Chúng tôi vừa nhận được bản tin ngày 27-5-2019 từ hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV). Theo đó, Trước những bằng chứng mới đây về việc công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh tiếp tục xả thải hóa học độc hại vào biển và hàng triệu tấn thải rắn lan tràn, thay mặt cho hàng ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường Formosa, nên Hội này đã chính thức gửi đơn khiếu nại lên Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc có trụ sở ờ Genève Thụy Sĩ, để tố cáo những vi phạm môi trường của công ty Formosa qua việc xả thải làm cá chết và ô nhiễm môi trường cũng như những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề bồi thường cho nạn nhân.
Bản tin của Hội Công Lý cho nạn nhân Formosa cho hay, đơn khiếu nại gồm 2 văn bản:
I. Văn bản thứ nhất gồm 20 trang nêu 6 vi phạm trầm trọng của nhà nước Việt Nam; bao gồm (1) vi phạm quyền được sống trong môi trường, bình an, trong sạch và lành mạnh, (2) quyền hưởng thực phẩm sạch và lành mạnh, (3) quyền được làm việc và phương tiện sinh sống, (4) quyền được biết những thông tin và quyền được phát biểu, (5)quyền tự do lập hội và (6) quyền khắc phục những mất mát một cách hữu hiệu.
Đơn tố khiếu nại cũng yêu cầu Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hãy khuyến cáo và có biện pháp chế tài thích đáng với nhà nước Việt Nam nếu họ không thực hiện những điểm sau đây:
1 - Thành lập một Ủy Ban điều tra để tìm hiểu và đòi hỏi việc bảo đảm cho tất cả nạn nhân phải được đền bù xứng đáng về những mất mát vật chất cũng như tinh thần.
2 -Thành lập một Ban điều tra độc lập gồm có những chuyên viên quốc tế tham dự để tìm hiểu ngọn ngành những gì đã xảy ra và ai là những người phải chịu trách nhiệm.
3 - Thành lập nhóm làm việc của Ủy Ban Nhân quyền để tái đàm phán với công ty Formosa về tiền bồi thường cho nạn nhân một cách công bằng.
4 - Nhà nước CSVN phải:
- Làm ra những luật lệ bảo đảm về môi trường và sự thanh tra chặt chẽ. Đồng thời đưa ra những đạo luật với những hình phạt nặng nề đối với những người vi phạm để phòng ngừa những thảm họa môi trường như Formosa không thể xảy ra.
- Thường xuyên kiểm soát và đánh giá sự an toàn của nước.
- Thả lập tức và vô điều kiện các tù nhân lương tâm, cũng như bảo đảm quyền phát biểu của người dân.
5 - Thành lập nhóm nghiên cứu quốc tế, độc lập và chuyên ngành về những chất độc và những dung dịch độc hại để theo dõi tình trạng an toàn của nước để bảo đảm người dân có nguồn thực phẩm hải sản an toàn,
II. Văn bản thứ hai dài 18 trang có nội dung tương tự và được gửi tới các Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc để thành lập những Ủy Ban điều tra dưới đây:
1 -Working Group on the issue of human rights and transnational corporations and other business enterprises: Mr. Githu Muigai; Mr. Surya Deva; Ms. Elzbleta Karska; Ms. Anita Ramasastry; Mr. Dante Pesce
2 -Special Rapporteur on human rights and the Environment: Mr. David R. Boyd Special Rapporteur on the right to food: Ms. Hilal Elver
3 -Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression: Mr. David Kaye
Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association: Mr. Clement Nyaletsossi Voule
4 -Special Rapporteur on the implications for human rights of the environmentally sound management and disposal of hazardous substances and wastes: Mr. Baskut Tuncak
5 -Special Rapporteur on the right of everyone to the enjoyment of the highest attainable standard of physical and mental health: Mr. Dainius Puras.
Vẫn theo Bản tin trên, theo thủ tục, Ủy Ban Nhân Quyền sẽ cứu xét và sẽ có thư trả lời cho hội JFFV về quyết định của Ủy Ban. Điều mà hội JFFV mong mỏi là Ủy Ban Nhân Quyền sẽ lập một nhóm điều tra để nếu họ tìm ra những vi phạm, họ sẽ có thế đưa ra những quyết định khuyến cáo hoặc các biện pháp chế tài tùy theo mức độ vi phạm.
Chúng tôi thành tâm ước mong rằng, nhà đương quyền Việt Nam quan tâm đúng mức đến những yêu cầu hợp tình hợp lý của đơn khiếu nại này để chủ động thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hữu hiệu ngõ hầu chấm dứt vĩnh viễn thực trạng công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh tiếp tục xả thải hóa học độc hại vào biển và hàng triệu tấn thải rắn lan tràn, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển của Việt Nam. Vì thực trạng này có ảnh hưởng sống còn lâu dài đến đời sống ngư dân ven biển và sức khỏe của người dân tiêu thụ cá đánh bắt từ các vùng biển bị ô nhiễm các chất độc thải của Formosa. Đồng thời, đề nghị chính quyền chức năng Việt Nam cần nghiêm túc xem xét, kiểm tra lại xem mức độ bồi thường cho các nạn nhân Formosa mấy năm trước đây có công bình, hợp lý và thỏa đáng chưa; để điều chỉnh theo đúng những đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của các ngư dân bị thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.
(Houston, ngày 1-6-2019)