Vào lúc Triều Tiên trở lại chính sách tự túc để giữ vững nền kinh tế do nhà nước điều hành đang trì trệ, các chuyên gia nói những chế tài tài chánh đối với giới lãnh đạo chế độ có thể tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
“Washington và đồng minh nên điều chỉnh các chế tài nhằm vào đời sống tài chánh của tầng lớp ưu tú của chế độ/đảng,” ông Matthew Ha, một nhà phân tích nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) nói. “Thực thể quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi trong giới lãnh đạo Triều Tiên là ngân hàng và các định chế tài chánh.”
Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố tại một cuộc họp của đảng vào tháng 12 năm ngoái là Triều Tiên phải đối phó với các chế tài bằng cách tự túc, Bình Nhưỡng đã huy động nguồn lực để củng cố việc tự cung tự cấp.
Ông Kim nói “Không cần phải lưỡng lự với bất kỳ dự kiến nào rằng Hoa Kỳ sẽ gỡ bỏ chế tài.” Ông thúc đẩy người dân “đột phá để làm hỏng những chế tài và phong tỏa của kẻ thù bằng cách tự túc.”
Tự túc hay Juche theo tiếng Triều Tiên, là ý thức hệ chính thức của Triều Tiên. Ý thức hệ này kêu gọi chế độ tự túc về kinh tế và độc lập về chính trị không dựa vào nước ngoài bằng cách động viên người dân làm việc cho chế độ, buộc họ phải đặt quyền lợi cá nhân đằng sau quyền lợi quốc gia.
Tờ báo chính thức của Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun ngày 28/1 đăng một bài báo kêu gọi công dân làm sống lại “tinh thần tự túc” để “xây dựng một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng căn cứ trên tinh thần tự túc (Juche).”
Ông Bradley Babson, cựu cố vấn Ngân hàng Thế giới và là một thành viên của hội đồng cố vấn thuộc Viện Kinh tế Triều Tiên của Hoa Kỳ, nói Triều Tiên khiếu nại về những chế tài vì đã hạn chế chế độ không điều hành được hoàn toàn những công nghiệp do nhà nước kiểm soát.
Các chế tài “thực sự hạn chế khả năng của nhà nước hoạt động trong một nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo theo như cách họ muốn làm,” ông Babson nói. “Và đó là lý do tại sao họ than phiền về những chế tài. Tôi nghĩ họ than phiền rằng nhà nước phải tạo điều kiện để lãnh vực tư sống còn.”
Theo ông Babson, chế tài khiến Triều Tiên không vận hành hết công suất các xí nghiệp quốc doanh phụ thuộc vào nhập khẩu. Các xí nghiệp này cần hoạt động hết công suất để thành công trong nước và thu được ngoại tệ ở nước ngoài.
‘Áp lực tối đa’
Các chế tài quốc tế áp đặt lên Triều Tiên, đặc biệt là những chế tài được ban hành kể từ năm 2016, hạn chế chế độ trong việc nhập khẩu xăng dầu cần thiết để điều hành công nghiệp trong nước.
Các chế tài cũng cấm chế độ xuất khẩu những mặt hàng thông dụng như than đá, quặng sắt, vải vóc, và hải sản mang đến thu nhập bằng tiền nước ngoài để hỗ trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân.
Trong khi những chế tài này hạn chế Triều Tiên điều hành những công nghiệp quốc doanh, các chuyên gia nói với Đài VOA là những chế tài đối với Triều Tiên thất bại không áp lực đủ đối với các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng. Những người này vẫn kiếm ra tiền cho đất nước bằng các hoạt động ở nước ngoài.
“Khi chúng ta nói đến áp lực chế tài, chúng ta thực sự cần nhắm vào nơi những quyết định chiến lược có thể được thi hành để thực sự điều chỉnh các tính toán của các nhà lãnh đạo chế độ,” ông Ha nói. “Trong một chế độ độc tài, chính các giới ưu tú là những người tạo ra những thay đổi trong quyết định.”
Ông Ha nói các chế tài nên nhắm vào những tài khoản ngân hàng nước ngoài của Triều Tiên mà những nhà lãnh đạo chế độ vẫn giữ để điều hành các hoạt động ở nước ngoài nhằm mang về ngoại tệ.
“Có những người trung gian địa phương ở nước ngoài đẩy tiền qua nhiều cá nhân Triều Tiên và các công ty họ điều hành để giúp cung cấp tài chánh cho chế độ,” ông Ha nói.
Ông Joshua Stanton, một luật sư tại Washington giúp soạn thảo Luật Thi hành Chế tài Triều Tiên và Thi hành chính sách năm 2016, nói, “Áp lực tối đa sẽ thực sự là áp lực tối đa khi có các khoản phạt 9 con số chống lại các ngân hàng Trung Quốc rửa tiền cho Triều Tiên.”
Nhắm vào đời sống tài chánh của giai cấp ưu tú của chế độ, bao gồm các giới chức quân đội và chính phủ, chắc chắn sẽ làm áp lực lên ông Kim, vì ông cần sự trung thành của họ để tại vị, theo ông Ha.
“Ông phải làm cho người của ông hài lòng, đặc biệt là giới ưu tú,” ông Ha nói. “Ông ấy cần phải có sự trung thành của giới ưu tú. Tôi nghĩ nếu họ thấy tình trạng của họ thay đổi thì đây sẽ là một vấn đề.”
Vào ngày 14/1 năm nay, Bộ Tài chánh Mỹ ban hành những chế tài mới lên hai thực thể Triều Tiên mà Bộ cho rằng vẫn tiếp tục xuất khẩu lao động ra nước ngoài, vi phạm những nghị quyết của Liên hiệp quốc trong đó có nghị quyết được thông qua vào năm 2017 yêu cầu tất cả công nhân Triều Tiên trở về nước, hạn chót là ngày 22/12/2019.
“Đây là một bước đúng hướng,” ông Ha nói. Ông nói thêm là một trong những thực thể bị chế tài, Namgang Trading Corporation, “chắc chắn là được điều hành bởi một giới chức chính phủ vốn giúp tài trợ chính phủ, mà chế độ cần.”
Chính sách thù nghịch
Sau khi Tổng thống Donald Trump bác bỏ yêu cầu của ông Kim đòi dỡ bỏ chế tài tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 2/2019, Triều Tiên tái tục thử nghiệm phi đạn vào tháng 5 và tiếp tục cho đến tháng 12 để phản đối những chế tài được mô tả như là “chính sách thù nghịch.” Và những chế tài là nguyên nhân chính khiến những cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn bị ngưng trệ kể từ khi những cuộc thảo luận cấp làm việc tại Stockholm đổ vỡ vào tháng 10/2019.
Ông Banson nói những chế tài Liên hiệp quốc hạn chế “nhập khẩu dầu đã thực sự có những ảnh hưởng tiêu cực lên những việc như sản xuất phân bón và những công nghiệp rất phụ thuộc vào dầu mỏ, không chỉ trong lãnh vực năng lượng nhưng trong những lãnh vực khác nữa.”
Ông nói thêm “Do đó những nỗ lực của họ thay thế dầu mỏ nhập khẩu với khí hóa than đá mà họ rất đồi dào là một trong những đáp ứng” để đối phó với các chế tài.
Để nhấn mạnh đến việc sử dụng than đá của chế độ, ông Kim đã đi thăm một vài nhà máy của Triều Tiên, trong đó có một nhà máy phân bón đang được xây dựng ở Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng sau khi loan báo trở lại chính sách Juche.
Ông Kim cũng chứng tỏ Bình Nhưỡng có thể dùng du lịch để thu hút ngoại tệ, đặc biệt từ Trung Quốc, bằng cách đi thăm khu nghỉ dưỡng suối nước nóng tại Yangdok vào tháng 12, chỉ trước khi khu này được mở cửa cho du khách một tháng sau đó. Các chế tài không cấm làm ra tiền bằng du lịch.
Tuy nhiên vụ bùng phát coronavirus tại Trung Quốc buộc Triều Tiên đóng cửa biên giới đối với du khách Trung Quốc.
Các chuyên gia nói cho dù Triều Tiên nỗ lực làm bền vững nền kinh tế bằng tự túc, nhưng ít có triển vọng là những nỗ lực này sẽ thành công.
Ông Troy Stangarone, giám đốc Viện Kinh tế Triều Tiên, nói một khu nghỉ mát Triều Tiên mở tại Quận Samjiyon vào tháng 12 “là một cuộc trình diễn”nhấn mạnh đến việc “chế độ có thể tự túc trong nước.”
Tuy nhiên ông nói thêm, “chính Triều Tiên cũng đã gợi ý là chi phí lao động rất to lớn để hoàn tất dự án, cho thấy còn lâu mới thành công.”
Ông Babson nói “Giới lãnh đạo cao cấp hiểu được rằng không có thương mại và đầu tư, bạn không thể tự mình làm được việc này.”
Công chúng thờ ơ
Một sự phức tạp khác đến từ phía công chúng Triều Tiên, những người không nhiệt tâm trở lại Juche một khi mà nhiều người kiếm được tiền từ thị trường tư nhân sau khi mất việc tại các xí nghiệp quốc doanh.
“Người dân thực sự không muốn bị chỉ thị trở về cưỡng bức lao động, một loại huy động lao động, để đẩy nền kinh tế tiến tới, khi họ tự kiếm ra tiền được,” ông nói.
Theo nghĩa này, ông Babson nghĩ điều mà nhà triết học thế kỷ 18 Adam Smith gọi “bàn tay vô hình”, một lực lượng thị trường tự do và tư lợi có thể giúp một quốc gia đạt được mức phồn thịnh kinh tế tối ưu, hiện đang được thi hành tại Triều Tiên. Ông Smith thường được gọi là cha đẻ của kinh tế hiện đại.
“Sáng kiến tạo nên phồn thịnh tư nhân qua các sáng kiến cá nhân đã gia tăng tại Triều Tiên và theo ý nghĩa này, ‘bàn tay vô hình’ đang hoạt động,” ông Babson nói.
Ông Babson cho biết thêm là sự tăng trưởng của thị trường và mong muốn của người dân có được những lợi ích kinh tế riêng đã phá hoại quan niệm cũ về tự túc.
“Ý niệm này thực sự đã bị phá hoại bằng sự phát triển của kinh tế thị trường.” Ông Babson nói: “Người dân cảm thấy họ có thể theo đuổi những lợi ích cá nhân và những lợi ích kinh tế nếu họ không được hưởng lợi toàn thể. Do đó có sự phá vỡ trong sự hiểu biết là tự túc có nghĩa như thế nào.”
Tuy nhiên với sự trỗi dậy mới đây về tự túc, chế độ dường như đang nỗ lực đổi dòng kinh tế.
Ông Babson nói “Đối với Triều Tiên, lập luận là hai bước tiến, một nước lùi, hay một bước tiến, hai bước lùi.”
Bình Nhưỡng hình như cũng đang đối mặt với việc định lại vị trí của tự túc trong một nền kinh tế hiện đại.
“Có một khẩu hiệu đối với chính phủ và đối với chính sách công là làm thế nào hội nhập khái niệm về tự túc trong thời kỳ hiện đại với cách thức kinh tế và xã hội đã phát triển kể từ nạn đói trong những năm 1990 và việc phá vỡ mô hình cũ,” ông Babson nói.
(BTV Christy Lee)