Đường dẫn truy cập

Bất chấp lời kêu gọi từ chức, Tổng thống Macron cố gắng tìm thủ tướng mới


Tổng thống Emmanuel Macron trong bài diễn văn trước quốc dân hôm 5/12
Tổng thống Emmanuel Macron trong bài diễn văn trước quốc dân hôm 5/12

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/12 đã bắt đầu nỗ lực mới nhất để tìm kiếm thủ tướng khi đảng Xã hội trung tả báo hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia một liên minh chính phủ rộng lớn, làm dấy lên căng thẳng bên trong khối cánh tả ngày càng mong manh.

Ông Macron trong tuần này đã bác bỏ yêu cầu từ chức để xử lý cuộc khủng hoảng chính trị của Pháp, nói rằng Thủ tướng bảo thủ Michel Barnier đã bị ‘mặt trận chống cộng hòa’ của phe cực hữu và cực tả đẩy ra khỏi chức vụ.

“Chúng tôi đến để nói rằng chúng tôi muốn có các chính sách cánh tả với một thủ tướng cánh tả và đây là thông điệp mà ông ấy (Macron) cần hiểu vào lúc này sau khi ông ấy chọn Michel Barnier,” Chủ tịch Đảng Xã hội Olivier Faure nói sau cuộc gặp với tổng thống.

Trong dấu hiệu cho thấy chiều hướng chính trị đang thay đổi, ông Faure cho biết ông sẵn sàng ủng hộ một chính phủ rộng lớn hơn vì ‘mọi người có thể thấy’ bế tắc chính trị hiện tại đang gây hại cho nước Pháp, nhưng cũng nói thêm rằng ông không thể làm việc với một thủ tướng cánh hữu khác ‘trong bất kỳ hoàn cảnh nào’.

Tìm cách thoát khỏi thế bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử sớm hồi mùa hè này, các đồng minh của ông Macron đã cố gắng trong nhiều tháng để chia rẽ giữa liên minh cánh tả là Mặt trận Bình dân Mới (NFP), thúc giục Đảng xã hội cắt đứt quan hệ với đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) có lập trường cấp tiến hơn.

Jean-Luc Melenchon, nhà lãnh đạo quyết liệt của LFI, đã chỉ trích ông Faure vì đã nói chuyện với tổng thống, viết trên mạng xã hội rằng: “Không có điều gì mà ông ấy đang làm là nhân danh chúng tôi hoặc nhân danh Mặt trận NFP.”

Trong bài phát biểu vào giờ vàng hôm 5/12, ông Macron cho biết ông sẽ công bố một thủ tướng mới trong những ngày tới để thay thế ông Barnier, vốn vừa bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi các nghị sỹ tức giận vì dự luật ngân sách năm 2025 mà ông trình ra vốn chủ trương thắt lưng buộc bụng.

Nhưng vẫn còn phải xem làm thế nào ông Macron có thể tập hợp đủ ủng hộ trong Quốc hội để thông qua ngân sách, hoặc bổ nhiệm một thủ tướng có thể trụ được lâu.

Thâm hụt ngân sách của Pháp đã tăng lên trong năm nay, gây lo lắng cho thị trường tài chính, nhưng nếu kế hoạch kiểm soát thâm hụt ngân sách không thông qua được sẽ khiến chi phí đi vay của Pháp sẽ tăng cao hơn nữa.

Phe Xã hội, đảng cánh tả ôn hòa với 66 ghế trong Quốc hội, đã bỏ phiếu lật đổ ông Barnier trong tuần này, nhưng phe này có thể nổi lên như phe quyết định ai sẽ trở thành thủ tướng.

Nếu ông Macron có thể giành được sự hậu thuẫn của họ, một thủ tướng mới có thể sẽ giành đủ thế đa số để chặn các động thái bỏ phiếm bất tín nhiệm từ Đảng Tập hợp Dân tộc cực hữu của bà Marine Le Pen và các thành phần cánh tả khác.

Ông Faure nói rằng Macron cũng nên tìm cách tranh thủ Đảng Xanh và Đảng Cộng sản.

Tổng thống Macron, vốn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị của Pháp hồi tháng 6 bằng cách tuyên bố bầu cử sớm vốn đã khiến Quốc hội Pháp lâm vào tình thế treo, đã tỏ thái độ thách thức trong bài diễn văn trước quốc dân hôm 5/12.

“Tôi biết rõ rằng một số người muốn đổ lỗi cho tôi về điều này, làm vậy dễ chịu hơn nhiều,” ông nói.

Nhưng ông nói rằng ông sẽ ‘không bao giờ lãnh trách nhiệm’ của các nghị sỹ vốn đã quyết định lật đổ chính phủ của ông Michel Barnier chỉ vài ngày trước Lễ Giáng sinh. Động lực duy nhất của họ, ông nói thêm, là cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.

Chính phủ tiếp theo sẽ theo đuổi dự luật ngân sách năm 2025 vào đầu năm mới, ông nói, để ‘người dân Pháp không phải trả giả cho kiến việc bỏ bất tín nhiệm này’.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG