Đường dẫn truy cập

California vỡ trận, nghệ sĩ mắc Covid: ‘Tôi từng chủ quan’


Tràn ngập bệnh nhân Covid nên bệnh viện Providence St. Mary ở miền Nam California phải dựng thêm lều để tiếp nhận bệnh nhân
Tràn ngập bệnh nhân Covid nên bệnh viện Providence St. Mary ở miền Nam California phải dựng thêm lều để tiếp nhận bệnh nhân

Một người gốc Việt bị nhiễm Covid-19 ở Little Saigon, California, kêu gọi mọi người đừng chủ quan trước con virus này trong lúc tiểu bang này trải qua một đêm Giáng sinh u ám với số ca nhiễm đã vượt mốc hai triệu.

Cho đến giờ, đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của ít nhất 23.635 người ở California và tàn phá nền kinh tế tiểu bang vốn vẫn đang thực thi lệnh ở nhà với các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.

Ngày Giáng sinh chết chóc ở California được đánh dấu bằng lời kêu gọi của chính quyền rằng hãy tránh tụ tập ngoài việc đoàn tụ với người thân trong nhà và đi lễ nhà thờ. Tiểu bang này hiện có nỗ lực mang tính sống còn để kiềm hãm đà gia tăng của virus corona vốn đã khiến các bệnh viện tràn ngập quá công suất.

‘Tăng theo cấp số nhân’

Thống đốc Gavin Newsom cho biết các bệnh viện đang phải chịu ‘áp lực chưa từng có’ và nếu xu hướng này tiếp tục, số người nhập viện vì virus corona có thể tăng gấp đôi sau 30 ngày.

Các ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong do virus corona tăng theo cấp số nhân trong những tuần gần đây và đang phá vỡ các kỷ lục mới. Vào đêm Giáng sinh, California trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ vượt quá 2 triệu ca COVID-19 được xác nhận.

Ca nhiễm virus corona đầu tiên ở California được xác nhận vào ngày 25/1. Mất 292 ngày để tiểu bang này đạt 1 triệu ca nhiễm vào ngày 11/11. Nhưng chỉ 44 ngày sau, con số này lên đến 2 triệu.

Cuộc khủng hoảng kéo căng hệ thống y tế của bang vượt quá khả năng, khiến các bệnh viện phải điều trị bệnh nhân trong lều, văn phòng và hội trường.

Tính đến ngày 24/12, California có số lượng bệnh nhân COVID-19 kỷ lục trong bệnh viện và trong phòng chăm sóc tích cực, lần lượt là gần 19.000 và gần 4.000.

“Ở hầu hết các bệnh viện, khoảng một nửa số giường bệnh là dành cho bệnh nhân COVID và một nửa số giường chăm sóc đặc biệt là để chữa trị bệnh nhân COVID nặng và hai phần ba số bệnh nhân này bị ngạt thở vì viêm phổi do vi rút gây ra,” Tiến sĩ Christina Ghaly, Giám đốc Sở Y tế Hạt Los Angeles được AP dẫn lời nói.

“Họ bị ngạt thở đến mức không thể tự thở được nữa và họ phải nhờ ai đó đặt một cái ống xuống cổ họng để cung cấp oxy cho các cơ phận trong cơ thể họ. Nhiều người trong số này sẽ không qua được vào năm 2021,” bà cho biết.

Các bệnh viện cũng thuê thêm nhân sự và hủy bỏ các ca phẫu thuật theo yêu cầu – tất cả là để tăng cường công suất chuẩn bị cho các ca bệnh bị nhiễm trong dịp Giáng sinh và Năm mới được dự đoán sẽ trở bệnh trong vài tuần tới, theo AP.

“Chúng tôi hiểu rằng mọi người đang mệt mỏi, nhưng các biện pháp y tế công cộng không phải kẻ thù – mà chúng là lộ trình để giúp phục hồi nhanh hơn và bền vững hơn,” tuyên bố của Liên minh Y tế Công cộng Nam California, bao gồm 10 cơ quan y tế địa phương gần nhau phụ trách khu vực chiếm gần 60% dân số tiểu bang, được AP dẫn lại cho biết.

Hạt Los Angeles ở phía Nam, vốn chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm virus corona và gần 40% số ca tử vong, khuyến cáo mọi người tránh tham dự Thánh lễ trong không gian kín, mặc dù điều này không bị cấm với điều kiện giữ khoảng cách xã hội.

Tổng Giáo phận Los Angeles đã cho phép tổ chức Thánh lễ bên trong một cách hạn chế, mặc dù họ cũng kêu gọi các nhà thờ nên tổ chức thánh lễ ngoài trời hoặc trực tuyến.

‘Cảm cúm nặng’

Từ Little Saigon, Quận Cam, ông Trung Nghĩa, một nghệ sỹ đàn guitar quen thuộc trong cộng đồng văn nghệ người Việt, đã mắc Covid-19 được 10 ngày và được cho ở nhà tự điều trị và cách ly. Trao đổi với VOA, ông Nghĩa cho biết hiện giờ ông ‘đã hồi phục được 70-80%’.

“Hôm nay tôi đã ngồi dậy hít đất, tập tạ lại được rồi,” ông Nghĩa nói với VOA bằng giọng thều thào vì chưa khỏe hẳn. “Thật ra tôi đã đủ khỏe để đi ra ngoài được rồi nhưng tôi không dám vì phải bảo vệ cho mọi người xung quanh.”

Theo lời kể của ông thì khi bị dính virus corona, ông có cảm giác ‘như là cảm cúm nặng’.

“Trong ba ngày tôi chỉ muốn nằm dài thôi chứ không muốn làm gì hết, không muốn ăn uống. Cảm giác chán đời lắm,” ông Nghĩa kể.

Theo lời ông Nghĩa thì trong thời gian ông nằm bệnh, chỉ có vợ ông chăm sóc cho ông chứ ông không tiếp xúc với bất kỳ ai khác. “Cần gì thì gọi cho bạn bè. Họ cứ đem đồ ăn tới bỏ trước cửa nhà rồi mình ra lấy thôi,” ông cho biết.

Vợ ông đã nấu nước xông với lá bưởi, lá sả, dầu mỗi ngày hai lần. Đây là các phương pháp mà cộng đồng người Việt truyền tai nhau cho những người mắc Covid mặc dù không có khuyến cáo từ các bác sỹ là nên dùng. Trong khi đó, ông Nghĩa được bác sỹ cho uống trụ sinh và Tylenol.

“Sau 4 ngày thì cảm thấy nhẹ dần. Bây giờ đã thấy thèm ăn trở lại chứ lúc trước bà xã cứ phải ép ăn,” ông nói và cho biết đến thứ Hai đầu tuần ông và vợ sẽ đi xét nghiệm Covid trở lại.

“Bác sỹ nói nếu đã qua được thì sẽ qua luôn, còn nếu không qua được thì đã bị vật phải vào ICU (phòng hồi sức tích cực rồi),” ông nói thêm.

Nghệ sỹ guitar này cho rằng ông may mắn vì ông là người ‘tích cực tập thể dục, hít đất, tập tạ, chơi tennis, không nhậu nhẹt, không bệnh nền nên Covid không vật nổi’.

Khi được hỏi có sợ lây bệnh cho vợ không, ông Nghĩa nói vợ ông vẫn ‘làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ ngon lành’. “Nếu bị dính thì hổm rày đã bị rồi vì dù gì tôi bị cũng đã được 10 ngày rồi,” ông nói.

‘Từng chủ quan’

Về nguồn lây, ông Nghĩa nói ông không nghĩ ra là bị lây từ đâu. Ông cho biết trước khi bị nhiễm hàng ngày ông vẫn đi chợ, vẫn ra ngoài tiếp xúc bạn bè bình thường và ông đều có đeo khẩu trang và rửa tay sau khi đi chợ.

Ông Nghĩa, vốn là một ủng hộ viên nhiệt thành của Tổng thống Donald Trump, thừa nhận là ông ‘đã từng chủ quan trước dịch bệnh’.

“Lúc trước tôi cũng nghĩ dịch bệnh không nghiêm trọng. Ngày nào tôi cũng lăng xăng ngoài đường rồi cà phê, cà pháo, bạn bè này kia,” ông nói.

“Tôi cũng có phần chủ quan vì mình cũng có 30 năm tập tạ nên ỷ y,” ông nói thêm.

Cho nên ông kêu gọi mọi người ‘đừng nên coi thường’ virus corona vì ‘tùy điều kiện sức khoẻ, ai mà yếu mà bị dính thì sẽ vất vả lắm’. Sự chủ quan của một số người Việt trước Covid, theo giải thích của ông, là ‘chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’.

Theo lời ông thì có những người ông quen biết ‘đùng một cái nghe chết vì Covid’ và một người em trong nghề của ông, 55 tuổi, bị bệnh phổi thêm dính Covid ‘rồi đi luôn’. “Trong giới nghệ sỹ gốc Việt đã có nhiều người mắc nhưng người ta giữ kín, có người bị nặng đang nằm trong ICU,” ông Nghĩa, vốn quen thuộc với giới nghệ sỹ gốc Việt, cho biết.

Chính vì bị Covid mà ông Nghĩa đã lỡ lời hẹn với gia đình cố danh hài Chí Tài là sẽ đến đánh đàn tại tang lễ của ông, ông nói và cho biết danh hài vừa ra đi là ‘đàn em thân thiết của ông trong nghề gần 40 năm’.

“Khi Chí Tài mất, tôi đau lòng lắm. Đau lòng nữa là tôi không đến tiễn đưa được,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG