Liệu sự sụp đổ của nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, và sự cáo chung của cái gọi là ‘vương quốc Hồi giáo’ của họ, có tạo ra sự khác biệt nào trong việc tuyển mộ chiến binh cho IS và cực đoan hóa giới trẻ sinh sống tại Âu Châu? Và liệu thất bại quân sự của IS có giảm các cuộc tấn công khủng bố thuộc loại “sói đơn độc” ở phương Tây?
Câu hỏi này cần được nêu lên hơn bao giờ hết khi mà các lực lượng do người Kurd dẫn đầu và được Hoa Kỳ yểm trợ đang tiến gần tới chỗ xóa sổ Nhà Nước Hồi giáo ở Raqqa, ‘thủ đô của Nhà Nước Hồi giáo’ ở Syria. Tuy nhiên các giới chức Bỉ và Pháp không tin là những vụ giết chóc sẽ chấm dứt ở Châu Âu, ít nhất trong tương lai có thể thấy được.
Các nhà phân tích nói ý niệm về một vương quốc Hồi giáo tỏ ra hữu ích trong việc quảng cáo cho nhóm khủng bố IS, giúp họ tuyển mộ cảm tình viên ở nước ngoài, và cho phép nhóm IS nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ với al-Qaida, nhóm khủng bố tranh giành ảnh hưởng với IS, vốn vẫn chống đối việc thành lập một vương quốc Hồi giáo. Tổ chức al-Qaida mới đây đã châm biếm thủ lãnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, tự phong cho mình làm vua trị vì vương quốc Hồi giáo.
Các nhà phân tích nói một trong những cách để IS có thể sống còn và tiếp tục đóng vai trò nổi hơn al-Qaida, là mở các cuộc tấn công thường xuyên tại các nước phương Tây, nếu có thể làm được.
Tháng trước, al-Baghdadi tái xuất hiện sau 11 tháng không ra mắt công chúng, khi ông ta phát tán một băng thu âm, châm chọc Hoa Kỳ và chiêu dụ các phần tử thánh chiến tập hợp chống chế độ Syria, đồng thời nhấn mạnh IS vẫn hiện diện bất chấp là đang nhanh chóng mất đi những vùng lãnh thổ từng nằm dưới quyền kiểm soát của họ. al-Baghdadi đã góp tiếng với Abu Mohammad al-Adnani, người cầm đầu bộ phận tuyên truyền của IS (đã bị giết chết), khi tuyên bố “duy trì lãnh thổ không quan trọng bằng duy trì ý chí chiến đấu”.
Tuy nhiên ông Baghdadi phần lớn tập trung vào việc vinh danh các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây. Ông nói: “Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga đang sống trong tình trạng hồi hộp, lo sợ bị khủng bố.”
Phát biểu hồi tháng 8, sau khi IS bị đánh bật ra khỏi thành phố Mosul bên Iraq, và trong khi các lực lượng do người Kurd dẫn đầu khởi sự cuộc tấn công, tái chiếm Raqqa, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là “ưu tiên hàng đầu” của Pháp, ngay bây giờ và trong thời gian dài sắp tới.
Các giới chức Pháp và Bỉ nhận xét nhóm IS rất sáng tạo và bất chấp các nỗ lực nhằm giảm thiểu quy mô hoạt động của họ trên mạng, IS vẫn có thể phổ biến những tài liệu tuyên truyền, mà họ linh động sửa đổi tùy theo hoàn cảnh để kích động ủng hộ viên, thử nghiệm những ý kiến mới và uốn nắn câu chuyện sao cho phù hợp với chiến lược của mình.
Nhà nghiên cứu Charlie Winter nói đối với IS, chiến tranh truyền thông vẫn luôn luôn quan trọng, và được đặt ngang hàng với những thắng lợi trên thực địa ở Syria và Iraq.
Trong một bài tham khảo viết cho Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu tiến trình Cực đoan hóa và Bạo lực Chính trị của King’s College ở London, ông Winter lưu ý rằng đối với IS, việc sản xuất các tài liệu tuyên truyền và phát tán thông tin có lúc được xem là quan trọng hơn cả chiến dịch quân sự thánh chiến.
Ngay cả khi đang mất gần hết lãnh thổ, IS vẫn phát động chiến tranh thông tin, vẫn tuyển mộ người và kích động bạo lực.
Nhà nghiên cứu Winter nói:
“Cộng đồng quốc tế cũng phải sáng tạo và có óc chiến lược như vậy trong lối tiếp cận của mình để chống chiến tranh thông tin của IS.”
Các giới chức và giới phân tích khuyến cáo: vấn đề cực đoan hóa nói chung vẫn in như cũ so với trước những thất bại quân sự của IS trên chiến trường. Cựu Thủ Tướng Pháp Manuel Valls miêu tả hiện tượng cực đoan hóa là “một mô hình xã hội chết người.”
Không chỉ có nước Pháp là gặp khó khăn trong cuộc đấu tranh để tìm hiểu tiến trình cực đoan hóa, và phát triển những phương thức hiệu quả để chống cực đoan hóa. 16 năm sau các cuộc tấn công ngày 11/9, chính quyền các nước phương Tây vẫn chưa nắm vững các cơ chế có thể biến một người bình thường thành một kẻ cực đoan, và tại sao một số người tin tưởng vào viễn kiến của các nhóm thánh chiến, tới mức sẵn sàng tham gia các cuộc tấn công giết người, trong một số trường hợp.
Nhà xã hội học Farhad Khosrokhavar, Giáo sư Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội, một trường đại học danh giá ở Paris, lo lắng rằng hiện tượng cực đoan hóa vẫn được các chính quyền coi như một thách thức về mặt an ninh thuần túy. Ông nói chính quyền các nước không tìm hiểu đủ sâu về hệ quả lâu dài của tình trạng một người bị gạt ra ngoài lề xã hội, loại ra ngoài vòng pháp luật.
Vai trò của internet và các nhóm truyền thông xã hội kín trong việc hình thành tư duy ủng hộ thánh chiến, tạo ra những nhóm tôn sùng một ‘anh hùng của bóng tối’, chỉ mới bắt đầu được tìm hiểu.
Các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Tại một hội nghị ở London hồi năm ngoái, ông Khosrokhavar nêu bật sự kiện một số đáng kể kẻ tấn công thánh chiến đã được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm, hoặc các chứng bệnh tâm thần khác.
Nhưng các nỗ lực nhằm tìm hiểu thấu đáo hơn chủ nghĩa cực đoan hóa thường vấp phải sức kháng cự từ giới lãnh đạo chính trị, đặc biệt khi họ phải đối mặt với sức ép phải chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố. Ông Valls nổi tiếng vì đã từng tuyên bố ông đã quá mỏi mệt với “những lý do xã hội, xã hội học, và văn hóa” để biện minh cho phong trào thánh chiến. Ông từng phán: “Giải thích là xóa bỏ trách nhiệm.”
Nước Pháp, nước mà kể từ năm 2015 đã nhiều lần trở thành địa điểm nơi xảy ra một loạt cuộc tấn công khủng bố, với 240 mạng sống bị cướp mất, khoảng 350 phần tử cực đoan đang bị giam cầm trong các nhà tù, gần 6000 phần tử chủ chiến nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, và thêm 17,000 người khác bị xếp loại vào thành phần được coi như một “mối đe dọa tiềm tàng”.
Các số liệu này không cao đến như vậy ở Bỉ, nhưng quốc gia nhỏ bé này đóng một vai trò lớn hơn kích cỡ của nó khi nói đến phong trào thánh chiến ở Châu Âu. Tính trên đầu người, Bỉ đóng góp nhiều chiến binh cho IS và các nhóm thánh chiến khác, hơn bất cứ nước Âu Châu nào khác.
Cả hai nước Pháp và Bỉ đã gặp nhiều khó khăn khi tìm cách thành lập các chương trình chống cực đoan hóa hữu hiệu. Pháp chỉ phát động chiến dịch chặn đứng cực đoan hóa trong giới trẻ bất mãn chỉ cách đây 2 năm, trễ hơn so với nhiều nước Âu Châu. Nhưng các nỗ lực của nước này đã vấp phải khó khăn, và một kế hoạch để mở 13 trung tâm chống cực đoan hóa tại 13 quận của Paris đã bị bỏ ngang, sau khi một trung tâm thí điểm bị đóng cửa hồi đầu năm nay giữa một cuộc tranh cãi về các phương pháp được sử dụng.