Hoạt động đặc biệt nhất và nổi bật nhất trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 là cuộc diễn tập lớn về phòng chống thiên tai và cứu nạn được thực hiện trên sông Hàn, Đà Nẵng vào sáng 26/7.
Theo báo chí Việt Nam, gần 150 người thuộc các lực lượng dân sự và vũ trang của Đà Nẵng cùng với các nhân viên tàu bệnh viện Mỹ USNS Mercy và tàu Hải quân Nhật JSDS Shimokita đã tham gia cuộc diễn tập.
Hai kịch bản diễn tập là bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió lên tới 80-100km/giờ, gây ra cháy và hỏng hóc máy móc, làm nhiều ngư dân rơi xuống nước và bị thương. Các lực lượng phải phối hợp để sơ cứu và lai dắt thuyền bị nạn về cầu cảng trong vòng 35-45 phút sau khi sự cố xảy ra.
Đánh giá về cuộc diễn tập, bà Lê Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, nói với VOA:
“Các đối tác tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương cùng với các cơ quan ban ngành của Đà Nẵng đã thực hiện theo đúng kịch bản và kế hoạch đã xây dựng, thống nhất trước đó. Chúng tôi cũng đánh giá rằng đây là một cuộc diễn tập rất là thành công”.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) đã khởi động hôm 15/7 ở thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực. Về phía Mỹ, nước có vai trò chủ đạo trong chương trình, có sự tham gia của Tàu bệnh viện USNS Mercy. Lần đầu tiên nước chủ nhà Việt Nam cử tàu bệnh viện Khánh Hòa của hải quân tham gia, đây là một điều đặc biệt. Một đối tác lớn trong chương trình là Nhật Bản đã điều đến Đà Nẵng tàu Hải quân JSDS Shimokita.
Trong khuôn khổ chương trình kéo dài đến ngày 28/7, các bác sỹ, nhân viên y tế dự kiến phẫu thuật, khám chữa bệnh cho khoảng gần 1000 người bị các bệnh về khớp, bỏng, mắt, tiết niệu, răng miệng, dị tật.
Bên cạnh đó, các đối tác Việt Nam cùng với Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nâng cấp 3 trường học và 1 trạm y tế ở Đà Nẵng.
Các bên tham gia cũng có nhiều cuộc trao đổi chuyên môn về cứu hộ cứu nạn, y tế, và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao.
Bà Lê Thu Hạnh, đại diện thành phố Đà Nẵng, nhận xét: “Chúng tôi đánh giá những hoạt động này rất là có ý nghĩa về mặt nhân đạo, về mặt nhân văn. Nhiều hoạt động giao lưu khác cũng để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân”.
Các hoạt động của chương trình có sự đóng góp công sức của nhiều thành viên hoặc quân nhân Mỹ gốc Việt và sự tham gia của họ được đánh giá cao. Bà Hạnh cho VOA biết thêm chi tiết:
“Chúng tôi đã được cộng tác với rất nhiều các em công dân Mỹ gốc Việt. Phải nói là các em rất là nhiệt tình. Dù xa quê hương lâu năm rồi, tiếng Việt cũng không còn sõi nữa, nhưng các em đã sử dụng các chuyên môn của mình để phục vụ cho người dân. Ví dụ như Bác sỹ Tiến sỹ Andrew Đoàn, Bác sỹ Thành, rồi cả người lập kế hoạch đó là Jason Đào chẳng hạn. Thì tất cả các bạn đấy đều rất là nhiệt tình với quê hương. Và chúng tôi cũng cảm ơn các bạn ấy đã là cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam”.
VOA được biết Thiếu tá Jason Dao là sĩ quan Mỹ phụ trách địa bàn Việt Nam trong chương trình PP16.
Trong bối cảnh hồi đầu năm nay có những tin tức là quân đội Mỹ cân nhắc một đề xuất đặt các kho hậu cần ở nước ngoài trong đó có Việt Nam để giúp cho các hoạt động khắc phục thiên tai và trợ giúp nhân đạo được nhanh chóng trong khu vực, khi được hỏi về triển vọng hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam trong vấn đề này, bà Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phát biểu:
“Chúng tôi đánh giá rất cao công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Bởi vì Đà Nẵng nằm ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ và nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu […] Chúng tôi rất là cần trang bị, tăng cường năng lực để ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai”.
Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm Chương trình Đối tác Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu đã diễn ra ở Việt Nam. Sau Việt Nam, Chương trình PP16 sẽ tiếp tục đến Malaysia và Indonesia.