Dịch bệnh Covid-19 đang lây lan ở Mỹ và thế giới khiến cho ngày kỷ niệm 30/4 năm nay trở thành cơ hội lần đầu tiên ‘kết nối các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới’ để ‘cùng hướng về mục tiêu chung’, một thành viên ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm này nói với VOA.
Năm nay là tròn 45 năm ngày quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn trong hành động mà chính quyền trong nước gọi là ‘Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ trng khi cộng đồng người Việt ở hải ngoại xem là ngày ‘Quốc hận’.
Ngày 30/4 năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan của virus corona trong khi Mỹ cũng đang đóng cửa nền kinh tế vì đại dịch hoành hành.
Vào ngày này những năm chẵn, chính quyền trong nước thường tổ chức lễ kỷ niệm lớn có diễn binh, diễn hành và người lao động, học sinh khắp cả nước được nghỉ để ăn mừng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đến giờ chưa thấy trong nước có động thái gì chuẩn bị.
Trong nguy có cơ?
Còn đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ, năm nay lễ tưởng niệm ‘Ngày Quốc hận’ vẫn được tổ chức nhưng lần đầu tiên ‘tổ chức qua mạng’, Luật sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên Giáo dục Học khu Garden Grove, thành viên ban tổ chức Lễ tưởng niệm ‘Quốc hận’ lần thứ 45, cho biết.
Trao đổi với VOA từ khu Little Saigon, nơi được xem là thủ đô của người Việt hải ngoại và hiện đang thực thi lệnh ‘ở nhà’ để đối phó với dịch Covid-19, ông Lân nói ‘dịch bệnh tạo ra cơ hội’.
“Đây là cơ hội cho chúng tôi tổ chức buổi lễ này không phải là một địa phương, mà là liên kết nhiều địa phương, nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia với nhau lại tổ chức cùng một lúc,” ông nói. (0:45)
Ông Lân cho biết lần tổ chức này không chỉ có người Việt ở vùng Little Saigon, mà còn các cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ, rồi các cộng đồng ở các nước khác, châu lục khác như Âu châu, châu Úc đều sẽ tham gia. Theo lời ông thì có cả những người Việt trong nước đăng ký tham gia chương trình tưởng niệm ‘Quốc hận’.
Vì nhiều nơi nên múi giờ khác xa nhau, do đó mọi người ‘phải sắp xếp công việc để tham gia với nhau trong cùng một lúc’, ông giải thích, và cho rằng sự đồng lòng đó là ‘biểu tượng tất cả người Việt hải ngoại quy về một mối, một chỗ, một mục tiêu’.
Về sự tham gia của người Việt trong nước, ông nói ‘có những khó khăn’ do sự ngăn cấm của chính quyền nhưng đến giờ vẫn có người xác nhận với ban tổ chức họ sẽ tham dự.
Hình thức tưởng niệm
Lễ tưởng niệm năm nay mặc dù được tổ chức qua mạng nhưng vẫn có ‘đủ các nội dung như các buổi lễ tưởng niệm truyền thống hàng năm’ và mọi người ở khắp mọi nơi đều có thể tham dự từ nhà, qua kết nối internet.
Theo lời diễn giải của vị luật sư này thì buổi lễ này cũng có các nghi thức như chào cờ, mặc niệm, tuyên bố lý do, diễn văn của ban tổ chức, diễn văn của các đại diện cộng đồng, đại diện đoàn thể, cảm nghĩ của cựu quân nhân, câu chuyện kể lại về hành trình vượt biên hay trong trại cải tạo, văn nghệ…
Tất cả đều đã được chuẩn bị từ trước (thâu âm, thâu hình sẵn) và sẽ được phát qua mạng.
Ông cho biết sẽ có người dẫn chương trình trực tiếp để dẫn dắt khán giả theo dõi trình tự buổi lễ. Xen kẽ giữa các phần phát biểu là các tiết mục văn nghệ và trình chiếu các hình ảnh của các cộng đồng, ông nói thêm.
Hiện Lân ông chưa rõ trong điều kiện dịch bệnh thế này, những người đọc diễn văn để quay hình trước sẽ đọc tại nhà hay tại một địa điểm công cộng có lễ đài, bục phát biểu, cờ, hoa, biểu ngữ.
Những người được tuyển lựa để có bài phát biểu phải ‘mang tính đại diện của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới’, ông nói và nêu lên các vị đại diện của Hội đồng Liên Tôn, của các cộng đồng Nam, Bắc California, Pháp, Úc… cùng các đoàn thể lớn bao quát cộng đồng Việt Nam ở Mỹ.
Về chủ đề buổi lễ, ông cho biết ‘vẫn đang thảo luận’ và ‘có một ý tưởng đang được đưa ra là ‘đoàn kết’.
Theo lời ông thì các vị chức sắc của cộng đồng sẽ tham dự vào lễ tưởng niệm thông qua ứng dụng Zoom trong khi các khán giả có thể theo dõi qua mạng xã hội hay các kênh truyền hình địa phương của người Việt.
“Chúng tôi đang vận động, kêu gọi các cơ quan truyền thông, mọi người trên mạng xã hội, dành đúng thời điểm đó để phát hình trực tiếp về chương trình này để mọi người không biết gì vào lúc đó họ có thể thấy và xem chương trình,” ông nói.
‘Không suôn sẻ’
Ông Lân thừa nhận rằng do lần đầu tiên tổ chức trực tuyến nên ban tổ chức cũng vấp phải những trở ngại, mà trong đó thách thức lớn nhất là ‘kỹ thuật’.
“Việc tổ chức cũng có phần cập rập vì nhiều vị chủ tịch cộng đồng một số người đã lớn tuổi. Họ không biết internet như thế nào, không biết Youtube làm sao, họ chưa hẳn đã có email. Tôi nói nhờ con cháu của họ giúp đỡ,” ông giải thích.
“Qua Facebook thì nhiều người có thể tham dự được, và họ có thể chia sẻ cho tất cả bạn bè của họ để mọi người cùng ngồi xuống xem chương trình,” ông nói và cho rằng hình thức tưởng niệm trực tuyến này sẽ không làm giảm sức lan tỏa của sự kiện.
Tuy nhiên, ông nói rằng nếu không phải vì dịch bệnh thì ông ‘vẫn muốn tổ chức tập trung một chỗ’, có ‘đốt lửa thiêng, có đèn chiếu, âm thanh, ánh sáng’ thì ‘vẫn hay hơn’. Khi đó, mọi người ‘có thể chia sẻ cảm nghĩ với nhau nhiều hơn’.
Ông cho biết ngoài buổi lễ chung này thì mỗi cộng đồng ở từng địa phương ‘cũng có kế hoạch khác nhau’. Chẳng hạn như ở khu Little Saigon sẽ tổ chức chào quốc kỳ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trên các đường phố và nhiều hội đoàn cũng tổ chức hội thảo về ngày 30/4 qua Internet.
“Tôi thông cảm cho nhiều cộng đồng muốn tổ chức trong tình hình hiện nay họ làm không được,” ông nói.
Về khả năng Việt Nam có hay không tổ chức kỷ niệm ngày 30/4 năm nay do dịch bệnh, ông Lân nói: “Họ có hay không buổi lễ đó thì mọi người vẫn biết chính quyền Việt Nam coi đó là ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước. Nên họ có làm thì chúng tôi cũng không thấy chướng tai gai mắt. Họ không làm không có nghĩa là mình vui.”
Lễ tưởng niệm 45 năm ngày ‘Quốc Hận’ của cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ được tổ chức vào 4 giờ chiều ngày 30/4, giờ California, và sẽ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ.