Hai loại thuốc viên chống virus của Merck và của Pfizer chứng tỏ ngăn ngừa đáng kể những tai hại nghiêm trọng nhất của COVID nếu uống sớm kịp thời, nhưng các bác sĩ cảnh báo những ai còn ngần ngại không chịu chích ngừa COVID chớ nên lẫn lộn ích lợi của hai loại thuốc viên chữa trị với tác dụng ngừa bệnh của vaccine.
Một số chuyên gia dịch bệnh lo rằng có thuốc uống chữa trị COVID có thể khiến người ta thêm chần chừ không chịu chích ngừa.
Hôm 5/11, Pfizer, công ty sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu, loan báo thuốc viên chống virus thử nghiệm của họ tên là Paxlovid giảm nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID khoảng 89% nơi những người trưởng thành có nguy cơ cao.
Trước đó, hãng dược Merck và đối tác Ridgeback hôm 1/10 công bố thuốc uống chống virus của họ giảm phân nửa tỷ lệ nhập viện và tử vong vì COVID. Thuốc này có tên là molnupiravir được chấp thuận có điều kiện tại Anh từ ngày 4/11.
Cả hai loại thuốc của Merck và của Pfizer còn chờ được thẩm quyền y tế Mỹ chấp thuận nhưng có thể sẽ có mặt trên thị trường trước cuối năm nay.
Sáu chuyên gia bệnh truyền nhiễm được Reuters phỏng vấn đều phấn khởi trước viễn ảnh hiệu quả của thuốc chữa trị COVID, nhưng họ đồng một quan điểm rằng không có gì có thể thay thế vaccine.
Trước biến thể Delta, vaccine của Pfizer vẫn hiệu nghiệm, cắt nguy cơ nhập viện tổng cộng 86,8%, theo một cuộc nghiên cứu của chính phủ lên các cựu binh Mỹ.
Quyết định không tiêm chủng “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng,” ông Albert Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer, nhấn mạnh.
“Đây là thuốc điều trị, dành cho những người kém may mắn bị lâm bệnh,” ông Bourla nói với Reuters.
Những thách thức
Một trong những lý do chính không nên trông cậy vào thuốc viên, theo các chuyên gia, là thuốc chống virus, vốn chặn không cho virus nhân lên trong cơ thể, phải được uống sớm ngay từ đầu vì bệnh COVID-19 có những giai đoạn khác nhau.
Trong giai đoạn đầu, virus nhanh chóng nhân lên trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều ảnh hưởng tai hại nhất của COVID lại xảy ra trong giai đoạn hai, nổi lên từ đáp ứng miễn dịch khiếm khuyết do virus nhân lên, theo bác sĩ Celine Gounder, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm và là CEO kiêm sáng lập viên của Just Human Productions, một tổ chức đa truyền thông bất vụ lợi.
“Một khi bạn có triệu chứng khó thở hay những triệu chứng khác dẫn tới nhập viện, bạn đã bước vào giai đoạn miễn dịch không hoạt động và lúc đó thì các thuốc chống virus thực sự không ích lợi gì mấy.”
Bác sĩ Peter Hotez, một chuyên gia vaccine kiêm giáo sư virus học phân tử và vi sinh học tại Trường Y Baylor, cho biết nhiều người trong giai đoạn đầu cảm thấy khỏe mạnh và không hề biết mức ô-xy của mình đang bị suy kiệt, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy giai đoạn nhiễm trùng đã bắt đầu.
“Thường thường mình sẽ không biết mình bị bệnh cho tới khi quá trễ,” ông nói.