Đường dẫn truy cập

Bầu cử Mỹ: Điểm chung của các ứng cử viên là chống Trung Quốc


Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.
Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.

Trong lúc cử tri Mỹ sẵn sàng cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, các ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang hứa hẹn có các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc với hy vọng thu hút cử tri.

Thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng xuống dốc trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi bùng phát virus corona vào năm 2020. Dữ liệu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, năm nay, 82% người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc, mức cao lịch sử. Năm năm trước, con số đó là khoảng phân nửa, ở mức 47%.

Các cuộc thăm dò cho thấy những quan điểm tiêu cực đó được chia sẻ bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đó là lý do tại sao các ứng cử viên của cả hai đảng đều nói về Trung Quốc và sức mạnh kinh tế đáng gờm của Bắc Kinh.

“Chúng ta phải thôi yếu thế trước Trung Quốc. Chúng ta phải thôi chuyển công ăn việc làm của người Mỹ cho những người ghét chúng ta”, ông J.D. Vance, ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, người được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, nói.

Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, dân biểu đương nhiệm Tim Ryan, cũng chỉ trích như vậy.

“Chúng ta và Trung Quốc. Trung Quốc đang sản xuất vượt quá chúng ta, và đã đến lúc chúng ta phải phản công,” ông Ryan nói. Cả hai ứng cử viên này đều ủng hộ việc duy trì mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Tại Pennsylvania, Phó Thống đốc Dân chủ John Fetterman nói ông sẽ “làm việc để đảm bảo rằng chúng ta không cho phép Trung Quốc vượt qua chúng ta về sáng tạo”. Đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ, bác sĩ Mehmet Oz, đã đưa lập trường “cứng rắn với Trung Quốc” thành một trong những thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử.

Tại Missouri, Tổng Chưởng lý tiểu bang Eric Schmitt gọi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng về quân sự, kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Đối thủ của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, đảng viên Dân chủ Trudy Busch Valentine, chỉ trích ông Schmitt ủng hộ luật cho phép nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp mà theo bà đã cho phép các công ty do Trung Quốc kiểm soát mua hơn 100.000 mẫu đất Missouri.

Tại Arizona, ứng cử viên Cộng hòa Blake Masters khẳng định rằng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Mark Kelly là người ủng hộ chính đối với Đạo luật Khoa học và CHIPS, một biện pháp nhằm đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.

Ông Dean Chen, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ramapo, New Jersey, nói với VOA rằng: “Trung Quốc là vấn đề hàng đầu và vấn đề trung tâm trong cuộc bầu cử này.”

“Khi các chiến dịch trở nên phân cực và có tính cạnh tranh cao, cần phải có một vấn đề đủ nổi bật để có thể thu hút sự chú ý. Luôn dễ dàng hơn khi tìm ra kẻ thù chung bên ngoài để đoàn kết các cử tri địa phương hậu thuẫn họ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Frank Sesno, giáo sư truyền thông và giám đốc các sáng kiến chiến lược tại Đại học George Washington, cho biết Trung Quốc đang ngày càng được nói nhiều trong lĩnh vực an ninh quốc gia và ít thấy bị đưa vào vấn đề cơ hội kinh tế.

“Trung Quốc ngày càng được định vị là một mối đe dọa quốc gia. Không chỉ đơn thuần là một nước cạnh tranh mà là một nước đối thủ. Tôi có thể nói rằng sự miêu tả đã tăng cường và nó dường như là một chủ đề ngày càng tăng của cả hai bên,” ông nói với VOA.

‘Sự đoàn kết hiếm có của lưỡng đảng’

Theo nghiên cứu của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một nhóm công nghiệp hỗ trợ các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, số lượng các dự luật liên quan đến Trung Quốc được các nhà lập pháp Hoa Kỳ xem xét đã tăng đáng kể trong 5 năm qua.

Từ năm 2001 đến năm 2017, số dự luật liên quan đến Trung Quốc được mỗi Quốc hội xem xét dao động trong khoảng 200 đến 250. Kể từ năm 2017, con số đó đã tăng vọt lên khoảng 639 dự luật trong Quốc hội vừa qua và hơn 700 dự luật trong Quốc hội lần này.

Chính quyền ông Biden đã thông qua một số dự luật quan trọng liên quan đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52,7 tỷ đô la đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển chất bán dẫn trong nước để chống lại các khoản bao cấp khổng lồ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip của nước này.

Đạo luật Phòng thủ Khả năng Quan trọng Quốc gia tìm cách thiết lập một quy trình xem xét các công ty Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài, nhằm ngăn chặn vốn của Hoa Kỳ chảy sang các công ty công nghệ Trung Quốc.

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương nhập cảnh Mỹ.

Cả ba văn kiện luật này đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa.

Ông Dan Schnur, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nói: “Điều thú vị nhất về tình cảm đối với Trung Quốc trong nền chính trị của đất nước này đó là một điểm thống nhất hiếm hoi của lưỡng đảng.” Ông đã làm việc trong bốn chiến dịch tranh cử tổng thống và ba chiến dịch tranh cử thống đốc với tư cách là một trong những nhà chiến lược chính trị hàng đầu của California.

Ông nói với VOA: “Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ vấn đề nào khác mà hai đảng gạt bỏ sự khác biệt của họ, đặc biệt là trong một năm bầu cử.”

Ông Schnur nói lá bài “cứng rắn với Trung Quốc” đang được đón nhận đặc biệt tích cực ở miền trung nước Mỹ, bởi vì vùng thượng Trung Tây là cơ sở của năng lực sản xuất. Nhưng trong vài thập niên qua, nhiều công việc sản xuất trong số đó đã rời khỏi Hoa Kỳ để đi đến các khu vực khác trên thế giới.

Ông giải thích: “Khi bạn có một cử tri thuộc tầng lớp lao động không cảm thấy toàn cầu hóa này có lợi cho họ, thì ứng cử viên của một trong hai bên sẽ khá dễ dàng nỗ lực khai thác những tình cảm này.”

Bà Anna Tucker Ashton, giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc tại Eurasia Group, đồng ý với quan điểm này.

Bà nói với VOA: “Đó là nơi có cảm giác rõ ràng nhất rằng việc làm của Hoa Kỳ được trao cho Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm của người Mỹ và việc giảm chất lượng cuộc sống nói chung trong các cộng đồng này có liên quan trực tiếp đến việc không cứng rắn với Trung Quốc.”

Tổ chức thăm dò Pew cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc gắn liền với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

Giáo sư Sesno nói việc Bắc Kinh thay đổi các chính sách cứng rắn sẽ cải thiện các quan hệ.

“Người Trung Quốc đang thúc đẩy điều này. Những điều đang khiến những con số đó (tỉ lệ không thiện cảm với Trung Quốc) tăng lên là chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, luận điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, nhiệm kỳ Tập Cận Bình lần thứ ba, và giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh,” ông nói với VOA. “Vì vậy, điều này không xảy ra tách biệt với các sự kiện khác, và nó không xảy ra đơn thuần vì chính trị Mỹ.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG