoặc Chủ nghĩa Cộng sản mà bắt đầu nhắc nhiều đến “pháp trị”, “đức trị” và hàng loạt lời nhân nghĩa kiểu phong kiến khác.

Về bản chất, học thuyết Pháp Trị của Hàn Phi đang tiếp tục tham gia vào củng cố quyền uy của chế độ cộng sản bằng việc làm cho người ta sợ. Ông được ví như Niccolo Machiavelli của Châu Á và tác phẩm “Hàn Phi Tử” của ông có thể sánh ngang với Quân Vương (The Prince)

Bài viết trên The Diplomat của Ryan Mitchell cho rằng Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực bằng cách đi giữa Mao và Đặng, nhặt nhạnh và kết hợp giữa Pháp gia và Nho gia, để xác định tính chính danh lãnh đạo của mình hầu tạo ra một không không gian rộng hơn, quyền lực tuyệt đối hơn.

Điều đó vừa đáp ứng được nhu cầu khát khao điều tốt của trường phái Đức trị, lại vừa tạo sự sợ hãi vừa đủ của những người theo Pháp gia mà các “thần dân” vẫn hướng về nó như một sự hoài niệm. Bởi vậy khi các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình hay Nguyễn Phú Trọng lên tiếng nói về Đức trị, pháp trị và cả sự kết hợp cả 2 trường phái trong việc quản trị quốc gia thì nhận được sự đồng vọng của một số đông dân chúng.

Do đã xảy ra khá nhiều cuộc tranh luận về “Pháp quyền hay Pháp trị” và cách dịch “Rule of Law” hay “Rule by Law”, cho nên tôi không đi sâu vào các khái niệm đó nữa mà đưa ra 2 thuật ngữ bình dân là: “The king is law” và “The law is king”.

Vua là luật pháp (The king is law)

Trong xã hội Pháp trị chuyên chế trung ương tập quyền thì Vua chính là luật pháp (The King is law). Hàn Phi từng khẳng định mệnh lệnh của Vua là quan trọng nhất và Pháp luật không thể chu toàn cả công và tư (Ngôn vô nhị quý, Pháp bất lưỡng thích).

Hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng cho rằng Cương lĩnh của đảng là quan trọng nhất, đứng trên cả Hiến pháp. Ở Việt Nam và Trung Quốc đang có một “ông vua tập thể” là Bộ Chính trị của ĐCS. Tôi tạm gọi là vua-đảng (party-king).

Đảng làm ra luật pháp, thực hiện luật pháp và đảng giải thích luật pháp. Thật vậy: Đảng cộng sản đã bầu lên khoảng tầm 18 Uỷ viên bộ chính trị, 180 Uỷ viên Trung ương và 500 đại biểu quốc hội. Sau đó đảng chỉ đạo cho các đại biểu quốc hội ban hành pháp luật để cai trị dân chúng, rồi cho các UVTW đảng (mà hầu hết là chủ tịch và bí thư ở các tỉnh thành phố) thực thi pháp luật, cuối cùng đảng cũng thay mặt cả cơ quan tư pháp xét xử và giải thích pháp luật.

Đảng đặt ra Điều 4 trong Hiến pháp, quy định sự lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và Xã hội. Đảng cũng hoà quyện giữa pháp quyền và pháp trị bởi vì quy định sự lãnh đạo cũng phải trong khuôn khổ pháp luật, nhưng Luật về hoạt động của Đảng cộng sản thì chưa ra đời. Có lẽ mãi mãi sẽ không thể ra đời, hoặc được ban hành thì tự nó đã có khuynh hướng tạo nên sự thiên vị cho chính nó.

Trong xã hội phong kiến có một ông vua trong xã hội Cộng Sản ngày nay, có một ông vua tập thể là đảng. Ông “vua đảng” này hiện nay chính là luật pháp, nhưng ngược lại với “The king is law” là “The law is king”

Luật pháp là vua (The law is king)

Nhờ những tiến bộ của khoa học và các nhà tư tưởng lớn ở Thời kỳ Khai sáng như John Locke, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau… mà thế giới đã dần dần chuyển sang một hình thức phát triển mới.

Các cuộc cách mạng cùng với chủ nghĩa tư bản ra đời, lật đổ chế độ phong kiến và loài người đã bắt đầu theo đuổi các giá trị như tự do, bình đẳng, bác ái với các mô hình quản trị Nhà nước tiên tiến.

Theo đó sự thượng tôn của pháp luật (rule of law) dần dần được đề cao. Pháp luật đứng trên tất cả và mọi người thì đều bình đẳng trước pháp luật. Từ khi chuyển sang chế độ Cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại Nghị hoặc hỗn hợp thì nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến lớn về tự do cá nhân, sự giàu có và đem lại thịnh vượng chung cho toàn nhân loại.

Trong chế độ cộng sản, thì nguồn của luật chính là từ nghị quyết của Đảng. Những câu chữ của trong cương lĩnh, điều lệ hoặc nghị quyết sẽ được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư và xuống tận các văn bản hành chính của cấp UBND Xã.

Trong xã hội tự do và thì nguồn của luật chủ yếu là “nương” theo luật tự nhiên. Tự nhiên ở đây có lẽ bắt nguồn từ tuyên bố rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Taọ hoá cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Các quyền đó là quyền tự nhiên của con người và là nền tảng tạo thành các văn bản quan trọng nhất của một quốc gia, nó ghi nhận nhân phẩm của con người là ngang nhau bất luận họ là ai và xuất thân như thế nào, cũng từ đó luật pháp quy định các hành vi ứng xử công bằng.

Trong khi Tam quyền phân lập là nguyên tắc cơ bản, là xương sống cho việc tổ chức quyền lực nhà nước tư sản thì ở chế độ cộng sản, quyền lực là tập trung và thống nhất trong Đảng cộng sản. Đảng đứng ra “phân công, phân nhiệm, phối hợp và kiểm soát” các nhánh quyền này.

Hệ thống cai trị của “Vua đảng”

Một số người hỏi tôi rằng Việt Nam là nước Cộng hoà tổng thống, Cộng hoà Đại nghị hay Cộng hoà hỗn hợp? Tôi không thể trả lời chính xác nhưng căn cứ theo Điều 69 Hiến pháp thì có thể khẳng định về hình thức Việt Nam là chế độ Đại nghị, tức là quyền lực được trao cho các đại diện của dân.

Thế nhưng không phải như vậy, đảng cộng sản mới thực sự là một đại diện của Nhà nước và toàn bộ Nhân dân vì họ cử ra các đại diện cho dân, đặt ra luật pháp, thi hành luật và tham gia giải thích luật. Thậm chí Đảng tự coi mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc.

Song song với việc nguỵ tạo ra một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng tiếng hành tiến hành kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và quyền tự do ngôn luận, quy hoạch báo chí, đẩy các nhà báo phải tự kiểm duyệt cao độ, lùng bắt và hạn chế tối đa tiếng nói bất đồng trên mọi không gian.

Giờ đây, khi dõi mắt nhìn một nhóm người co cụm trên tầng cao, một mặt theo Nho gia rao giảng đạo đức, mặt khác dùng Pháp gia để xử nhau quyết liệt còn “thần dân” chỉ biết đứng ngoài cuộc, tiêu khiển qua ngày, tôi dự cảm về một tương lai rất nhọc nhằn cho đất mẹ Việt Nam.

  • 16x9 Image

    Lê Quốc Quân

    Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.

    Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.

    Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.

    Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.

    Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG