Đường dẫn truy cập

Chính trị, rào cản lớn nhất để Trung Quốc tham gia hiệp định thương mại xuyên TBD


Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile, ngày 8/3/2018.
Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile, ngày 8/3/2018.

Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong một hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương lớn, các chuyên gia thương mại nói, buộc các thành viên phải đưa ra quyết định không thoải mái về mặt chính trị về việc có nên để Bắc Kinh tham gia một thỏa thuận được tạo ra để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh hay không.

Anh đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại một cuộc họp ở Auckland trong tháng này chỉ hơn hai năm sau khi đệ đơn, dọn đường cho các thành viên xem xét những ứng viên khác như Trung Quốc, Đài Loan, Ukraine, Costa Rica, Uruguay và Ecuador.

Đơn của của Trung Quốc, cho đến nay là nền kinh tế lớn nhất, sẽ xếp hàng tiếp theo nếu các đơn được giải quyết theo thứ tự được nhận.

Khi được hỏi liệu có khung thời gian nào để xem xét các đơn tiếp theo hay không, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor, nói: “Không.”

Hiệp định thương mại tự do này bắt nguồn từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ hậu thuẫn, được phát triển một phần để chống lại sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp định TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiệp định được hồi sinh thành CPTPP với các thành viên bao gồm các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản, Úc và Canada.

Trung Quốc muốn trở thành một phần của CPTTP vì Đảng Cộng sản cầm quyền đặt rất nhiều kỳ vọng vào hiệu quả kinh tế của nước này, vốn đã bị ảnh hưởng gần đây do nhiều hạn chế thương mại khác nhau, và vì Trung Quốc coi các yêu cầu gia nhập cao của khối là động lực mới cho cải cách kinh tế trong nước, các nhà phân tích nói.

Ông Henry Gao, một giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, nói sự vắng mặt của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ khuyến khích Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu gia nhập cao vì “động cơ ngầm” của Bắc Kinh là “đánh bại âm mưu của Mỹ sử dụng CPTPP như một cách để kiềm chế Trung Quốc”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đơn của nước này phù hợp với nỗ lực cải cách sâu rộng và mở rộng hợp tác thương mại với các nước khác.

Rào cản kỹ thuật

CPTPP yêu cầu các nước loại bỏ hoặc cắt giảm đáng kể thuế quan, cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, đồng thời có các quy định về cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ (IP) và bảo vệ các công ty nước ngoài.

“Thường người ta nghĩ là...‘Ồ, tiêu chí quá cao và Trung Quốc với các doanh nghiệp nhà nước không thể gia nhập, sẽ không có chuyện đó.’ Tôi nghĩ việc này hoàn toàn sai lầm,” ông Tim Groser, cựu bộ trưởng thương mại New Zealand và trưởng đoàn đàm phán thương mại, nói.

Ông cho biết ít nhất một số người ở Trung Quốc mong muốn sử dụng hiệp định này để thúc đẩy cải cách, chẳng hạn như đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu trở thành một nền kinh tế mở và được thúc đẩy bởi thị trường. Và trong khi Trung Quốc đang cải thiện quyền sở hữu trí tuệ, họ vẫn tiếp tục có những trường hợp đánh cắp sở hữu trí tuệ nghiêm trọng của các công ty phương Tây.

CPTPP cũng tập trung vào thương mại kỹ thuật số và cấm ép buộc các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu địa phương trong nước - ví dụ như ở Trung Quốc. Luật chủ quyền dữ liệu của Bắc Kinh chỉ trở nên chặt chẽ hơn trong những năm gần đây.

“Nếu các quy tắc về nền kinh tế của một quốc gia thực sự khác xa so với những gì CPTPP quy định, thì chắc chắn sẽ có một câu hỏi lớn đặt ra về việc liệu họ có thể thực hiện những cải cách thực sự, thực sự lớn hay không”, ông Graham Zebedee, trưởng đoàn đàm phán thương mại CPTPP của Anh, nói nhưng không bình luận cụ thể về đơn xin gia nhập của Trung Quốc.

Các chuyên gia thương mại lưu ý rằng hiệp định này có các miễn trừ, chẳng hạn như bảo vệ an ninh quốc gia và Trung Quốc đã cho thấy họ có thể tự do hóa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

“CPTPP quan trọng đối với chúng tôi. Không phải vì nó sẽ dễ dàng mà chính xác là vì nó sẽ khó khăn và gay go”, Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand Wang Xiaolong nói trong một bài phát biểu gần đây. Ông cho biết khả năng gia nhập là một “động lực cho các cải cách trong nước” được thực hiện.

Bóng tối chính trị

Cuối cùng, quyết định sẽ mang tính chính trị hơn là kỹ thuật, bởi vì một thỏa thuận cho phép một thành viên mới tham gia phải được tất cả các thành viên nhất trí. Chẳng hạn, Australia cho biết họ sẽ không tán thành đơn của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh tiếp tục ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa của Australia bao gồm rượu vang và lúa mạch.

Hơn nữa, Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada, Nhật Bản và New Zealand vào tháng trước đã ký một tuyên bố lên án sự ép buộc kinh tế được coi là đề cập đến hành vi của Trung Quốc vào thời điểm nhiều quốc gia đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Bắc Kinh.

Vẫn còn hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể xem xét lại việc rút khỏi CPTPP sớm, tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các bên ký kết do họ có quyền phủ quyết và nguy cơ Trung Quốc, nếu được chấp nhận, có thể chặn một bước gia nhập của Hoa Kỳ trong tương lai.

“Tôi nghĩ Nhật Bản, Úc, Canada và Mexico, tất cả họ phải tự hành động. Mỹ đã bỏ đi, vì vậy họ không nên thực sự cố gắng hạn chế những nước khác nói chuyện với các đối tác khác”, ông Wang Huiyao, chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa và là cựu thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nói.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có xem xét lại việc tham gia CPTPP hay không, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên ở Wellington vào tuần trước rằng hiện tại họ tập trung vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm mục đích cải thiện chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh nhưng không phải là một Hiệp định thương mại tự do.

Trung Quốc đã ủng hộ một hiệp định thương mại đối thủ ở châu Á-Thái Bình Dương có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong đó không có Hoa Kỳ và RCEP liên quan đến việc cắt giảm thuế quan thay vì mở cửa nền kinh tế và đưa ra các tiêu chuẩn về lao động và môi trường như CPTPP.

Đối với các thành viên CPTPP, đơn của Trung Quốc không phải là vấn đề nan giải chính trị duy nhất. Đài Loan cũng đang tìm cách tham gia hiệp định, một động thái bị Trung Quốc phản đối mà các nhà đàm phán thương mại thành viên vẫn chưa chắc.

“Đó là một sự đồng thuận. Vì vậy, cuối cùng nó phụ thuộc vào những gì mọi người quyết định tại bàn đàm phán”, bà Natalie Black, ủy viên thương mại của Anh tại Châu Á Thái Bình Dương, cho biết.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG