Các chuyên gia hàng không ở châu Á Thái Bình Dương kêu gọi đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc huấn luyện phi công giữa lúc nhiều quốc gia trong vùng chuẩn bị cho việc gia tăng nhanh chóng các chuyến bay chở khách trong những thập niên tới. Lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc hãng hàng không Lào công bố một phúc trình chính thức về nguyên do gây ra tai nạn rớt máy bay trong một chuyến bay nội địa tháng 10 năm ngoái làm tất cả 49 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng trong đó có nhiều người nước ngoài.
Chuyến bay QV 301 của hãng Lao Airlines đang trên đường từ thủ đô Vientiane đi Pakse thuộc tỉnh Champasak ở miền nam vào tháng 10 năm 2013 khi chiếc máy bay hai động cơ tua-bin phản lực cánh quạt rơi trong lúc có mưa bão lớn khi tìm cách đáp xuống lần thứ hai.
Thảm hoạ này làm thiệt mạng mọi người trên máy bay, gồm có công dân của 10 quốc gia gồm Australia, Pháp, Thái Lan, Nam Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Thứ Sáu tuần qua, chính phủ Lào công bố phúc trình chính thức về tai nạn này cho truyền thông Lào cũng như cho thân nhân các nạn nhân được mời đến như khách mời đặc biệt của Lao Airlines.
Chi tiết phúc trình này cũng được phổ biến trên đài truyền hình Lào.
Bản tin truyền hình cho biết làm thế nào giữa cơn bão, phi công quyết định ngưng hạ cánh xuống phi trường, cố gắng đáp xuống lần thứ hai nhưng ở độ cao dưới mức khuyến cáo và trong lúc quẹo gắt qua bên phải.
Thay vào đó, chiếc máy bay vướng phải cây trên một hòn đảo trên sông Mekong. Thân máy bay va vào bờ sông và máy bay nhào xuống sông. Phúc trình cho biết tất cả mọi người trên máy bay chết khi máy bay chạm đất.
Các nạn nhân gồm một gia đình bốn người Úc, là ông Gavin Rhodes, bà vợ là Phoumalaysy, người Lào và hai con nhỏ.
Cha ông Gavin, ông Geoff Rhodes, 71 tuổi, cư ngụ tại Sydney, nói về việc ông muốn đại diện con trai ông tại buổi công bố phúc trình như thế nào. Ông tóm lược những điều phúc trình nêu ra:
"Theo cách giải thích của tôi thì có ba sai sót: sai sót của phi công, sai sót của hệ thống, và sai sót về thiết bị. Và các đề xuất sửa sai của hãng hàng không Lào là làm thế nào có thể cải thiện được cả ba. Việc này có làm cho khác biệt gì trong cảm nghĩ của tôi hay không? Không, tôi không cảm thấy có khác lạ gì cả.”
Phúc trình về thảm hoạ này được đưa ra vào lúc ngành hàng không Châu Á Thái Bình Dương dự kiến có tăng trưởng nhanh chóng trong những thập niên tới.
Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA mới đây kêu gọi tiếp tục củng cố các biện pháp an toàn và cải thiện những hạ tầng cơ sở ít tốn kém và kiểm soát môi trường.
Theo dự trù, có khoảng 3,3 tỉ hành khách trên toàn cầu đi máy bay trong năm nay, và tiên đoán này sẽ tăng đến 7,3 tỉ người vào năm 2034. IATA cho biết trong vòng hai thập niên tới, châu Á Thái Bình Dương hy vọng chiếm khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu.
Nhưng ông Hugh Ritchie, giám đốc điều hành của Tham vấn Hàng không Quốc tế nói tăng trưởng thường vượt quá khả năng của lĩnh vực hàng không trong vùng trong việc xây dựng nhân lực có kỹ năng để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng. Ông nói:
“Vấn đề của tôi đối với an toàn hàng không tại phần đất này của thế giới là việc tăng trưởng với cấp số nhân. Các hãng hàng không tại đây đang nỗ lực xây dựng những hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ bên ngoài nhìn vào thì trông có vẻ như là họ đang làm việc này, nhưng nếu đi vào hậu trường và xem hệ thống hoạt động như thế nào, thì tôi không nghĩ họ đạt được đến những mức này.”
Ông Ritchie nói chuyện quá thông thường là tại châu Á có sự do dự trong việc đưa ra những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến ngành hàng không châu Á Thái Bình Dương tiến tới.
Một số nỗ lực đang được tiến hành.
Tổ chức An toàn Hàng không châu Á Thái Bình Dương bao gồm 20 chính phủ và 12 tổ chức quốc tế, gồm cả IATA đang cải thiện việc chia sẻ những thông tin quan trọng. Những định chế như Ngân hàng Phát triển châu Á đang tài trợ cho những hạ tầng cơ sở an toàn hàng không.
Vấn đề còn tồn tại là liệu đã làm đủ hay chưa, nhanh chóng hay chưa để tránh những thảm hoạ như vụ rớt máy bay QV 301.