Đường dẫn truy cập

Chiếc khí cầu nổ quan hệ Mỹ - Trung


Phía Trung Quốc tỏ vẻ bất bình sau khi khí cầu bị bắn rơi, biện minh rằng nó là một khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học.
Phía Trung Quốc tỏ vẻ bất bình sau khi khí cầu bị bắn rơi, biện minh rằng nó là một khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học.

Tại Bắc Kinh, phía phản ứng lại hành động của Mỹ bắn hạ khí cầu cũng găng lên, và thành phần dân tộc cực đoan mà Tập Cận Bình nuôi dưỡng bấy lâu nay cũng có thể lợi dụng cơ hội để tiếp tục đổ lỗi Mỹ là nguyên nhân tạo ra thêm căng thẳng giữa hai nước.

Quan hệ Mỹ - Trung trong bốn năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump phần lớn là căng thẳng. Hai năm qua dưới thời Joe Biden, căng thẳng giữa hai quốc gia giảm bớt, vì Biden thận trọng hơn trong chính sách và phát biểu của mình. Tuy thế, một điều chắc chắn không thay đổi là sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này không suy giảm. Ngược lại, nó rõ ràng đang ngày một gia tăng.

Nhìn cách Tập Cận Bình điều hành Trung Quốc, kể cả cung cách xử lý Covid, cho thấy mục tiêu của Tập là ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế và gia tăng sức mạnh quốc gia, nhất là về khoa học kỹ thuật và về quân sự. Bắc Kinh mong muốn sức mạnh tổng hợp một ngày nào đó qua mặt Mỹ. Trong khi đó, mục tiêu của Mỹ là vừa tập trung củng cố và phát triển sức mạnh đang có để luôn giữ ưu thế vượt trội so với Trung Quốc, vừa qua đó có khả năng kiềm chế hành động của họ hiện nay và tương lai. Nhà Trắng hiểu rõ rằng một khi Trung Quốc đủ mạnh để không còn coi trật tự quốc tế dựa trên quy luật có giá trị gì thì Mỹ cũng không còn khả năng gì để kiềm chế. Ngoại trừ một trận tranh hùng, mà rồi hệ quả, nếu chiến tranh có xảy ra, với khối vũ khí thông thường lẫn hạt nhân khổng lồ của hai bên, sự tàn phá và chết chóc là khủng khiếp dù Mỹ có thắng đi nữa.

Cạnh tranh là điều hiển nhiên xảy ra trong mọi con người, xã hội và quốc gia. Nhưng cạnh tranh để làm bá chủ, nếu không quản lý khôn khéo, sẽ đưa đến sự tàn phá không thể nào kiểm soát được. Thập niên 2020 này mang tính quyết định. Chuyên gia về Trung Quốc, Kevin Rudd, biện luận trên tạp chí Foreign Affairs rằng căng thẳng sẽ gia tăng, và cạnh tranh sẽ tăng cường, nhưng chiến tranh giữa hai nước thì chưa chắc xảy ra, đặc biệt nếu hai bên đồng ý thiết lập khung sườn chung để “cạnh tranh chiến lược được quản lý” trong khuôn khổ mà sẽ làm giảm nguy cơ cạnh tranh leo thang thành xung đột công khai.

Lẽ ra Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là Antony Blinken dự trù sẽ viếng thăm Trung Quốc vào ngày 5 và 6 tháng Hai này để giải quyết những khúc mắc trong mối quan hệ Mỹ Trung, với mong đợi củng cố bang giao giữa hai bên. Nhưng chỉ vài ngày trước chuyến đi, khí cầu của Trung Quốc đã được phát hiện là đi vào không phận của Mỹ, rồi Canada, rồi trở lại Mỹ, vào cuối tháng Giêng. Washington gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ, và Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ nó vào ngày 4 tháng Hai khi nó đang trên biển để những mảnh rơi không gây thiệt hại nào cho cư dân. Phía Trung Quốc tỏ vẻ bất bình sau khi khí cầu bị bắn rơi, biện minh rằng nó là một khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học. Trong khi đó phía Mỹ cho rằng nó được Nhà nước Trung Quốc sử dụng trong nỗ lực giám sát các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ.

Những mảnh vụn bị không quân Mỹ bắn rơi trải dài 11 cây số trên biển, nhưng ở mực nước không quá sâu, dưới 14 mét. Nó sẽ được gom lại và đem đến phòng khám nghiệm của cơ quan FBI tại Virginia để nhân viên tình báo phân tích. Được biết FBI và giới chức trách phản gián sẽ hợp tác để phân loại và đánh giá.

Theo đánh giá của chuyên gia John Ferrari của Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) thì khí cầu có lẽ được dùng để kiểm tra khả năng của Mỹ trong việc phát hiện các mối đe dọa sắp tới và qua đó cố gắng tìm lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo phòng không của Mỹ. Một chuyên gia khác, William Kim, cho rằng khí cầu có trọng tải lớn, được cấp nguyên lượng bởi các tấm pin mặt trời lớn, và có thiết bị điện tử để hướng dẫn và thu thập thông tin, dường như có công nghệ lái tiên tiến được hướng dẫn bởi trí tuệ nhân tạo. Khí cầu này lớn hơn nhiều so với những thứ thường được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng. Cho nên những gì Trung Quốc biện minh ở trên chẳng thuyết phục được mấy ai.

Dư luận Mỹ, trong đó xu hướng chính trị từ cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, đều tỏ vẻ bất bình vì hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Cho nên những dịp như vậy sẽ là cơ hội để một số cá nhân hay phe phái tại Mỹ chứng tỏ lòng yêu nước của mình bằng cách kêu gọi Biden phải có hành động cứng rắn, không khoan nhượng. Không chỉ vi phạm, có người còn bảo nó đe dọa đến chủ quyền của Mỹ.

Tại Bắc Kinh, phía phản ứng lại hành động của Mỹ bắn hạ khí cầu cũng găng lên, và thành phần dân tộc cực đoan mà Tập Cận Bình nuôi dưỡng bấy lâu nay cũng có thể lợi dụng cơ hội để tiếp tục đổ lỗi Mỹ là nguyên nhân tạo ra thêm căng thẳng giữa hai nước.

Tình huống như vậy có thể không leo thang trở thành xung đột hay chiến tranh, nhưng theo The Economist, trường hợp tương tự khác có khả năng nếu Mỹ và Trung không có khuôn khổ hợp tác và kênh thông tin để trao đổi với nhau. Tạp chí Economist biện luận rằng “Nếu ông Biden và ông Tập không muốn mối quan hệ bị định đoạt bởi sự tình cờ, sai sót và hiểu lầm, thì họ cần tìm ra những cách giao tiếp tốt hơn.”

Câu hỏi là có cần tìm ra những cách giao tiếp tốt hơn trong khi hai bên hoàn toàn không tin tưởng nhau, trong khi hai chế độ chính trị hoàn toàn trái ngược nhau?

Tập Cận Bình là người tin tưởng mạnh mẽ vào chủ thuyết Mác-Lê, theo nhận định của Kevin Rudd, cho nên hệ tư tưởng này thúc đẩy và định đoạt chính sách hơn là cách ngược lại. Hệ tư tưởng thường quyết định động cơ chính trị, như đã thấy một Trung Quốc từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Bắc Kinh từ 2012. Muốn thắng Trung Quốc trên đường dài thì Rudd biện luận rằng lãnh đạo chính trị tại Mỹ và đồng minh Mỹ cũng phải là tín đồ thật sự của những lý tưởng đại diện cho hệ thống chính trị dân chủ tự do, phải thể hiện triệt để các nguyên tắc này bằng lời nói lẫn hành động.

Cái khó là khi gặp thách thức hay đe dọa, nếu không vững tâm bền chí kiên trì, ngay cả tín đồ cũng có thể bỏ qua nguyên tắc và giá trị để chọn giải pháp thực tiễn. Có lẽ đây là rủi ro và là mối đe dọa hàng đầu đối với các nền dân chủ cấp tiến tại Mỹ và khắp nơi.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG