Trong lịch sử bầu cử Mỹ, hiếm khi một vấn đề phi truyền thống như dịch bệnh lại có sức chi phối lá phiếu của cử tri Mỹ cũng như định hình cả cuộc bầu cử như dịch Covid-19.
Bắt đầu từ mùa xuân năm 2020 mà chưa có dấu hiệu lắng dịu, virus corona đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Mỹ, làm thay đổi chương trình nghị sự của Nhà Trắng và nhất là có tác động lớn đến lá phiếu của cử tri.
Một cuộc khảo sát của Cheddar/Survey USA giữa tháng 10 cho thấy dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Mỹ. Trong khi đó, kinh tế, lĩnh vực mà đương kim Tổng thống Donald Trump có thế mạnh, bị đẩy xuống hàng thứ hai. Trên thực tế, Covid-19 là một chủ đề chi phối các cuộc tranh luận tổng thống.
Hôm 30/10, tức 4 ngày trước bầu cử, Mỹ đã ghi nhận con số nhiễm mới ở mức kỷ lục là hơn 100.000 ca trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 9 triệu trong khi số người chết cũng lên đến 230.000 người tính đến cuối tháng 10. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Trong khi Tổng thống Trump cho rằng nước Mỹ đã ‘vượt qua khúc quanh’ (turn the corner) về dịch bệnh và cần ‘học cách chung sống với Covid-19’, chiến dịch của ông Biden cho rằng thành tích chống dịch của chính quyền Trump là ‘thất bại thảm hại nhất trong các đời tổng thống Mỹ’.
‘Bị chính trị hóa’
Có mặt tại Little Saigon những ngày này, chúng tôi nhận thấy cuộc sống ở đây dường như đã trở lại bình thường như trước khi có dịch. Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn còn hiện hữu là nhiều người đã đeo khẩu trang nơi công cộng và nhiều cửa tiệm, hàng quán bắt buộc khách phải mang khẩu trang mới cho vào.
Đa số các nhà hàng vùng Little Saigon đã mở cửa cho khách vào ăn bên trong. Tại một quán ăn khuya có tên là Ốc&Lẩu, khách hàng ken đặc không còn một chỗ trống mặc dù các bàn được ngăn cách với nhau bằng tấm màn nhựa và trên mỗi bàn đều có đặt dung dịch sát khuẩn.
Tại một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước Thương xá Phước Lộc Thọ, một số người vẫn không đeo khẩu trang mặc dù khi tuần hành họ giữ khoảng cách với nhau.
Anh Ryan Tăng, một nhân viên chính phủ tham gia tuần hành, nói với chúng tôi anh phải ra xem tình hình trước coi có an toàn không rồi mới cho vợ con tham gia và bản thân gia đình anh chỉ đứng ngoài rìa cuộc tuần hành.
Cũng có mặt trong buổi tập hợp đó, ông Bùi Mạnh Cường, nhà môi giới bất động sản và là tiếng nói bình luận thời sự-chính trị trên các kênh truyền thông địa phương, giải thích với chúng tôi rằng ông lúc nào cũng thủ sẵn khẩu trang nhưng không đeo mà chỉ khi nào ‘bị bắt buộc mới đeo’.
“Tôi thấy vấn đề đeo khẩu trang hay Covid đã bị chính trị hóa,” ông Cường phân bua khi tiếp chúng tôi ở văn phòng làm việc của ông. Trong văn phòng có hơn một chục nhân viên và tất cả đều không đeo khẩu trang. “Họ như vậy cả mấy tháng nay rồi mà có cái gì đâu?” ông nói.
“Covid-19 có hiện hữu nhưng không quá trầm trọng như người ta nói. Ngoài ra những trường hợp không phải Covid mà chết vì bệnh này bệnh kia nhưng các cơ quan y tế lợi dụng cơ hội để làm tiền chính phủ,” ông nói thêm.
Ông nói việc các bác sỹ Mỹ, lâu nay có tiếng là có lương tâm và trung thực, có hành động như vậy là ông ‘nghe lại từ những người quen biết làm trong nhà thương hay con cái làm bác sỹ’.
Ông Cường, hiện đã ngoài 70 tuổi, cho biết ông đã đi ra ngoài tiếp xúc khách hàng, đến nơi đông người, đi du lịch đến tiểu bang khác, tụ tập bạn bè ăn uống ở nhà với hàng chục người cũng ‘gần cả tháng nay rồi’.
‘Sẽ hết sau bầu cử’
“Nếu không có cuộc bầu cử này thì vấn đề Covid nó không có lớn như vậy,” ông nhận định và tiên đoán ‘Covid sẽ xẹp dần sau ngày bầu cử’.
Khi được hỏi về cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ rằng nước Mỹ sẽ thấy dịch bệnh tăng cao trở lại trong thời gian tới, ông cho rằng ‘các nhà khoa học có trách nhiệm nên thường phải nói nhiều hơn thực tế’.
“Các vị ấy ngồi bàn giấy nói về các con số thống kê nhưng Tổng thống Trump đã nói là tin giả rất nhiều vì lý do tiền bạc, quyền lợi của các cơ sở đó,” ông giải thích.
Một dẫn chứng ông đưa ra để chứng minh ‘Covid không nghiêm trọng’ là bản thân Tổng thống Trump bị nhiễm bệnh ‘chỉ có 2-3 ngày thôi đã ra viện’,
“Nếu chữa trị tốt và đúng lúc thì không có vấn đề gì,” nhà môi giới nhà đất này nói và dẫn chứng thêm trong nhóm bạn bè của ông đi cắm trại chung cách nay một tháng có ‘vài người bị dương tính nhưng sau vài ba ngày đều khỏi hết’.
Ông Cường cho biết ông lo về thiệt hại kinh tế của việc đóng cửa chống dịch. “Các cơ sở kinh doanh xung quanh vùng Little Saigon đã mất khoảng 60-70% thu nhập,” ông nói.
Mặc dù nhìn nhận với tư cách là tổng thống, ông Trump phải có trách nhiệm về việc kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ nhưng ông Cường lập luận: “Trách nhiệm đó có phải là lỗi của ông ấy hay lỗi của người khác?”
“Tổng thống Trump ngoài trách nhiệm về Covid còn có trách nhiệm mở cửa nền kinh tế, có như vậy thì người dân mới không phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ,” ông phân tích và cho rằng sức khỏe người dân và nền kinh tế ‘nên được ưu tiên ngang nhau’.
Ông biện hộ cho kết quả chống dịch của ông Trump so với những nước sát Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam là ‘những nước đó nói gì thì người dân phải nghe, chứ ở Mỹ bảo người ta đeo khẩu trang người ta không đeo anh làm gì được?’.
Về việc ông Trump bị cáo buộc là đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh với người dân Mỹ, ông Cường nói ‘ai ở trong cương vị ông Trump cũng phải làm thế nào để trấn an người dân’ nhưng cho rằng ‘không nên che giấu như Tập Cận Bình mà phải nói ra một phần nào đó’.
Ông Cường nói dựa vào những gì ông theo dõi ông Joe Biden nhiều năm qua, ông ‘không tin vào kế hoạch chống dịch của ông Biden’. Thay vào đó, ông nói nếu có vaccine vào đầu năm sau thì dịch sẽ kiểm soát được.
Mặc dù ông Biden có hứa là nếu đắc cử, ông sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Cường cho rằng ông Biden ‘không thể bắt buộc vấn đề này’.
“Đeo khẩu trang có hại cho sức khỏe, những người lớn tuổi như tôi khó thở,” ông phân trần. “Khẩu trang không phải là cách thực tế chống dịch mà phải là vaccine.”
‘Sống không bằng chết’
Chúng tôi đã tìm đến ông Ngô Bá Định, một bác sỹ chuyên Nội khoa tại Orange Coast Medical Center, để tìm hiểu về dịch bệnh có thật sự nghiêm trọng hay không. Bác sỹ Định là người trực tiếp chữa trị các bệnh nhân Covid-19 và bản thân ông cũng bị nhiễm virus corona nhưng sau khi được chữa trị đã bình phục.
Bác sỹ Định cho biết kể từ khi bang California mở cửa nền kinh tế, số bệnh nhân gốc Việt trong vùng nhập viện vì Covid-19 ‘tăng nhanh so với người gốc Mexico’.
Ngay trước bệnh viện Orange Coast, nơi ông Định làm việc, là một tấm bảng bằng cả ba thứ tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha cảnh báo những triệu chứng nhiễm Covid-19.
“Với tư cách là một bác sỹ và là một bệnh nhân đã nhiễm Covid-19, tôi không cho là nó đã bớt nguy hiểm,” ông nói và dẫn ra số liệu trong ngày hôm đó nước Mỹ đã có 70-80 ngàn người nhiễm với hơn 1.000 ca tử vong.
Ông dự báo với số người nhiễm tăng vọt như vậy thì ‘trong 4-6 tuần nữa số ca tử vong sẽ tăng lên’. Do đó, ông cho rằng tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ‘nước Mỹ đã vượt qua khúc quanh về dịch bệnh’ là ‘hoàn toàn sai trên cả số liệu và khoa học’.
Vị bác sỹ này đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện mà ông cam đoan là “mắt thấy tai nghe” để chứng minh là Covid-19 là có thật và nghiêm trọng. “Người sắp tắt thở vì Covid nhìn khó mà quên được. Có một bác gái tôi đưa cho điện thoại để nói chuyện qua FaceTime với chồng con mà nói cũng không được chỉ thở mà thôi,” ông cho biết.
Bác sỹ Định cũng kể lại cảm giác khi ông đang nằm điều trị vì Covid-19: “Tôi nghĩ đến số người chết, lúc đó chỉ có mấy chục ngàn người. Tôi biết sẽ có 200, 300, 400 người sẽ chết. Lúc đó tôi đã khóc.”
Ông nói lúc đó ông chỉ có lấy ngón tay nhấn điện thoại để nhắn tin ‘mà cũng không nổi’. Ông muốn nói chuyện với vợ con qua FaceTime mà ‘cũng mệt vô cùng’. Ông không còn thiết ăn thiết uống, ngồi dậy cũng mệt, chỉ muốn nằm và ‘đấu tranh để thở’, ông kể.
“Lúc đó tôi mới biết cảm giác sống không bằng chết,” ông nói và cho biết khi chữa trị cho bệnh nhân ông đã mặc ba lớp đồ bảo hộ mà vẫn bị lây nhiễm virus.
Bác sỹ Định cho biết “có nhiều bác đến hỏi các bác sỹ chúng tôi ‘cái này không có thật phải không bác sỹ, chỉ vì chính trị mà họ làm lớn chuyện lên thôi phải không?’”. “Chúng tôi nghe mà muốn điên lên được,” ông bức xúc.
“Chúng ta đang ở giữa đại dịch còn kinh khủng hơn Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chiến tranh còn có bom đạn, máu đổ đầu rơi chứ đại dịch giết người một cách thầm lặng, chết trong cô đơn buồn tủi không được nắm tay người thân giã từ lần cuối,” ông Định cảnh tỉnh.
‘Số chết nhiều hơn thực tế’
Ông Định nói ông thông cảm với một số người Việt coi trọng việc đi làm kiếm tiền nhưng ông cho rằng tính mạng, sức khỏe phải cần được ưu tiên trước hết rồi mới đến kinh tế và rằng dù có phải phong tỏa để chống dịch đi nữa thì ‘ở nước Mỹ không ai chết đói’.
Vị bác sỹ này phản bác cáo buộc bác sỹ Mỹ thổi phồng số bệnh nhân Covid để trục lợi. Theo lời ông thì để chứng nhận một bệnh nhân chết vì Covid-19 ‘phải qua nhiều tầng’ là bác sỹ điều trị, nhà thương (nếu gian dối có thể bị phạt cả chục triệu đô la), quan chức y tế công cộng (phải điều tra hồ sơ rồi mới xuất giấy chứng tử) và Trung tâm Ngăn ngừa kiểm soát Dịch bệnh (CDC). “Phải có xét nghiệm dương tính, phải lên máy thở và được chữa trị bằng thuốc remdisivir thì mới được chứng nhận là chết vì Covid,” ông cho biết.
Covid không trực tiếp gây ra cái chết ở những người thường đã có bệnh nền mà khiến bệnh của họ thêm trầm trọng dẫn đến tử vong, ông giải thích. Thậm chí, ông còn dẫn thống kê của CDC, các Đại học Yale và John Hopkins cho rằng ‘con số tử vong của Mỹ là thấp hơn thực tế’.
“Trong 9 tháng đầu năm số người chết nhiều hơn năm ngoái là 300 ngàn người, nếu trừ số người chết vì Covid thì còn 60 ngàn người nữa chết vì đâu trong khi đâu có động đất hay chiến tranh gì đâu,” ông nghi vấn. “Có những người chết mà chưa được xét nghiệm, hoặc chưa kịp đến nhà thương.”
Do đó, ông kêu gọi cộng đồng gốc Việt ở Little Saigon tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, nghe theo khoa học, tôn trọng các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch chứ không phải lên án, chửi bới, công kích họ.
Ông khuyên mọi người ‘lúc nào cũng nghĩ rằng mình có thể phát tán virus cho người thân nên phải tuân thủ khuyến cáo càng nhiều càng tốt’. Ông lập luận rằng không thể cho rằng các biện pháp phòng ngừa đó là ‘lấy đi tự do cá nhân’ và so sánh việc đeo khẩu trang như lái xe phải bắt buộc thắt dây an toàn.
‘Không thể ở trong nhà’
Tuy nhiên, cô Kim Trương, chủ tiệm làm tóc Bolsa Salon ở thành phố Westminster, không cho rằng đeo khẩu trang sẽ có tác dụng chống dịch.
“Nếu khẩu trang có hiệu quả thì tại sao phải giãn cách, nếu giãn cách có hiệu quả thì tại sao cần phong tỏa?” cô lập luận với chúng tôi khi đang hớt tóc cho khách ngay tại tiệm của cô. Cả cô và khách hàng đều không đeo khẩu trang.
Theo lời cô thì có đến 99% khách của cô là khách hàng quen nên không thắc mắc việc cô không đeo khẩu trang khi làm việc. “Nếu khách nào muốn đeo và muốn mình đeo thì mình vẫn đeo thôi,” cô nói.
Khi được hỏi có lo ngại sẽ lây bệnh cho những người xung quanh hay không nếu nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, cô Kim nói: “Mỗi buổi sáng tôi test bằng cách nín thở 10 giây nếu thấy không bị khạc ra một cái là OK. Tại vì nếu mình bị nhiễm thì sẽ có cái gì đó mình phải biết.”
Cô kể lại buổi đón tiếp Tổng thống Trump đến California mà cô có mặt là ‘ông Trump không đeo khẩu trang, cả đám đông cũng không ai đeo khẩu trang vì chúng tôi không tin tưởng cái đó’. “Không có luật nào bắt chúng tôi phải đeo khẩu trang hết,” cô nhấn mạnh.
Theo lời cô thì những người xung quanh cô ‘không nghe nói có ai nhiễm bệnh gì hết’.
“Dịch bệnh gần 6 tháng rồi, tháng đầu mọi người cũng sợ nên ở trong nhà, những tháng sau mọi người đã ùa ra đường bình thường rồi. Bây giờ chỉ có người già là còn trong nhà mà thôi,” cô cho biết. Giống ông Cường, cô Kim cho rằng ‘dịch bệnh bị làm lớn chuyện vì mục đích chính trị trong năm bầu cử’.
Cô không cho rằng Tổng thống Trump đã xem nhẹ dịch bệnh vì theo cô, bệnh này ‘rất nhẹ’ và ‘đến giờ tôi vẫn thấy như là cúm mùa thôi mà’. “Tháng nào năm nào cũng có người bị cúm mà,” cô phân trần.
Chính quyền tiểu bang California của Đảng Dân chủ đã hai lần đóng cửa tiểu bang để chống dịch. Cô Kim phản đối quyết liệt việc này và cho rằng đó là ‘trò chính trị’ của Đảng Dân chủ ‘làm kinh tế đi xuống để đổ lỗi cho ông Trump’. Cô nói rằng nếu tiểu bang phong toả lần nữa thì cô sẽ ‘bất tuân’ vì ‘không có luật nào cấm người ta mở cửa làm ăn hết’.
Cũng giống như nhiều người Việt khác, cô Kim có tiền dành dụm nên vẫn có thể sống được trong mấy tháng phong tỏa, cô cho biết. Lý do cô phản đối phong tỏa là vì ‘muốn ra ngoài để trở lại cuộc sống bình thường’, cô nói.
“Ở trong nhà như ở tù. Ngày nào cũng ở nhà 24 tiếng sao tôi chịu nổi,” cô bức xúc. “Tôi không được đi gym, không tụ tập với bạn bè, không đi hát karaoke được.”
Theo lập luận của cô Kim thì việc phong tỏa không hiệu quả, vì ‘nếu hiệu quả thì đã hết bệnh rồi’. Cô nói cô cần mở cửa để có tiền trả tiền thuê mặt bằng, vốn đã được cho hoãn mấy tháng nay.
“Khổ nhất là những người tiểu thương như chúng tôi, tôi đã mất đi 50-70% thu nhập,” cô nói thêm và cho biết cô đang trông chờ gói cứu trợ tiểu thương thứ hai của chính quyền.
Là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump, cô Kim đánh giá cao cách chống dịch của ông. Cô dẫn chứng là việc ông Trump ‘ngày nào cũng họp báo, nói khô nước miếng để thông báo tình hình cho người dân’.
“Nếu ông ấy giấu dịch, không lo cho dân thì tại sao ra đường tôi thấy ai cũng tung hô Trump hết vậy?”
Ngoài việc làm tóc, trong mùa bầu cử, cô Kim còn bán mũ nón, cờ, biểu ngữ ủng hộ ông Trump. Cô khoe với chúng tôi chiếc áo dài ủng hộ Trump mà cô đặt may ở Việt Nam. Cô bày tỏ tin tưởng dịch bệnh sẽ qua một khi vaccine có sớm vào cuối năm nay.
“Cả thế giới bị dịch chứ không riêng gì nước Mỹ thì làm sao có thể đổ lỗi cho ông Trump được,” người chủ tiệm tóc này lập luận và cho rằng dưới ông Trump còn có cả một ban bệ chống dịch ‘nên đâu phải một mình tổng thống quyết định hết được’.
Cô bày tỏ nghi ngờ các bác sỹ ở Mỹ khai khống các bệnh khác là chết vì Covid trong khi ở Việt Nam có chết vì Covid thì ‘họ cũng giấu chứ đâu có khai đủ’. “Tại sao Mỹ xa vậy mà bị nặng còn các nước gần Trung Quốc lại bị nhẹ? Thật vô lý,” cô bức xúc.
Cô Kim nói cô dùng trái tim đánh giá nên ‘cảm’ được Tổng thống Trump ‘là người có tâm, có đức, thương dân, yêu nước Mỹ’ nên cô hết lòng ủng hộ.
“Tôi đã ở đây hai mươi mấy năm chưa bao giờ đi bầu hết. Năm này tôi đi bầu và tổ chức tuần hành cho ông Trump. Tôi muốn ông ấy ở thêm bốn năm nữa vì ông ấy đã đi vào guồng rồi,” cô bày tỏ.
‘Vô trách nhiệm’
Trái với cô Kim Trương, bác sỹ Ngô Bá Định chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền Trump đối phó dịch bệnh mà ông gọi là ‘vô trách nhiệm’.
“Con số người chết không thể nói dối được. Mỹ chỉ chiếm 4,25% dân số thế giới nhưng chiếm đến 22-23% tỷ lệ tử vong,” ông chỉ ra và nói thêm rằng nếu tính theo tỷ lệ người chết thì Mỹ có 700 trên 1 triệu người so với chỉ 11 người của Nhật Bản.
Ông lên án ông Trump đã biết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh từ sớm nhưng ‘cố tình giấu nhẹm vì lý do kinh tế, vì thị trường chứng khoán rồi vấn đề bầu cử sắp tới’.
Bác sỹ Định chỉ ra việc ông Trump dù đã từng nhiễm virus corona nhưng vẫn nhiều lần đi vận động tranh cử với đông đảo cử tri và ‘đứng sát bên nhau mà không đeo khẩu trang’.
“Một người lãnh đạo mà dân mình chết mấy trăm ngàn người mà nói rằng ‘it is what it is’ (chuyện thế là phải thế thôi) thì đâu có được,” ông bức xúc.
Theo lập luận của ông thì trách nhiệm của tổng thống Mỹ là lo cho dân, không để dân chết nhiều ‘chứ không phải đổ thừa cho Trung Quốc là thủ phạm mà mình không lo cho được’.
Ông Định than phiền Tổng thống Trump đã không tin dùng mà còn công kích bác sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, người có 35 năm kinh nghiệm đánh đại dịch.
“Tổng thống Trump đã không bảo vệ được bản thân mình trước Covid thì liệu ông có thể bảo vệ cho người dân Hoa Kỳ trước Covid được không,” ông Định nói, ý nhắc đến việc ông Trump và phu nhân của ông đều bị nhiễm loại virus này.
Một hành động khác của ông Trump là ông Định bức xúc là sau khi khỏi bệnh, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump còn kéo khẩu trang xuống để kêu gọi ‘mọi người đừng có sợ’.
“Đáng lẽ ông ấy phải học được bài học là phải tiếp tục giãn cách xã hội, phải đeo khẩu trang chứ,” ông Định. “Lẽ ra ông ấy phải làm tấm gương cho người dân.”
Ông Định cũng không đồng ý việc ông Trump kêu gọi ‘sống chung với đại dịch’. “Đại dịch là kẻ sát nhân không thể nào sống chung được mà phải chiến đấu với nó, tiêu diệt nó. Sống với nó là miễn dịch bầy đàn, tức là phải có 60-70% dân có kháng thể. Được như vậy là phải chết mười mấy triệu người.”
Vị bác sỹ này cũng cho rằng ông Trump không học được từ kinh nghiệm chống dịch cúm lợn
H1N1 của chính quyền Barack Obama hồi năm 2009. “Tổng thống Obama có thành lập ban đặc nhiệm phòng chống đại dịch nhưng sau khi lên ông Trump lại dẹp bỏ,” ông chỉ ra.
Về việc nghiên cứu và chế tạo vaccine, ông nói rằng không phải tuân theo ý muốn chính trị của tổng thống Trump được. “Chín hãng dược đã đoàn kết lại để không bị chính quyền áp lực mà chính trị hóa việc sản xuất vaccine,” ông cho biết.