Đường dẫn truy cập

Cho con đến trường trở lại: phụ huynh Sài Gòn chia rẽ 


Học sinh trong độ tuổi 12-17 ở Việt Nam đang đợi được chích ngừa COVID-19
Học sinh trong độ tuổi 12-17 ở Việt Nam đang đợi được chích ngừa COVID-19

Bất an về tình hình dịch bệnh cùng tâm lý nghi ngại chích ngừa cho trẻ khiến nhiều phụ huynh chần chừ cho con đi học trở lại vào lúc này, trong khi cũng có phụ huynh e con cái họ ở nhà lâu quá sẽ ảnh hưởng phát triển tâm sinh lý, theo tìm hiểu của VOA.

Sau hai tuần thí điểm, thành phố Hồ Chí Minh đang tính phương án cho học sinh đi học trở lại nhưng việc này chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh trong bối cảnh đã xuất hiện gần 50 ca lây nhiễm COVID-19 trong trường học trong thời gian thí điểm.

Tại cuộc họp của Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố hôm 24/12, một số quận huyện đã đề xuất cho học sinh trong độ tuổi đã được chích ngừa (từ khối lớp 7 cho đến lớp 11) đi học tập trung trở lại bắt đầu từ ngày 3/1, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ. Trước đó, kể từ ngày 13/12, chỉ có học sinh khối cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 được đến trường trở lại.

Riêng các em từ lớp 6 trở xuống, nhất là trong độ tuổi tiểu học, do chưa được chích ngừa virus corona nên cả giới chức lẫn phụ huynh đều dè dặt trong việc tập trung các em đến trường trở lại, cũng theo Tuổi Trẻ.

Học sinh toàn bộ các cấp học ở thành phố Hồ Chí Minh đã phải học trực tuyến ở nhà kể từ khi khai giảng năm học mới hồi đầu tháng 9 do bùng phát dịch COVID-19.

‘Chấp nhận bỏ 1-2 năm’

Trao đổi với VOA, một phụ huynh chỉ cho biết tên là Liên có con đang học lớp 4 ở trường tiểu học Nguyễn Huệ, Quận 6, nói lúc này bà ‘không nghĩ tới việc cho con đi học trở lại’.

“Tại dịch thấy còn đang rất nhiều nên mình không yên tâm,” bà Liên nói và cho biết bà đợi đến khi nào kiểm soát được dịch mới cho con đi học trở lại.

“Tại vì bây giờ có biến thể mới (Omicron) nên tôi cũng lo,” bà nói thêm.

Bà giải thích là do virus corona dễ lây lan, trong khi con bà còn nhỏ ‘chưa có ý thức làm sao để giữ an toàn’ còn việc trẻ em mau phục hồi nếu nhiễm bệnh, bà nói bà ‘chỉ mới nghe báo chí nói’.

Do đó, bà Liên ‘chấp nhận cho con ở nhà học trực tuyến cho đến hết năm học’. Khi được hỏi về ảnh hưởng tâm lý đến con bà nếu phải ở nhà quá lâu, bà phân trần ‘tình hình chung mà, ai cũng phải chịu vậy hết.’

Tuy nhiên, nếu nhà nước ra lệnh cho trẻ em đến trường trở lại thì bà cũng phải nghe theo vì, theo bà giải thích, ‘bạn bè của cháu đi học mà cháu ở nhà thì sẽ không thể nào theo kịp các bạn’.

Bà cho biết hiện giờ vợ chồng bà đã đi làm trở lại nên phải để con ở nhà tự học trực tuyến một mình mà không có ai kèm cặp và ‘đến tối về tôi mới kiểm tra lại’.

“Con bé cũng có đòi trở lại trường, nhưng tôi giải thích cho bé hiểu là dịch bệnh nguy hiểm như thế nào,” bà Liên nói.

‘Không an tâm’

Giống như bà Liên, ông Lê Công Phúc, một nhân viên văn phòng ở một khu căn hộ ở quận 8 có con gái trong độ tuổi mẫu giáo, nói ông ‘không sẵn sàng cho con đến trường trở lại vào lúc này’ mặc dù ông chưa nghe thông báo gì từ nhà trường về việc này.

Mặc dù biết rõ trẻ em nếu bị nhiễm sẽ không bị nặng, ông Phúc giãi bày: “Tôi muốn cố gắng hạn chế tối đa khả năng con tôi tiếp xúc với bên ngoài nhiều.”

“Trường mầm non mỗi lớp có đến 30-40 cháu, quá đông nên tôi cảm thấy không an toàn,” ông giải thích và cho biết hiện giờ do vợ chồng ông đều đã đi làm nên ông gửi con cho một người hàng xóm ở cùng khu cn hộ trông giúp.

“Chị đó không đi làm, vẫn ở nhà, nên nhận giữ vài bé của một số nhà trong khu căn hộ,” ông nói thêm.

Theo trình bày của ông thì tình hình dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày vẫn có người nhiễm, người chết nhiều, ‘chỉ vì bây giờ mọi người đã thấy quen rồi, không còn lo sợ như trước nên có cảm giác dịch không nghiêm trọng như trước’.

“Người lớn đã chích ngừa nên tự tin ra ngoài, còn con tôi còn nhỏ nên tôi không tự tin.”

Cũng như bà Liên, ông Phúc nói nếu vì dịch bệnh mà con ông phải ở nhà 1-2 năm dẫn đến vào lớp 1 trễ thì ông vẫn chấp nhận.

Ông thừa nhận để con ở nhà nhiều sẽ khiến bé ‘sử dụng máy tính bảng và tivi nhiều hơn’ nhưng ông đã cài các chương trình học tiếng Anh vào máy để cho bé tự học mỗi ngày và ‘cuối tuần dẫn bé ra công viên cho thoáng’.

Nếu trường hợp Nhà nước Việt Nam mở rộng chích ngừa đến độ tuổi của con ông và yêu cầu phải chích mới được đi học lại, ông Phúc nói ông đã bàn với vợ về việc này và thống nhất ‘là không muốn cho con chích ngừa’.

“Tôi là người lớn chích vào mà còn thấy cơ thể hơi yếu yếu. Con nít còn nhỏ như vậy chích vào không biết thế nào,” người nhân viên văn phòng này giải thích.

‘Ở nhà tới bao giờ?’

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Minh Thiều ở Quận 1, hiện làm cho một công ty nước ngoài và có con đang học lớp 1, nói với VOA rằng cả hai lần nhà trường lấy ý kiến phụ huynh về việc cho con đi học trở lại bà đều đồng ý. Tuy nhiên, ý kiến của bà nằm trong nhóm thiểu số.

“Những người không đồng ý có thể họ có người coi con, còn như tôi cũng như một số phụ huynh khác không có ai nên phải tìm chỗ khác gửi con,” bà nói.

Theo lời bà thì gửi con ở ngoài ‘nguy cơ nhiễm bệnh còn cao hơn là đến trường vì ở trường họ thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ’.

“Ngại cho con vô trường học nhưng mọi người vẫn dẫn con đi siêu thị, đi ăn uống, tới hàng quán này nọ. Thật sự nguy cơ chỉ ngang nhau thôi. Vậy tại sao không cho con vô trường?” bà Thiều đặt vấn đề.

Bà cũng chỉ trích các phụ huynh muốn cho con ở nhà là 'chỉ sợ nguy cơ dịch bệnh trước mắt mà không thấy tác hại lâu dài hơn đối với trẻ' như ‘nguy cơ mắc bệnh tự kỷ’.

Bà chỉ ra rằng trẻ ở nhà lâu quá, tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều ‘sẽ chuyển sang nghiện game’ trong khi các hoạt động tương tác với bạn bè hay thể dục thể thao bị hạn chế.

Theo lời bà, trước đây bà từng nghĩ rằng dịch chỉ kéo dài vài tháng nên bà cũng muốn cho con ở nhà chờ cho hết dịch. Nhưng với tình hình này, bà đặt vấn đề ‘còn phải chờ đến bao giờ?’

“Không ai chắc chắn trong vòng nửa năm nữa sẽ hết dịch hay là sẽ không có dịch bệnh khác,” bà lập luận. “Nếu mình cứ lo sợ hoài thì mình còn phải lo sợ các bệnh khác vì ngoài Covid ra còn nhiều bệnh khác ở trẻ nữa.”

Bà cũng phản bác việc cho rằng nếu cho trẻ đi học thì có khả năng trẻ mang mầm bệnh về nhà rồi lây cho những người lớn tuổi có nguy cơ cao.

“Trên thực tế người lớn đã chích ngừa rồi và đã ra ngoài đi làm rồi,” bà Thiều lý giải.

Nguyên nhân cuối cùng bà đưa ra là ‘không nên quá lo sợ về việc trẻ nhiễm Covid’ vì ‘trừ khi bị béo phì hay có bệnh nền, trẻ mắc Covid sẽ lướt qua nhanh’.

Bà cho biết việc con bà học ở nhà khiến bà ‘cực hơn’ vì ‘cháu sẽ khó tiếp thu bài nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh’. Ngoài ra, phụ huynh phải bỏ thời gian làm bài tập cùng con mà nếu con đi học sẽ phải làm ở trường.

Bà Thiều không đồng ý bắt buộc các cháu phải chích ngừa mới được đi học và dẫn ra các sự cố với vaccine Pfizer khiến một số học sinh tử vong đã khiến rất nhiều phụ huynh nghi ngại về tác dụng của vaccine đối với trẻ.

“Nhiều phụ huynh nói chẳng thà để cho con bị nhiễm rồi tự hết còn hơn chịu rủi ro chích ngừa,” bà nói.

“Nếu bắt buộc phải chích thì có phụ huynh sẽ cho con ở nhà nghỉ học một năm luôn,” bà nói thêm. “Vaccine ngừa Covid-19 được phát triển quá nhanh nên tác dụng phụ không biết được hết.”

Về phần mình, bà nói nếu con bà được kêu đi chích ngừa Covid thì bà phải cân nhắc xem là vaccine gì mới quyết định cho chích hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG