Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa Nhi về Y khoa tổng quát, với sự cộng tác của Bác sĩ Hồ văn Hiếu, chuyên khoa Y khoa gia đình, đang hành nghề tại Bắc Virginia.
Ông Lưu Tấn Nhật ở Khánh Hòa có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải thích với sự tham khảo ý kiến của bác sĩ Hồ văn Hiếu:
Đây là một vấn đề rất chuyên môn, hơn nữa thính giả không cho những chi tiết tối thiểu như tuổi bịnh nhân, chi tiết bịnh sử, nên tôi chỉ xin cung cấp một số tin tức liên hệ để bịnh nhân có một ý niệm tổng quát về vấn đề căn cứ trên y văn mới đây.
Từ polyp dạ dày để chỉ một nốt (nodule) hay một khối (mass) lồi lên trên mặt phẳng của niêm mạc, tức là mặt lót trong long dạ dày. Các polyp này có thể rất nhỏ như trường hợp ở đây (3mm), có thể lớn vài cm, có thể dài có cuống (cọng, stalk) hoặc không có cuống (sessile).
Đa số (90%) polyp dạ dày thuộc loại tăng sản, nghĩa là vì hiện tượng viêm (inflammation) và xoi mòn của niêm mạc, các tế bào niêm mạc sinh sản nhiều ra (tăng sản, hyperplasia) để bù đắp lại (regeneration), tạo nên những khối, những cái nốt trồi lên khỏi mặt bằng của lòng bao tử. Tuy nhiên những tế bào này không có những dấu hiệu bất bình thường (loạn sản, dysplasia) của tế bào ung thư. Loại polyp tăng sản thường nhỏ, nằm trong hang môn vị của dạ dày (là phần cuối dạ dày, trước khi qua ruột non, pyloric antrum), và đi kèm với bịnh viêm bao tử mãn tính (chronic gastritis).
Trong 5-10% trường hợp polyp còn lại, gọi là adenoma (u tế bào tuyến). Ở đây, các tế bào polyp có những thay đổi loạn sản (dysplasia), tức là rối loạn trong sự phát triển của chúng, thay vì những tế bào trưởng thành, chúng ta có những tế bào chưa thành thục (immature), những tế bào này ở thời kỳ dẫn tới ung thư hoặc tiền ung thư (precancerous). Nói một cách khác, chừng 10-5% các polyp có thể là u bướu có khả năng ung thư (cancerous potential). Tuy nhiên hai loại polyp này có thể chồng lên nhau, đi đôi với nhau, có nghĩa là một số polyp tăng sản cũng có khả năng đi đôi với ung thư.
Bịnh nhân ở đây có vẻ như là một người nhỏ tuổi được kêu bằng cháu. Trong giới bịnh nhân nhi khoa, một khảo cứu gần đây của ĐH Johns Hopkins cho thấy 42% thuộc loại viêm tăng sản (inflammatory-hyperplastic) và chừng một nửa (thuôc loại fundic gland hoặc adenoma) cần theo dõi vì có khả năng tiền ung thư.
Những yếu tố khác cần để ý là:
1) Gia đình có bịnh di truyền gây ra nhiều polyp “Familial Adenomatous Polyposis” (FAP), thường gây nhiều polyp trong ruột già và ung thư ở ruột già, hay không. Nếu có FAP trong gia đình, cần theo dõi chặt chẽ hơn (ví dụ 1-3 năm nội soi một lần).
2) Bịnh nhân có dùng mãn tính thuốc loại ức chế bơm proton (proton inhibitor, như Prilosec/opremazole hay Prevacid) để làm giảm axit trong bao tử hay không. Thuốc này có thể gây ra polyp bao tử. Ngưng thuốc thì giảm polyp.
Tóm lại, theo tôi nghĩ, nếu bs ở Trường DHYD đã nói là không có gì thì không cần làm gì thêm. Nếu có triệu chứng gì đáng lo ngại, hoặc nếu chưa yên tâm, đề nghị bịnh nhân tham khảo lại với bs làm nội soi lần đầu, và hỏi bác sĩ ước tính giúp khả năng các chẩn đoán khác nhau là bao nhiêu, và nên theo dõi như thế nào, trong tương lai có nên làm lại nội soi và cắt polyp (polypectomy) nếu có để thử thịt, vì chỉ có vị bs này mới nắm vững những dữ kiện đi đến quyết định hợp lý.
Nói chung, xác suất thuận lợi về phần định bịnh không ác tính, và có thể bác sĩ nội soi có lý do để không cắt polyp làm sinh thiết (biopsy) lúc nội soi lần đầu cho bịnh nhân. Nội soi cũng có những rủi ro về biến chứng của nó. Trong các trường hợp cần theo dõi, cũng phải mấy năm mới làm lại. Tuy nhiên chỉ có sinh thiết (biopsy) mới cho chẩn đoán tế bào chắc chắn vì trên lý thuyết nội soi không thể phân biệt được các loại polyp khác nhau. Phần lớn cách đối phó với các polyp (như theo dõi thế nào) tùy thuộc vào định bịnh tế bào học và mô học của polyp đó.
Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.
Cảm ơn các bác sĩ Hồ văn Hiền và Hồ văn Hiếu. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý vị về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.