Ủy ban điều hành Liên minh châu Âu hôm 17/6 ủng hộ tư cách ứng viên cho Ukraine và hai nước thuộc Liên Xô khác – một sự dịch chuyển lịch sử về phía đông trong tầm nhìn của khối châu Âu.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU chỉ 4 ngày sau khi quân đội Nga tràn qua biên giới hồi tháng Hai. Bốn ngày sau, Moldova và Gruzia cũng vậy. Hai nước này đang phải đối phó với các khu vực ly khai do quân Nga chiếm đóng.
Các nhà lãnh đạo của ba cường quốc lớn nhất EU - Đức, Pháp và Ý - đã thể hiện sự đoàn kết khi đến thăm Kyiv hôm 16/5, cùng với Tổng thống Romania.
“Ukraine thuộc về gia đình châu Âu,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ tán thành khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới.
Ukraine, Moldova và Gruzia vẫn sẽ phải trải qua quá trình dài để đạt được các tiêu chuẩn cần thiết để được chấp nhận là thành viên, và còn có những ứng viên khác đang chờ. Sự kết nạp cũng không được đảm bảo - các cuộc đàm phán đã đình trệ trong nhiều năm với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chính thức là ứng viên xin gia nhập EU kể từ năm 1999.
Nhưng việc khởi động quá trình chính thức để kết nạp ba quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, động thái dường như không thể tưởng tượng được chỉ vài tháng trước, là sự thay đổi sánh ngang với quyết định chào đón các nước đông Âu từng là cộng sản trong những năm 1990.
“Chính vì sự dũng cảm của người dân Ukraine, châu Âu có thể tạo ra lịch sử tự do mới, và cuối cùng loại bỏ vùng xám ở Đông Âu giữa EU và Nga,” ông Zelenskyi nói trong bài phát biểu qua video hàng đêm.
“Ukraine đã đến gần với EU, gần hơn bất cứ lúc nào kể từ khi độc lập,” ông nói, đề cập đến ‘tin tốt’ sắp sửa xảy ra mà không nói rõ.
Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ là quốc gia lớn nhất EU tính theo diện tích và đông dân thứ năm. Cả ba ứng cử viên đều nghèo hơn nhiều so với bất kỳ thành viên EU hiện tại nào, với sản lượng bình quân đầu người chỉ vào khoảng một nửa của nước nghèo nhất khối là Bulgaria.
Tất cả gần đây đều có lịch sử chính trị bất ổn, bạo loạn trong nước, tội phạm có tổ chức ăn sâu và các cuộc xung đột chưa được giải quyết với phe ly khai được Nga hậu thuẫn vốn đòi chủ quyền đối với lãnh thổ được quân Nga bảo vệ.
Về tình hình chiến sự trong lúc này, ở phía nam, Ukraine đã mở một cuộc phản công, và tuyên bố họ đã xâm nhập vào khu vực rộng nhất mà Nga chiếm giữ trong cuộc xâm lược.
Ukraine tuyên bố quân của họ đã bắn trúng một tàu kéo Nga chở binh lính, vũ khí và đạn dược đến đảo Rắn do Nga chiếm đóng, một tiền đồn chiến lược trên Biển Đen.
Một trong những lo ngại chính của các nhà lãnh đạo thế giới là Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine, ngăn chặn xuất khẩu từ một trong nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới và đe dọa gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông nghi ngờ Moscow sẽ đồng ý với đề xuất của Liên Hợp Quốc về việc mở lại các cảng.
“Tôi đã có cuộc hội đàm vài tuần trước với Tổng thống Putin, nhưng ông ấy không muốn chấp nhận nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề này,” ông Macron nói.