Chính phủ Hoa Kỳ cho hay đã tấn công các nhà máy lọc dầu của Nhà nước Hồi giáo trị giá khoảng 2 triệu đôla một ngày, có khả năng làm tê liệt nhóm này. Thông tín viên VOA Heather Murdock tường trình rằng một số chuyên gia an ninh lo ngại các phần tử chủ chiến đang tự cho phép bị nhắm làm mục tiêu trong một nỗ lực thu hút các tân binh và chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn hơn.
Chính phủ Hoa Kỳ nói các cuộc tấn công ban đầu vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo dường như đã đạt thành quả tốt và đang chuẩn bị cho một chiến lược dài hạn ở Trung Đông. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama giải thích hôm thứ tư tại Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ không dung túng những nơi trú ẩn an toàn của các phần tử khủng bố, mà cũng không hành động như một cường quốc đi chiếm đóng. Chúng tôi sẽ có biện pháp chống lại những mối đe doạ cho an ninh của chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi, trong khi xây dựng một cấu trúc cho sự hợp tác chống khủng bố. Chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực nâng đỡ những người chống lại các chủ thuyết cực đoan và mưu tìm việc giải quyết xung đột phe phái.”
Nhưng một số chuyên gia phân tích ở Beirut nói sách lược của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo có thể có tác dụng dội ngược, mở rộng cơ sở quyền lực của Nhà nước Hồi giáo.
Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, bà Lina Khatib nói các phần tử chủ chiến IS muốn được coi là các mục tiêu để thu hút thiện cảm và nhờ đó tuyển mộ thêm người.
Bà nói các chiến binh Nhà nước Hồi giáo muốn các nước Tây phương tấn công họ, và đã chuẩn bị cho các vụ tấn công, giấu đi đa số các vũ khí đáng giá của họ.
Nhưng một bình luận gia kỳ cựu của báo An-Nahar ở Lebanon, ông Sarkis Naoum, nói lực lượng quân sự không thể tránh né được và lỗi lầm lớn nhất của Hoa Kỳ trong việc ứng phó với các phần tử chủ chiến là chờ đợi quá lâu mới can dự vào.
Ông Naoum nói liên minh Tây phương với các nước Ả Rập, kể cả Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có thể giảm thiểu hậu quả bắng cách thay đổi tự sự. Các cuộc xung đột trước đây trong khu vực phần lớn đã ở Trung Đông coi như chủ nghĩa đế quốc đối với các nước Hồi giáo.
Thành công hay thất bại trong cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến, theo ông, có thể tuỳ thuộc vào việc phương Tây duy trì các liên minh với thế giới Ả Rập, và tranh thủ được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, 2 trong các nước mạnh nhất của khu vực.
Nhưng ông Khatib lập luận rằng hậu quả của chiến dịch quân sự sẽ không thành vấn đề nếu như cộng đồng quốc tế không sẵn sàng cho khoảng trống quyền lực sau khi Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại.
Chuyên gia phân tích chính trị Maher Salloum nói có thể phải mất nhiều năm để lực lượng quân sự “triệt tiêu” Nhà nước Hồi giáo, nhưng các nỗ lực phải kèm theo với việc giải quyết các vấn đề kinh tế mà trước tiên đã khiến một số người gia nhập các nhóm chủ chiến.
Ông Salloum lập luận: “Nhưng cho đến nay, chưa có hành động, chưa có phát triển bền vững, chưa có công ăn việc làm, chưa có công nghiệp hoá. Chưa có cải thiện nông nghiệp. Dân chúng cần sự trợ giúp.”
Theo ông, chủ nghĩa cực đoan lớn mạnh một phần qua các nền kinh tế thất bại và tham nhũng.
Khi các nhóm quân sự đề nghị trả lương để chiến đấu và thuyết giảng chống lại các nhà lãnh đạo đã bị cho là tham nhũng, thì các chủ thuyết của họ trở nên hấp dẫn hơn. Tại nhiều nơi ở Iraq và Syria, các nơi trú ẩn an toàn bị chiến tranh tàn phá dành cho các phần tử cực đoan trên khắp thế giới, hàng ngũ của bọn họ có thể phát triển chỉ vì không sẵn sàng có các công ăn việc làm nào khác.