Các ký giả ở Thái Lan hôm thứ Năm bày tỏ quan ngại về lời bình của lãnh tụ tập đoàn cầm quyền nói với họ một ngày trước đó, rằng các ký giả có thể bị “hành quyết” nếu họ làm mất lòng ông.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói với các ký giả tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng: “Tôi sẽ sử dung đến thiết bị hành quyết. Tôi sẽ đối phó với giới truyền thông. Nhưng tôi vẫn yêu họ.”
Ông Prayuth cảnh báo các nhà báo hãy tự chế chớ nên tường thuật điều gì có thể gây “xung đột” nếu không họ có thể bị “hành quyết” như một biện pháp trừng trị. Lời bình của ông Prayuth được đưa ra mà không kèm theo một nụ cười trên gương mặt, theo lời các ký giả hiện diện tại cuộc họp báo.
Vị tướng về hưu, đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không đổ máu trong tư cách tư lệnh quân đội để lật đổ chính phủ dân sự ở vương quốc Thái Lan hồi tháng 5 năm ngoái và thiết quân luật, nổi tiếng về tính khí thất thường. Những trao đổi thường xuyên của ông với các phóng viên Thái Lan mau chóng chuyển từ đùa cợt qua giọng điệu đe dọa.
Một số ký giả Thái Lan đã phản ứng một cách lo ngại, và nêu ra rằng trong cuộc họp báo kéo dài 23 phút tại một sân bay của không quân trước khi lên đường đi Brunei, ông Prayuth trông rất căng thẳng, giọng nói thường run lên vì tức giận và đã ném một văn kiện vào các nhà báo.
Một tin nhắn hôm thứ Năm do nhà báo Pravit Rojanphurk của báo The Nation đăng trên Twitter nói: “Cũng như các nhà độc tài, ông Prayuth phối hợp các linh tính của Papa Doc Duvalier với cái duyên dáng hài hước của Idi Amin.” Ký giả này đã bị tập đoàn quân nhân bắt giữ 1 tuần lễ ngay sau cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 năm ngoái.
Ông Pravit nói thêm: “Thực là một sự hổ thẹn và xấu xa khi một số ký giả chỉ cười trước lời đe dọa nửa đùa nửa thật của lãnh tụ tập đoàn cầm quyền, mà không coi đó là một sự nguy hiểm.”
Nhà viết blog chính trị Saksith Saiyasombut của trang web Asian Correspondent, bình luận: “Tuy thú vị và phải nhận là gây xúc động khi cười đùa trước những lời tuyên bố giận dữ của vị tướng lãnh này và sự kiện tập đoàn cầm quyền này không có khả năng ứng phó với sự chỉ trích… không phải là chuyện đùa và có lễ chúng ta nên ngưng coi đó là chuyện đùa.”
Chủ tịch Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Thái Lan, ông Jonathan Head, bình luận trên trang Twitter: “Tôi không cho rằng bất kỳ ai với đầu óc minh mẫn lại nghĩ rằng ông Prayuth thực sự định nói ra điều đó. Nhưng thông tín viên đài BBC này thêm rằng ông tin là ông Prayuth nghĩ rằng đây chỉ là một lối khôi hài đùa cợt lính tráng. Ông ta quá tầm thường nên không nhìn thấy lời giễu cợt không xứng hợp đến mức nào."
Lời bình luận mang tính cách khiêu khích mới nhất của ông Prayuth được đưa ra vài giờ sau khi ông nêu đích danh một ký giả làm việc cho một kênh truyền hình do nhà nước sở hữu nhưng do tư nhân điều hành phải lên trình diện với các sĩ quan trong tập đoàn cầm quyền.
Ông Prayuth nổi giận trước bài phóng sự điều tra của Thapanee Ietsrichai trên Kênh 3 về vấn nạn của ngư dân Thái Lan đã bị bỏ tù hay chết trên một hòn đảo Indonesia.
Ông Prayuth nói: “Các phóng viên không nên gây phức tạp cho vấn đề này. Cần phải cứu xét tới thiệt hại gây ra cho quốc gia.”
Buôn người là một đề tài nhạy cảm đối với Thái Lan và một số tập đoàn lớn nhất của Thái Lan can dự đến nông nghiệp và công nghiệp hàng hải, thường xuất khẩu 200.000 tấn hải sản mỗi năm.
Thái Lan bị xếp vào hạng 3 trong bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người – cùng hạng với Syria, Iran và Bắc Triều Tiên.
Thái Lan cũng bị Liên hiệp Châu Âu điều tra, và đang cứu xét liệu có nên cấp một “thẻ vàng” cho hàng ngư nghiệp xuất khẩu của Thái Lan giữa những tin tức về lạm dụng lao động tại các nhà máy chế biến và nô lệ trên tàu thuyền.
Ông Prayuth đã hứa tổ chức bầu cử vào năm tới sau những cải cách sâu rộng, và thường bị các ký giả gây phiền phức vẫn tố cáo họ là đặt những “câu hỏi ngu xuẩn”.
Những chỉ trích nhắm vào ông Prayuth và chính phủ do quân đội lãnh đạo với cơ quan lập pháp được chỉ đinh thường bị ém nhẹm trên các phương tiện truyền thông trong nước, vì những hạn chế liên tục đối với báo chí theo quân luật.