Các thành viên của Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ đã nêu câu hỏi với các giới chức y tế hàng đầu về những gì cần phải làm để bảo vệ người Mỹ tránh khỏi một virut đã làm hơn 5.000 tử vong ở Tây Phi và đe dọa lây lan qua các châu lục khác. Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội dành thêm 6 tỷ đôla để chống Ebola ngay tại nguồn bệnh - ở Liberia, Guinea và Sierra Leone. Các giới chức chính quyền và các thành viên của các tổ chức phi chính phủ cũng góp ý vào cuộc thảo luận tại buổi điều trần của toàn thể uỷ ban hôm thứ tư. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski của tiểu bang Maryland, chủ tịch Uỷ ban, nói đa số người Mỹ đồng ý rằng Ebola phải được phòng chống ngay tại tâm điểm phát bệnh - ở Liberia, Guinea và Sierra Leone.
“Chúng ta phải có một nỗ lực y tế công cộng toàn thế giới và mạnh, phải có thuốc chủng ngừa bệnh, các liệu pháp để trị bệnh, nhân lực và cơ sở hạ tầng để làm việc ấy.”
Bà Mikulski nói vụ bộc phát Ebola hội đủ tiêu chuẩn cho việc chuẩn chi khẩn cấp bởi vì nó có tính cách bất chợt, không đoán trước được, khẩn trương và tạm thời.
Thượng nghị sĩ Richard Shelby của tiểu bang Alabama, một đảng viên Cộng hoà có hạng trong uỷ ban, chỉ trích điều ông gọi là một sự đáp ứng của chính phủ có tính “không rõ ràng, và nhiều khi trái ngược.”
“Tỷ như, hướng dẫn của Trung Tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC đưa ra cho các bệnh viện là một mục tiêu di chuyển. Sự bất định này có thể khiến các chuyên viên y tế bị phơi bầy trước nguy cơ không cần thiết.”
CDC bênh vực các quyết định của cơ quan, và nói rằng sự trồi sụt của dịch Ebola không thể dự đoán trước được.
“Chúng ta thấy những xu hướng khác nhau ở mỗi nước trong 3 nước này, và ngay bên trong 3 nước này, lại có những xu hướng khác nhau ở các vùng khác nhau.”
Một giới chức Bộ Quốc phòng nói sự đáp ứng của quân đội Hoa Kỳ đối với mối đe dọa Ebola là nhanh chóng, đầy đủ và hữu hiệu.
“Các biện pháp lâm thời của Bộ Quốc phòng là một yếu tố cấp thiết trong đáp ứng của Hoa Kỳ nhằm đặt nền móng cần thiết cho cộng đồng quốc tế huy động các khả năng ứng phó.”
Chính quyền cũng bênh vực quyết định không cấm thị thực đối với các công dân của những nước bị tác động của Ebola. Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ nói:
“Mối quan ngại lớn nhất của tôi về việc hạn chế số thị thực là nếu Hoa Kỳ làm như thế, thì nhiều quốc gia khác cũng làm theo, đưa đến hậu quả là cô lập các nước đó, là điều mà chúng ta không muốn thấy xảy ra.”
Các giới chức y tế nêu ra rằng đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống virut kể từ sau cuộc điều trần ở quốc hội lần trước. Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Y học Quốc gia nói:
“Điểm kế tiếp là chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể trên con đường hướng tới việc thử nghiệm sự hiệu nghiệm của một loại thuốc chủng ngừa bởi vì chúng ta vừa bắt đầu cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 vào thời điểm cuộc điều trần kỳ trước. Và nay kết quả của cuộc thử nghiệm đó rất khả quan.”
Cả chính quyền lẫn các giới chức y tế đều nói rằng cuộc chiến chống Ebola chưa chấm dứt. Họ nói ngân quỹ khẩn trương bổ sung là điều cấp thiết để ngăn chặn virut lây lan sang các nước láng giềng và xa hơn nữa. Một giới chức bộ Ngoại giao cho biết:
“Trong khi Liberia, Sierra Leone và Guinea đã phải hứng chịu gánh nặng của dịch bệnh, ta cũng thấy các ca bệnh ở Mali, Nigeria, Senegal và Tây Ban Nha. Và đương nhiên, các ca bệnh lẻ loi ở Hoa Kỳ nêu bật ảnh hưởng về an ninh quốc gia của dịch bệnh này.”
Khoảng 50 tổ chức đã góp ý vào cuộc thảo luận bằng những bài điều trần bằng văn bản ủng hộ việc chuẩn chi, và nói rằng cắt giảm ngân sách đã gây thiệt hại cho sự sẵn sàng của Hoa Kỳ.