Vài ngày sau khi thỏa thuận TPP được 11 nước thành viên đồng ý về “cốt lõi” tại Đà Nẵng và đổi tên thành CPTPP, một đại diện của Hội đồng người Canada nói với VOA rằng thỏa thuận mới điều chỉnh này vẫn là một “thỏa thuận tồi” và “khó nuốt” đối với người dân Canada, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang trong quá trình đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ và Mexico.
Bà Sujata Dey, đại diện của Hội đồng người Canada, cho biết không như tại Việt Nam và một số nước khác, ở Canada, số người ủng hộ cho Hiệp định Tự do Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất thấp.
“Rất nhiều người (gần 70%) cảm thấy có vấn đề với TPP. Chỉ có 30% người dân ủng hộ hiệp định này. Với nhiều người dân chúng tôi ở Canada, chúng tôi thấy thỏa thuận về cơ bản đem lại nhiều cơ hội cho hợp tác nhưng lại có rất ít chỗ cho chúng tôi [quyết định]”.
Bất chấp những trục trặc “phút 89” khi Thủ tướng Canada không xuất hiện tại bàn họp của 11 nước thành viên TPP ở Đà Nẵng, kết quả chung cuộc được đưa ra sau cuộc họp xuyên đêm của các lãnh đạo là TPP đã đạt được đồng thuận về phần “cốt lõi”.
Thỏa thuận được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 20 nội dung trong thỏa thuận TPP nguyên thủy được gác lại, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến lĩnh vực dược phẩm, bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ… Một số nội dung được cho là đã đạt được tiến bộ đáng kể nhưng vẫn cần phải xem xét trước khi ký kết bao gồm: Đối xử với doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ và đầu tư, giải quyết tranh chấp thương mại, ngoại lệ về văn hóa.
Bà Sujata Dey nói sự kiện Thủ tướng Trudeau không xuất hiện tại bàn họp quyết định về TPP ở Đà Nẵng gây “sốc” cho các nước, nhưng hoàn toàn không bất ngờ đối với người dân Canada. Vì vậy, khi các lãnh đạo ra tuyên bố về thỏa thuận mới với sự điều chỉnh về nội dung, đại diện của Hội đồng người Canada cho rằng CPTPP vẫn là một “thỏa thuận tồi” và “khó thuyết phục đối với người dân Canada”.
Bà Dey nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ đã đúng khi đứng lên bảo vệ quan điểm trong các cuộc đàm phán vì nó không những có ích cho người dân Canada, mà nó còn hữu ích cho người dân khắp thế giới, đảm bảo rằng người lao động trên khắp thế giới được bảo vệ quyền lợi và môi trường được bảo vệ. Chúng tôi không hài lòng khi biết được chính phủ nhún nhường vào phút cuối. Thỏa thuận hiện vẫn chưa kết thúc, vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn tất. Về phía Canada là các vấn đề về văn hóa, quản lý chuỗi cung ứng, công nghiệp xe hơi và nhiều vấn đề khác nữa chưa được giải quyết. Cho nên đây vẫn là một thỏa thuận tồi”.
Bà Sujata Dey cho biết tác động tiêu cực của thỏa thuận thương mại đối với công ăn việc làm của người dân cũng là một mối quan tâm rất lớn ở Canada:
“Người dân muốn công việc của họ được bảo đảm và không muốn mất chúng vì TPP. Tính toán của một trường đại học ở Canada cho biết chúng tôi sẽ mất đi 58.000 công việc. Cho nên đối với chúng tôi, điều quan trọng trong các thỏa thuận thương mại là phải bảo vệ công việc cho tất cả mọi người. Với thỏa thuận này, khi mở cửa thị trường, phải bảo đảm rằng tất cả mọi người đều nhận được gì đó từ thỏa thuận”.
Một trở ngại khác, theo bà Dey, là người dân Canada đặc biệt lo lắng về khả năng các nước khác có thể kiện chính phủ Canada trong các kế hoạch nhằm bảo vệ môi trường hay những chương trình xã hội, công ích.
Theo người đại diện cho Hội đồng người dân Canada, quyết định của Thủ tướng Trudeau ở Đà Nẵng có sự chi phối của yếu tố chính trị. Bà phân tích:
“Đúng là có yếu tố chính trị ở đây, đó là địa chính trị. Hoa Kỳ có sức ảnh hưởng trong khu vực và muốn chứng tỏ điều đó. Còn Canada đang trong một thỏa thuận rất khó thuyết phục được công chúng, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, quản lý chuỗi cung ứng, công nghiệp ô tô là những lĩnh vực cũng sẽ xuất hiện trên bàn đàm phán NAFTA”.
Việc “ép” cho ra một thỏa thuận được ký kết tại APEC, theo bà Sujata Dey, cũng là một yếu tố chính trị của một số nước thành viên TPP.
“Các quốc gia tham gia TPP muốn nói với ông Trump rằng: ‘Này, ông xem, chúng tôi vẫn làm được ngay cả khi không có ông’, và họ muốn thực hiện vào lúc mà ông Trump đang có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, những quốc gia như Canada và Mexico còn có thỏa thuận cần phải đạt được là NAFTA”.
Đại diện Hội đồng người Canada nhận định các khoản mà Canada sẽ phải “hy sinh” nếu ký kết thỏa thuận TPP tệ hơn nhiều so với NAFTA. Trong khi đối với Canada, những trở ngại hiện tại của việc đàm phán lại hiệp định 23 năm tuổi NAFTA đang tạo ra mối đe dọa trực diện lên nền kinh tế khi có đến ¾ lượng hàng xuất khẩu của nước này đi vào thị trường Mỹ. Sự cân nhắc của chính quyền Thủ tướng Trudeau chắc chắn sẽ làm cho thỏa thuận từng ở bên bờ vực đổ vỡ (khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định) càng thêm bấp bênh.