Sự hậu thuẫn hoàn toàn của Đức Thượng phụ Nga Kirill cho hành động xâm lược Ukraine đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và khơi mào cuộc nổi loạn nội bộ mà các chuyên gia cho là chưa từng thấy.
Đức Thượng phụ Kirill, 75 tuổi, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, xem cuộc chiến này là tường thành trước phương Tây mà Ngài xem là suy đồi, nhất là do phương Tây chấp nhận đồng tính luyến ái.
Ngài và ông Putin có chung tầm nhìn về ‘Russkiy Mir’, hay ‘Thế giới Nga’ vốn liên kết sự thống nhất tâm linh với việc mở rộng lãnh thổ nhắm vào nước thuộc Liên Xô cũ.
Điều mà Putin coi là sự khôi phục chính trị, Đức Thượng phụ Kirill coi là cuộc thập tự chinh.
Nhưng Ngài đã khơi mào phản ứng dữ dội ở trong nước cũng như ở các Giáo hội nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow.
Tại Nga, gần 300 thành viên Chính thống giáo của nhóm các Linh mục Nga vì Hòa bình đã ký một thư ngỏ lên án ‘các mệnh lệnh giết người’ được thực thi ở Ukraine.
Trong số 260 triệu tín hữu Chính thống giáo trên thế giới, khoảng 100 triệu đang ở Nga và những tín hữu nước ngoài gắn kết với Moscow. Nhưng chiến tranh đã làm căng thẳng mối quan hệ.
“Kirill chỉ đơn giản làm mất uy tín Giáo hội,” Mục sư Taras Khomych, giảng viên cao cấp về thần học tại Đại học Liverpool Hope và là thành viên của Giáo hội Công giáo Byzantine của Ukraine, cho biết. “Nhiều người muốn lên tiếng ở Nga nhưng sợ hãi,” ông nói với Reuters.
Ukraine có khoảng 30 triệu tín đồ Chính thống giáo. Họ thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine dưới Tòa thượng phụ Moscow (UOC-MP) và hai Giáo hội Chính thống giáo khác, một trong số đó là Giáo hội Chính thống giáo Ukraina độc lập.
Ukraine có ý nghĩa không thể tách rời đối với Giáo hội Chính thống Nga vì nó được coi là cái nôi của nền văn minh Rus, một thực thể thời trung cổ, nơi vào thế kỷ thứ 10, các nhà truyền giáo Chính thống giáo Byzantine đã cải đạo Hoàng thân Volodymyr.
Tổng Giám mục Kiev Onufry Berezovsky của UOC-MP đã kêu gọi Putin ‘chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến huynh đệ tương tàn’, và một tổng giám mục khác của UOC-MP, ông Evology ở thành phố Sumy miền đông, đã yêu cầu các linh mục dưới quyền ngừng cầu nguyện cho Kirill.
Đức Thượng phụ Kirill, vốn tuyên bố Ukraine là một phần không thể chia cắt trong thẩm quyền tâm linh của Ngài, đã cắt đứt quan hệ với Bartholomew, Đức Thượng phụ Đại kết ở Istanbul, người đóng vai trò là người đứng đầu trong các thượng phụ ngang hàng trong thế giới Chính thống giáo và ủng hộ quyền tự trị của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine.
“Một số Giáo hội rất tức giận với Kirill về lập trường của ông ấy về chiến tranh đến nỗi chúng ta đang phải đối mặt với biến động trong thế giới Chính thống giáo,” Tamara Grdzelidze, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học bang Ilia ở Georgia và là cựu đại sứ Gruzia tại Vatican, nói với Reuters.
Trong một tuyên bố chung, các nhà thần học Chính thống giáo từ các tổ chức bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Chính thống của Đại học Fordham ở New York và Học viện Nghiên cứu Thần học Volos ở Hy Lạp đã lên án các nhà lãnh đạo Giáo hội ‘hướng dẫn tín đồ của họ cầu nguyện theo cách khuyến khích thù địch’.
Lập trường của Đức Thượng phụ Kirill cũng dẫn đến khoảng cách giữa Giáo hội Chính thống Nga và các Giáo hội Thiên chúa giáo khác.
Quyền Tổng thư ký Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), Mục sư Ian Sauca, đã viết thư cho Đức Thượng phụ Kirill yêu cầu Ngài ‘can thiệp và hòa giải với chính quyền để ngăn chặn cuộc chiến này’.
Đức Thượng phụ Kirill trả lời rằng ‘các lực lượng công khai coi Nga là kẻ thù đã đến gần biên giới Nga’ và phương Tây đã thi hành ‘chiến lược địa chính trị quy mô lớn’ để làm suy yếu Nga.
Lập trường ủng hộ Putin của Đức Thượng phụ Kirill cũng làm đảo lộn mối quan hệ với Vatican.
Năm 2016, Đức Giáo hoàng Francis trở thành giáo hoàng Thiên chúa giáo La Mã đầu tiên gặp một lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga kể từ cuộc đại ly giáo vào năm 1054.
Cuộc gặp thứ hai mà cả Đức Giáo hoàng Francis và Đức Thượng phụ Kirill cho biết họ muốn tổ chức trong năm nay là gần như không thể, các chuyên gia cho biết.