Đường dẫn truy cập

Hải quân Mỹ: Thuỷ thủ tàu sân bay thăm Đà Nẵng có thể ‘phơi nhiễm’ COVID-19 từ du khách Anh


Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt "hoàn thành tốt đẹp" chuyến thăm kéo dài 5 ngày vào tháng 3/2020, theo Đại sứ quán Mỹ. Báo cáo của Hải quân Mỹ nói có thể các thuỷ thủ đoàn bị "phơi nhiễm" COVID-19 từ du khách Anh ở Đà Nẵng. (Photo US Embassy Hanoi)
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt "hoàn thành tốt đẹp" chuyến thăm kéo dài 5 ngày vào tháng 3/2020, theo Đại sứ quán Mỹ. Báo cáo của Hải quân Mỹ nói có thể các thuỷ thủ đoàn bị "phơi nhiễm" COVID-19 từ du khách Anh ở Đà Nẵng. (Photo US Embassy Hanoi)

Sự bùng phát virus corona trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể bắt đầu từ chuyến thăm Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua, theo một báo cáo của hải quân Mỹ mà VOA được xem.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 8/3 thông báo cho tàu Theodore Roosevelt rằng “các thuỷ thủ có thể đã bị phơi nhiễm với COVID-19 trong thời gian ở tại một khách sạn ở Đà Nẵng nơi có hai công dân Anh xét nghiệm dương tính với COVID-19,” theo báo cáo.

Cùng ngày hôm đó, truyền thông Việt Nam cho biết hai du khách người Anh lưu trú tại khách sạn VanDa ở Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 17 mắc COVID-19 tại Việt Nam.

Sau đó, ban lãnh đạo của tàu Theodore Roosevelt xác định được 37 thuỷ thủ đã ở khách sạn VanDa, nơi có hai du khách người Anh nhiễm virus corona, và có thể đã ở trong khoảng cách 2m với hai công dân Anh này trong hơn 10 phút. Theo báo cáo, các thuỷ thủ này sau đó được Bộ y tế Việt Nam kiểm tra xét nghiệm và sau khi nhận kết quả âm tính được cách ly trên tàu Theodore Roosevelt.

Sau khi rời Việt Nam, theo báo cáo cho biết, các thuỷ thủ nếu phát triển các triệu chứng giống bệnh cúm được yêu cầu đưa đi khám sức khoẻ và xét nghiệm. Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ, không đưa ra một kết luận cuối cùng nào về nguồn gốc lây nhiễm trên Theodore Roosevelt. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc hồi cuối tháng 3 được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng phía Mỹ để ngỏ khả năng thuỷ thủ tàu sân bay Theodore Roosevelt có thể mắc COVID-19 “từ một nguồn khác.”

Báo cáo của Hải quân Mỹ cũng cho biết rằng kể từ khi chiến hạm này rời Việt Nam vào ngày 9/3 tới 23/3, 7 chuyến bay của các máy bay giao nhận từ căn cứ không quân Clark Air Force Base ở Philippines đã đưa tổng cộng 29 hành khách và các nhân viên của nhóm giao nhận lên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt.

Tới ngày 13/4, 585 thuỷ thủ trên tàu Theodore Roosevelt đã xét nghiệm dương tính với virus corona. Hạm trưởng, Đại tá Brett Crozier, đã bị cách chức sau khi viết một tâm thư kêu cứu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/4 nói rằng hàng không mẫu hạm với thuỷ thủ đoàn hơn 5.000 người đáng lẽ không nên ghé thăm Việt Nam sau khi có tin một thuỷ thủ tử vong vì nhiễm COVID-19. Ông Trump nói ông “không biết đó là ý tưởng của ai nhưng đó không phải là ý tưởng hay giữa lúc đại dịch.”

Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ, nói rằng khi chuyến thăm diễn ra, Việt Nam thông báo ghi nhận 16 ca nhiễm virus Corona ở miền bắc, và rằng Đô đốc Phil Richardson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đã ra quyết định thực hiện chuyến thăm.

Hải quân Mỹ viết trong báo cáo rằng tại thời điểm tàu Theodore Roosevelt ghé thăm Đà Nẵng, không có bất kỳ một lệnh hạn chế nào từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng hay CDC đối với việc du hành của công dân Mỹ tới Việt Nam. Trước đó vào ngày 27/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington cho biết rằng CDC của Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Trước khi tới Đà Nẵng, các thuỷ thủ của tàu Theodore Roosevelt đã được huấn luyện về COVID-19, theo báo cáo của Hải quân Mỹ.

Hàng không mẫu hạm này tới Đà Nẵng ngày 5/3 và theo báo cáo, vào ngày 3/3 có hai nhóm “khách quý” lên tàu gồm 17 người Việt do chính phủ Việt Nam đề cử và 14 thành viên Mỹ của nhóm chuẩn bị cho chuyến thăm của tàu Theodore Roosevelt tới Đà Nẵng.

Tất cả các cuộc giao lưu được lên kế hoạch giữa các nhóm điều hành bay, cứu hoả và dự báo thời tiết liên quan đến các tour thăm quan tàu Theodore Roosevelt đều bị huỷ bỏ vì lo ngại về COVID-19 hoặc tình trạng biển, báo cáo viết. Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ “nổi tiếng” đã thay đổi chương trình biểu diễn để hỗ trợ chỉ thị từ phía Việt Nam nhằm tránh việc tụ tập đông người cũng do lo ngại về virus.

Theo đại sứ quán Mỹ, Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu USS Bunker Hill đã hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm kéo dài 5 ngày được lên kế hoạch từ trước đến Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày 9/3. Chuyến thăm nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, diễn ra tiếp sau chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tàu Theodore Roosevelt trở thành hàng không mẫu hạm Mỹ thứ 2 tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 45 năm. Chiến hạm Mỹ đầu tiên cập cảng Đà Nẵng sau năm 1975 là USS Carl Vinson trong chuyến thăm vào tháng 3/2018.

Đầu tháng này, tàu Theodore Roosevelt đã ra khơi trở lại trên Thái Bình Dương sau thời gian khủng hoảng vì vụ bộc phát dịch COVID-19 khiến hàng không mẫu hạm này án binh bất động trong khoảng 10 tuần.

VOA Express

XS
SM
MD
LG