Trong cuộc họp báo hôm thứ tư vừa qua ở Tokyo, Bộ trưởng tài chánh Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết rằng việc chính phủ Trung Quốc để cho đồng nguyên tăng giá là một việc hữu ích cho các nền kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản cũng như cho các nền kinh tế ở Á châu và trên khắp thế giới.
Nhiều giới chức chính phủ và các chuyên gia kinh tế cũng có nhận định tương tự. Bà Jing Ulrich là một chuyên gia về thị trường chứng khoán Trung Quốc của đại công ty đầu tư JP Morgan của Mỹ. Bà cho rằng hành động của chính phủ ở Bắc Kinh sẽ có ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn dành đài truyền hình CNBC hôm thứ ba, bà Ulrich nói rằng điều này sẽ có ích cho việc chuyển đổi của Trung Quốc từ một nền kinh tế thiên về xuất khẩu trở thành một nền kinh tế thiên về tiêu thụ. Bà dự báo là trong vòng 3 năm tới đây người tiêu thụ Trung Quốc sẽ cảm thấy giàu có hơn và điều này sẽ làm tăng mức tiêu thụ trong nước cũng như gia tăng những hoạt động du hành ra nước ngoài.
Bà Tiziana Bonapace là một kinh tế gia cao cấp của Uûy ban Kinh tế Xã hội Á châu Thái bình dương của Liên hiệp quốc. Bà cho rằng đồng nguyên tăng giá mang lại cho các nền kinh tế Đông Nam Á những lợi ích trên hai phương diện.
Bà Bonapace nói: "Các nền kinh tế Đông Nam Á đang cạnh tranh với Trung Quốc trên cơ sở giá thành. Trong tương lai gần đây các sản phẩm này sẽ có được ưu thế về giá thành vì sẽ trở nên tương đối rẻ hơn nhờ việc đồng nguyên tăng giá. Mặt khác, sự gia tăng của nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giúp cho các nền kinh tế Đông Nam Á xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc."
Các giới chức Hoa Kỳ, là nước có mức thâm hụt mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc, cũng hy vọng rằng việc đồng nguyên tăng giá rốt cuộc sẽ làm gia tăng số máy bay, sắt thép và lúa mì của Mỹ bán cho Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà kinh tế học Trung Quốc có những nhận định trái ngược nhau đối với vấn đề là việc đồng nguyên tăng giá có mang lại những lợi ích thật sự cho người dân bình thường ở Trung Quốc hay không.
Ông Hạ Nghiệp Lương là giáo sư kinh tế học của Đại học Bắc Kinh và là người lâu nay vẫn cổ xúy cho việc thả nổi đồng nguyên. Ông cho rằng tỉ giá hối đoái của đồng nguyên gia tăng chẳng những giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu mà còn nâng cao nhu cầu trong nước và giúp ích cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.
Bà Lương cho biết: "Điều trước nhất cần phải nói tới là sức mua của chúng tôi trên trường quốc tế sẽ gia tăng, và điều này có nghĩa là chúng tôi có thể nâng cao lượng nhập khẩu của các loại hàng hóa tiêu thụ. Ngoài ra chúng tôi còn có thể ra nước ngoài để đầu tư, định cư hoặc du học. Quí vị nghĩ xem, trước đây, khi đi sang các nước Aâu Mỹ để du lịch chúng tôi phải mất khá nhiều nhân dân tệ mới đổi được một đồng đô la hoặc một đồng euro. Giờ đây, nhờ vào việc chỉ tệ tăng giá mà những người trong giới bình dân lao động chỉ cần dành dụm trong vài năm là có thể du lịch nước ngoài được rồi. Tôi nghĩ rằng điều này thể hiện rõ sự cải thiện phẩm chất cuộc sống của người dân Trung Quốc."
Giáo sư Hạ Nghiệp Lương nói thêm rằng những người thuộc tầng lớp có thu nhập thấp cũng được hưởng lợi vì thu nhập của họ sẽ tăng nhờ vào sự gia tăng của hối suất đồng nguyên.
Tuy nhiên, giáo sư Dương Phàm của Đại học Chính trị-Pháp luật Trung Quốc không tán đồng quan điểm vừa kể. Ông cho rằng đồng nguyên tăng giá chẳng những không mang lại lợi ích thiết thực cho dân thường mà còn đào sâu hố chênh lệch giàu nghèo vốn đã rất lớn.
Ông Dương nói: "Lý do là vì tài sản của Trung Quốc nằm trong tay một thiểu số rất ít. Đồng nguyên tăng giá đồng nghĩa với việc cổ phiếu và nhà đất tăng giá vì giá trị của những tài sản được định giá bằng đồng nguyên sẽ gia tăng. Những tài sản này nằm trong tay của một thiểu số nên họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Có người cho rằng tiền công sẽ tăng. Nhưng tôi nghĩ rằng tỉ lệ gia tăng không cao, mà vật giá chắc chắn sẽ tăng, đặc biệt là giá nhà sẽ tăng nhanh hơn tiền công, và vì vậy mà đại đa số dân chúng sẽ chẳng có được lợi ích nào cả."
Giáo sư Dương Phàm cũng cho rằng giới công nhân sẽ bị thiệt hại vì đồng nguyên tăng giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của khu vực chế tạo. Đồng thời, giá nhà đất tăng cao sẽ khiến cho những người lao động khó lòng mua được nhà ở và lợi ích rốt cuộc sẽ lọt vào tay những người giàu đang sở hữu các tài sản địa ốc.
Các nhà quan sát cho rằng mối quan tâm về vấn đề thất nghiệp là một trong những nguyên do khiến cho giới hữu trách Trung Quốc trong những năm qua đã ra sức chống lại sức ép của Hoa Kỳ và các nước khác đòi họ “cởi trói” đồng nguyên. Một số người nói rằng quyết định nới rộng biên độ dao động của tỉ giá đồng nguyên là kết quả của áp lực bên ngoài, đặc biệt là từ phía quốc hội Hoa Kỳ. Ông Christopher McNally, một nhà kinh tế học của Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, tán đồng nhận định đó nhưng ông nói thêm rằng các yếu tố quốc nội cũng có một vai trò trong quyết định mới đây của chính phủ Trung Quốc.
Ông McNally nói: "Điều này là một phản ứng đối với áp lực bên ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là một phản ứng đối với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế quốc nội của Trung Quốc vì những áp lực lạm phát. Aùp lực này tuy không cao nhưng là một vấn đề cần lưu ý. Trung Quốc cũng muốn có thêm sự linh động về tỉ giá hối đoái để đối phó với áp lực lạm phát và ngăn chận tác động của “nguồn tiền nóng”, là những khoản tiền ồ ạt đổ vào Trung Quốc để tìm cách kiếm lời từ việc đồng nguyên tăng giá. Tôi tin rằng đồng nguyên sẽ tăng thêm chút đỉnh rồi sau đó có thể tiến vào một thời kỳ linh hoạt, trong đó tỉ giá hàng ngày của đồng nguyên đối với đồng đô la sẽ có tăng có giảm."
Việc chính phủ ở Bắc Kinh quyết định để cho đồng nhân dân tệ được nâng giá trong tuần qua đã nhận được những phản ứng khá tích cực của các chính phủ và các chuyên gia kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học Trung Quốc có những nhận định trái ngược nhau đối với vấn đề là liệu diễn tiến này có mang lại những lợi ích thật sự cho người dân bình thường ở Trung Quốc hay không. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1