Đường dẫn truy cập

Báo chí đón Đoàn Thị Hương như ‘ngôi sao’, gây ‘bão’ mạng


Đoàn Thị Hương, người đã phải ngồi trong nhà giam ở Malaysia hơn 2 năm vì bị nghi giết hại Kim Jong Nam - người anh cùng cha khác mẹ của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, trong vòng vây của báo chí tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 3/5.
Đoàn Thị Hương, người đã phải ngồi trong nhà giam ở Malaysia hơn 2 năm vì bị nghi giết hại Kim Jong Nam - người anh cùng cha khác mẹ của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, trong vòng vây của báo chí tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 3/5.

Hình ảnh cô Đoàn Thị Hương “rạng rỡ” trở về trong vòng vây của báo chí ở sân bay Nội Bài hôm 3/5 đã thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người dùng mạng xã hội không đồng tình với việc nghi phạm vụ giết ông Kim Jong Nam được chào đón như một “ngôi sao” hay “nữ anh hùng”.

Cô Hương, một trong 2 nữ nghi phạm của vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, được trả tự do hôm 3/5 sau hơn 2 năm bị giam giữ tại một nhà tù ở Malaysia. Nghi phạm 31 tuổi của Việt Nam bị tuyên án 3 năm 4 tháng tù, sau khi tội danh giết người với mức án cao nhất là tử hình của cô được chuyển sang “cố ý gây thương tích bằng phương tiện hoặc vũ khí nguy hiểm” trong một nỗ lực được coi là “thắng lợi” về ngoại giao của Việt Nam.

Chờ đợi cô Hương ở sân bay Nội Bài tối 3/5, có rất đông báo chí và họ ghi nhận được sự xuất hiện “rất rạng rỡ” của cô, theo Tuổi Trẻ.

Trả lời truyền thông tại sân bay, cô Hương nói “cảm thấy hạnh phúc” khi trở về Việt Nam.

Các bài báo với dòng tít như “Đoàn Thị Hương rạng rỡ về Việt Nam” của Dân Việt hay “Đoàn Thị Hương trong vòng vây của báo chí đêm trở về Hà Nội” của Báo Pháp Luật, với những hình ảnh của cô trong chiếc áo khoác trắng, quấn khăn choàng cổ, đeo kính đen, cười và vẫy tay mọi người.

Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng những hình ảnh đó gây phản cảm, khi một nghi phạm giết người vừa được tha khi trở về nước lại được chào đón như vậy.

Theo một người dùng Facebook có tên Phạm Thị Mỹ Lan, truyền thông “đang đẩy (Hương) lên quá đà để câu view.”

“Hương được tha tù sớm, ừ thì mừng cho cô ấy và tự tin về vị thế của nền ngoại giao nước nhà nhưng không thể tung hô, cổ vũ cô ấy như một người hùng, như một minh tinh trở về tổ quốc được,” Luật sư Nguyễn Thúy Kiều viết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 3/5.

Nói với VOA, nữ luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội nói rằng việc tung hô như vậy là “phản cảm”.

“Một người như cô ấy là phạm tội. Tội giết người là tội nghiêm trọng. Tước đi tính mạng của một con người thì lẽ ra phải ăn năn hối cải, phải có thái độ thành khẩn và xin lỗi các công dân và các lãnh đạo nhà nước hay thân nhân của người đã chết thì cô ấy lại có thái độ như vậy.”

Một người như cô ấy là phạm tội. Tội giết người là tội nghiêm trọng. Tước đi tính mạng của một con người thì lẽ ra phải ăn năn hối cải, phải có thái độ thành khẩn và xin lỗi.
Nguyễn Thúy Kiều, LS Đoàn Luật sư Hà Nội

Bà Kiều cho rằng việc báo chí đăng tin như vậy sẽ làm cho cô Hương “không biết lỗi của mình” và “phản cảm đối với những gia đình mất người thân”. Là một người sinh ra ở Nam Định, cũng là quê của cô Hương, nữ luật sư này cho rằng cô Hương đã “làm xấu đi hình ảnh của phụ nữ Việt Nam nói chung và những người phụ nữ Nam Định nói riêng.”

Trong khi đó, võ sỹ Đoàn Bảo Châu, một người thường lên tiếng về các vấn đề xã hội, cho rằng do thấy công luận quan tâm mà các cán bộ nhà nước đi đón cô Hương lại “chu đáo một cách quá mức cần thiết, tốn thời gian và tiền bạc để chào đón cô ấy.”

Viết trên Facebook cá nhân, ông Châu cũng nhận định rằng cô Hương được đón như một “ngôi sao”, một “nữ anh hùng.”

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí hôm 4/5 về sự kiện này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định rằng các cơ quan có liên quan được giao nhiệm vụ đưa cô Hương về nước chứ không phải “đón rước gì cả”, theo Tuổi Trẻ.

Đạo đức xã hội đang xuống cấp khi tội phạm lên ngôi, được đưa đón như những người anh hùng.
Khởi vũ, người dùng mạng Facebook

Ông Dũng cũng cho biết rằng việc cô Hương được tòa án Malaysia tuyên bố phóng thích và trở về nước là “thắng lợi trong quá trình chỉ đạo liên quan đến công tác bảo hộ công dân” của Việt Nam.

Một người dùng Facebook có tên Khởi Vũ cũng lên tiếng bất bình về sự việc này khi cho rằng “quyền bảo hộ không đồng nghĩa với việc phải đi đón và tung hô kẻ giết người ầm ỹ như vậy.” Facebooker này nhận định rằng “đạo đức xã hội đang xuống cấp khi tội phạm lên ngôi, được đưa đón như những người anh hùng.”

Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ sự cảm thông đối với cách hành xử khi trở về của cô Hương.

Facebooker có tên Hồ Hải cho rằng “người thoát án tử hình vui là đúng thôi chỉ có điều cháu còn trẻ biểu lộ chưa khiêm tốn. Chỉ trách cán bộ và truyền thông khuyếch trương làm to chuyện.”

Cảnh báo về một tác động lớn hơn của việc “tung hô” một tội phạm, luật sư Kiều bày tỏ lo ngại rằng việc này sẽ tạo ra “một tiền lệ xấu cho lớp trẻ”.

“Nếu cổ vũ và ủng hộ cho Đoàn Thị Hương như thế này thì vô hình chung những người muốn nổi tiếng có thể bất chấp và làm những sai phạm để được nổi tiếng như thế. Cái đấy sẽ tạo thành tiền lệ xấu và vô tình khích lệ những người thuộc lớp trẻ mà chưa được rèn rũa và chưa có đủ nghị lực rơi vào những cạm bẫy và những hành động sai lệch.”

Trước cô Hương, sau khi được phóng thích và trở về nước, đồng nghi can người Indonesia Siti Aisyah hồi tháng Ba đã được đích thân Tổng thống Joko Widodo đón tiếp tại phủ tổng thống.

VOA Express

XS
SM
MD
LG